Làm gì để không bị lừa tiền từ các cuộc gọi giả danh Công an?
- Giả danh Công an gọi điện thoại để lừa đảo
- Giám định chữ viết, phát hiện kẻ giả danh Công an để lừa đảo
- Cảnh báo tình trạng giả danh Công an để lừa đảo
Trong vài năm gần đây, đặc biệt từ năm 2013 - 2015, hàng loạt nạn nhân bị đối tượng giả danh cảnh sát gọi điện đe dọa, lừa chuyển tiền vào tài khoản của “cơ quan điều tra” với số tiền từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Hành vi phạm tội này tạm lắng xuống một thời gian ngắn và hiện đang có xu hướng gia tăng trở lại.
Thủ đoạn phạm tội của các đối tượng lừa đảo giả danh cảnh sát rất tinh vi, có sự câu kết giữa đối tượng trong nước và đối tượng ở nước ngoài (chủ yếu là người Đài Loan hoặc Trung Quốc) theo một qui trình: thu thập thông tin về nạn nhân - giả mạo số điện thoại của cơ quan điều tra gọi điện đe dọa nạn nhân - yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của “cơ quan điều tra” - nhanh chóng tẩu tán tiền trong tài khoản - xóa dấu vết.
Tuy nhiên, cho dù thủ đoạn của bọn tội phạm tinh vi như thế nào đi nữa, nếu người dân có kỹ năng và ý thức cảnh giác, chắc chắn hậu quả sẽ không xảy ra. Vậy, cần làm gì để không bị lừa tiền từ các cuộc gọi giả danh Công an?
1. Nêu cao ý thức bảo mật thông tin cá nhân
Tội phạm không thể gọi điện theo kiểu may rủi để đe dọa lừa chuyển tiền vào tài khoản mà chúng luôn nhắm đến các đối tượng nhất định. Để thực hiện được phi vụ lừa đảo chúng phải có thông tin xác thực về nạn nhân.
Thực tế, chúng ta thường vô tình để lộ thông tin cá nhân trên tài khoản mạng xã hội, phiếu mua hàng, thẻ khách hàng, chứng từ giao dịch dân sự… Thậm chí, tội phạm có cách thức riêng để thu thập thông tin cá nhân như: hack email, tài khoản mạng xã hội để lấy thông tin cá nhân; trực tiếp gọi điện giả mạo đơn vị cung cấp dịch vụ khai thác thông tin cá nhân của nạn nhân; mua thông tin cá nhân của khách hàng.
Nêu cao ý thức bảo mật thông tin cá nhân (Ảnh minh họa). |
Thực tế, khi mua bất kỳ mặt hàng có giá trị cao nào, thông thường đơn vị cung cấp thường đề nghị khách hàng làm thẻ thành viên để được cộng điểm, ưu đãi chế độ khuyến mãi. Tuy nhiên, đây là nguồn nguyên liệu thông tin khổng lồ để tội phạm khai thác, nhiều đối tượng xấu chuyên bán thông tin cá nhân khách hàng để trục lợi. Vì vậy, khi được đề nghị làm thẻ thành viên, khách hàng cần cân nhắc có thực sự cần thiết hay không, nếu không cần thiết không cần tham gia để tránh lộ lọt thông tin cá nhân.
Khi sử dụng các tài khoản mạng xã hội, cần hạn chế tối đa cung cấp thông tin cá nhân như: số điện thoại; ngày tháng năm sinh; địa chỉ; nơi làm việc; công việc; gia đình… nếu không bị bắt buộc phải cung cấp và không cần thiết cho công việc.
Khi thực hiện các giao dịch dân sự, đặc biệt là các hợp đồng kinh tế, giao dịch liên quan đến tài sản lớn… không nên in hoặc photocopy ở dịch vụ mà cần phải in bằng máy in cá nhân bởi vì tất cả các máy in, photocopy dịch vụ hiện nay đều có chế độ lưu giữ thông tin, rất dễ dẫn đến lộ thông tin cá nhân. Mặt khác, cần phải lưu giữ các chứng từ này cẩn thận, tránh bị mất, lộ lọt, khi hết hiệu lực nên hủy không nên vất vào sọt rác.
Không tùy tiện cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khai thác qua điện thoại hoặc email. Nếu cần trả lời qua điện thoại để kiểm tra thông tin cá nhân theo yêu cầu của nhà cung cấp dịch vụ nào đó cần yêu cầu họ xác định thông tin, tuyệt đối không cung cấp thông tin yêu cầu khi chưa có văn bản đúng qui định của đơn vị chức năng.
Bảo mật thông tin cá nhân không chỉ giúp chúng ta tránh được nguy cơ bị lừa chuyển tiền mà còn tránh được sự phiền hà từ cuộc gọi không mong muốn. Vì vậy, cần phải nêu cao ý thức bảo mật thông tin.
2. Không cho người khác mượn thẻ ATM, đứng tên tài khoản ngân hàng hộ người khác
Các đối tượng người nước ngoài thường dụ dỗ, lôi kéo người Việt Nam mở tài khoản ở các ngân hàng khác nhau nhằm giúp chúng thực hiện hành vi lừa đảo. Do hám lợi, chưa nhận thức được tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội, nhiều đối tượng, chủ yếu là thanh niên đã tiếp tay cho các đối tượng người ngoài thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nạn nhân.
Không cho người khác mượn thẻ ATM (Ảnh minh họa). |
Một số trường hợp, đối tượng xấu lợi dụng quen biết, nhờ người thân đứng tên chủ tài khoản sau đó dùng thẻ ATM của đứng tên họ để rút tiền chuyển cho các đối tượng người nước ngoài. Vì vậy, cần phải chú ý không cho bất kỳ ai mượn thẻ ATM để sử dụng hoặc đứng tên tài khoản ngân hàng hộ người khác, tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo.
