Làm gì để phòng ngừa đuối nước cho trẻ em?

06:48 15/11/2019
Trước tai nạn đuối nước cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 trẻ em mỗi năm, nhiều bậc phụ huynh đã cho con em học bơi ngay từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, học bơi thôi chưa đủ, theo BS Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH), phải dạy trẻ kỹ năng bơi cứu đuối, bơi tự cứu và sơ cấp cứu tại cộng đồng...


Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, mặc dù tình trạng trẻ em bị đuối nước đã giảm so với 10 năm trước (giảm 1.300 trường hợp), nhưng đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Làm gì để những tai nạn đuối nước không còn là nỗi đau của gia đình và xã hội là nội dung được hơn 250 đại biểu tham gia Hội nghị khoa học Quốc gia về phòng chống tai nạn thương tích do Bộ Y tế phối hợp với Trường ĐH Y tế công cộng, Tổ chức vận động chính sách toàn cầu tổ chức ngày 12-11 tìm câu trả lời.

Khoảng 30% học sinh Tiểu học và THCS biết bơi

Theo bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH), mỗi năm cả nước có hơn 2.000 trẻ tử vong do đuối nước. Như vậy, trung bình mỗi ngày có gần 5,5 trẻ bị đuối nước tử vong.

Mặc dù đã giảm so với 10 năm trước (giảm 1.300 trường hợp), nhưng đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, chỉ có khoảng 30% học sinh Tiểu học và THCS biết bơi. Trong khi đó, tỷ lệ đuối nước chiếm 50% các vụ tai nạn tử vong, thương tích ở trẻ em.

Ngoài dạy bơi, cần phải dạy kỹ năng bơi cứu đuối, bơi tự cứu cho trẻ.

Tai nạn đuối nước xảy ra nhiều nhất là vào thời nghỉ hè, nhất là trẻ em ở khu vực nông thôn, nơi có nhiều ao, hồ, sông, suối. Liên tiếp các vụ đuối nước tập thể thương tâm xảy ra thời gian qua, để lại nỗi đau, sự tổn thất to lớn cho gia đình và xã hội. Điều kiện sống của trẻ em Việt Nam có nhiều ao hồ, kênh, rạch, sông, suối… đây là nguy cơ tiềm ẩn của đuối nước. Chính vì vậy, các chuyên gia đều cho rằng, giải pháp tốt nhất để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em là dạy bơi cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ.

Theo Bộ LĐTBXH, từ năm 2018, Bộ phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu (CHAI) triển khai các chương trình can thiệp về phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam tại 8 tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Sóc Trăng. Hiện đã có khoảng 1.000 trẻ (6-15 tuổi) đã được học bơi an toàn trong môi trường nước.

Tới đây, dự án sẽ tiếp tục mở rộng hỗ trở nhiều tỉnh thành trong việc phòng chống đuối nước với mục tiêu giảm 20% tỷ lệ tử vong do đuối nước ở Việt Nam. Trẻ em được tham gia học bơi 15 buổi với thời gian từ 60-90 phút. Sau khóa học, trẻ sẽ được kiểm tra và trẻ học bơi cần phải bơi được 25m và nổi trong 90 giây.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, trong 10 năm qua, các chính sách và can thiệp phòng chống tai nạn thương tích của các bộ, ngành, địa phương đã góp phần giảm gần 20% tỷ lệ tử vong do tai nạn thương tích tại cộng đồng. Tuy nhiên, đuối nước và tai nạn giao thông vẫn là tai nạn thương tích có tỷ lệ tử vong cao hàng đầu ở nước ta.

Phải dạy trẻ kỹ năng nhận biết nguy hiểm và bơi tự cứu

Trong các năm qua, ở nhiều địa phương đã triển khai đưa môn bơi lội vào trường học bằng cách tổ chức các bể bơi thông minh để dạy bơi cho học sinh. Tại Hà Nội, nhiều trường học xây mới đã đầu tư xây bể bơi. Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch hội đồng Trường PTTH Đinh Tiên Hoàng, nhà trường đưa bơi lội trở thành môn học bắt buộc các học sinh phải tham gia. Học sinh học bơi vào thời gian nghỉ hè, học tại bể bơi Tăng Bạt Hổ, kết thúc khóa học đều đảm bảo các học sinh phải biết bơi.

Trước tai nạn đuối nước cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 trẻ em mỗi năm, nhiều bậc phụ huynh đã cho con em học bơi ngay từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, học bơi thôi chưa đủ, theo BS Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH), phải dạy trẻ kỹ năng bơi cứu đuối, bơi tự cứu và sơ cấp cứu tại cộng đồng. Nghĩa là trẻ biết bơi thôi chưa đủ, đừng nghĩ rằng trẻ bơi được 25m là thì mới là biết bơi, phải dạy trẻ các kỹ năng, các tình huống đuối nước có thể xảy ra và biết cách bơi tự cứu với các phương pháp rất đơn giản.

Theo BS Nguyễn Trọng An đây là những kỹ năng vô cùng quan trọng để khi các em gặp tình huống đuối nước có thể tồn tại dưới môi trường nước để người lớn tới cứu.

Theo bà Vũ Thị Kim Hoa, hiện Bộ LĐTBXH phối hợp với các bộ, ngành xây dựng bộ tài liệu dạy bơi an toàn cho trẻ em. Mỗi trẻ em sau khi kết thúc một khóa học phải đạt tiêu chí bơi được 25m và nổi được 90 giây. Bà Hoa cho rằng, nếu triển khai được tốt chương trình này có thể giúp các em phòng chống đuối nước và sống sót khi rơi vào khu vực nguy hiểm.

Dạy kỹ năng an toàn cho trẻ là dạy cho các em các kiến thức an toàn khi tham gia môi trường nước và nhận biết môi trường nước nguy hiểm để không xuống chơi, xuống bơi. Hoặc giúp các em có kỹ năng nhận biết vùng nước sâu, nguy hiểm để phòng tránh. Hơn thế nữa, khi cứu đuối không tự nhảy xuống cứu trực tiếp mà phải dùng biện pháp an toàn như: Hô hoán, dùng sào, dùng dây…

Để mỗi năm không còn hơn 2.000 trẻ em phải chết đuối, điều cần làm chính là sự vào cuộc của các bộ, ngành, các địa phương đầu tư kinh phí cùng với công tác xã hội hóa để dạy bơi, đào tạo kỹ năng an toàn cho trẻ.

Trần Hằng

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 23/11, Viện KSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đã phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án “Điều khiền phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của Nước CHXHCN Việt Nam” của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật. Đồng thời, các cơ chức năng, đại lý hàng hải được chủ tàu ủy quyền, công ty bảo hiểm cũng đang phối hợp chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm môi trường và khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文