3. Chỉ làm việc với cơ quan công an khi có giấy mời, giấy triệu tập hoặc làm việc trực tiếp với cán bộ công an, tuyệt đối không chuyển khoản cho bất kỳ ai khi chưa nhận được quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Trong các vụ giả danh cảnh sát đe dọa lừa chuyển tiền, nếu nạn nhân ở các tỉnh thành phía Nam (chủ yếu là TP HCM), đối tượng thường xưng là người của Cục C45 hoặc C46 ở Hà Nội đang điều tra án để đe dọa nạn nhân. Ngược lại, nếu nạn nhân ở các tỉnh thành phía Bắc (chủ yếu là Hà Nội), đối tượng lại xưng là người của Cục C45 hoặc C46 ở TP HCM để đe dọa khủng bố tinh thần nạn nhân.
Chỉ làm việc khi có giấy triệu tập hoặc giấy mời của cơ quan Công an (Ảnh minh họa). |
Mục đích của chúng là nhằm làm cho nạn nhân khó có điều kiện kiểm chứng trực tiếp mà chỉ kiểm tra qua tổng đài để biết số điện thoại đang gọi là của cơ quan điều tra. Trước đó, chúng đã sử dụng phần mềm mã hóa làm giả số điện thoại của tổng đài và cả số điện thoại của cơ quan điều tra.
Khi nạn nhân đã tin, chúng liên tục khủng bố tinh thần bằng những lời đe dọa nếu không cộng tác sẽ bắt khẩn cấp ngay và phải bảo đảm bí mật, không được tiết lộ với bất kỳ ai làm cho nạn nhân càng thêm hoang mang.
Thông thường, khi làm việc với người dân, cơ quan công an thường gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc cử cán bộ trực tiếp đến làm việc, tuyệt đối không làm việc qua điện thoại. Đặc biệt, cơ quan điều tra không được phép yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản để kiểm tra có phải là “tiền sạch” hay không, bất kỳ việc trưng dụng, thu giữ tài sản, tiền bạc của người dân đều phải có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Vì vậy, chúng ta chỉ làm việc với cơ quan công an khi có giấy mời, giấy triệu tập hoặc làm việc trực tiếp với cán bộ công an, tuyệt đối không được chuyển khoản cho bất kỳ ai khi chưa có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
4. Khéo léo xử lý tình huống, cộng tác với cơ quan Công an trong đấu tranh với đối tượng có hành vi giả danh, lừa đảo
Khi nhận được cuộc gọi tự xưng là điều tra viên đang điều tra án, cần phải bình tĩnh, hỏi rõ thông tin về vụ án, về người gọi điện, tỏ vẻ không tin để đối tượng giải thích qua đó bộc lộ sơ hở. Thông thường đối tượng sẽ tìm đủ cách chứng minh mình là điều tra viên, thậm chí còn chỉ cho nạn nhân cách kiểm chứng, chủ yếu là kiểm chứng số điện thoại qua tổng đài. Điều này càng khẳng định đối tượng là người giả danh cảnh sát.
Khi xác định đối tượng giả danh cảnh sát, nếu không muốn phiền hà có thể nói thẳng với đối tượng: “Tôi chỉ làm việc khi có giấy mời, giấy triệu tập hoặc làm việc trực tiếp, không làm việc qua điện thoại”; hoặc có thể nói gay gắt hơn: “Anh giả danh cảnh sát, anh cần gì trực tiếp đến gặp tôi, tôi sẽ báo Công an ngay”.
Thái độ như vậy sẽ giúp chúng ta tránh được phiền hà, không bị lừa. Tuy nhiên, để góp phần phòng ngừa xã hội đối với tội phạm, cần phải xử lý tinh tế hơn, giúp cơ quan Công an đấu tranh với loại tội phạm này.
Theo hướng này, khi nói chuyện với đối tượng qua điện thoại, nếu điện thoại có sẵn phần mềm ghi âm, cần phải ghi âm lại toàn bộ cuộc gọi, gợi mở cho đối tượng nói càng nhiều càng tốt, vì càng nói nhiều đối tượng càng bộc lộ sơ hở.
Nếu điện thoại chưa có sẵn phần mềm ghi âm cuộc gọi hãy tạo lý do hợp lý tạm dừng cuộc gọi, dùng điện thoại khác, bật loa ngoài để ghi âm toàn bộ cuộc gọi để có thể cung cấp cho cơ quan chức năng.
Khéo léo xử lý tình huống, cộng tác với cơ quan Công an (Ảnh minh họa). |
Sau khi đối tượng đe dọa, nói rõ yêu cầu chuyển khoản để để cơ quan điều kiểm tra phải “tiền sạch” hay không rồi sẽ hoàn trả lại cần phải giả vờ chấp nhận yêu cầu của đối tượng. Cần phải lấy lý do trì hoãn việc chuyển khoản vì chưa đủ tiền hoặc sợ người thân phát hiện… để cho đối tượng tin là thật. Yêu cầu đối tượng cung cấp thông tin tài khoản để chuyển khoản.
Ngay sau đó, cần phải liên hệ với cơ quan Công an gần nhất, cung cấp thông tin và làm theo hướng dẫn của cán bộ công an để xử lý tình huống một cách tốt nhất. Tuyệt đối không lo lắng, không chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng mà cần phải cộng tác với cơ quan công an để giăng bẫy, bắt đối tượng.