Lan tỏa những nét đẹp văn hóa ứng xử cộng đồng
Dù không tránh khỏi những trường hợp ứng xử thiếu văn minh nơi công cộng như một vài vụ việc xảy ra vừa qua tại Hà Nội, tuy nhiên nhìn nhận thực tế, đó không phải là phổ biến. Hằng ngày, hằng giờ, xung quanh chúng ta có nhiều việc làm, thái độ ứng xử tốt giữa những người quen và không quen. Nhiều cử chỉ, hành động, lời nói trở thành gương sáng, góp phần tôn lên nét đẹp trong văn hóa ứng xử tại cộng đồng.
Những tấm lòng vì cộng đồng
Là nông dân chất phác, gần cả cuộc đời gắn bó với ruộng vườn, bà Đỗ Thị Tỵ, tổ dân phố Xuân Nhang 1, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) luôn dành tình cảm và trách nhiệm với cộng đồng. Từng bị mọi người gọi là “người dở hơi” nhưng không vì thế, bà giảm nhiệt huyết, dần dần nhiều người cũng thay đổi suy nghĩ, càng quý mến bà hơn.
Hà Nội đẩy mạnh việc thực hiện những nét đẹp trong văn hóa ứng xử tại cộng đồng. |
Khi Tổ dân phố Xuân Nhang 1 triển khai bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng đến người dân, bà Đỗ Thị Tỵ đề xuất với Tổ trưởng dân phố và Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ sao chụp nội dung bộ quy tắc để phát tới từng hộ dân.
Bà cũng tình nguyện đến từng gia đình vận động mọi người đọc để ghi nhớ. Bà còn đề xuất đưa Quy tắc ứng xử nơi công cộng vào Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” ở tổ dân phố. Mỗi sáng, bà cùng các con ra quét dọn ngõ phố ở gần nhà và vận động người dân cùng tham gia.
Nhiều người thấy việc làm trên rất có ý nghĩa nên hưởng ứng làm theo. Tuyến ngõ chạy qua tổ dân phố dài trên 300 mét luôn đoạt giải cao trong Cuộc thi “Tuyến đường xanh - sạch - đẹp” do UBND quận Bắc Từ Liêm tổ chức. Hầu hết người dân trong tổ dân phố đều ghi nhận bà Đỗ Thị Tỵ là một trong những người có công đầu.
Từ khi nghỉ hưu đến nay, ông Khúc Văn Thoi, Tổ dân phố số 9, phường Thạch Bàn, quận Long Biên (Hà Nội) luôn tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương. Hiện ông là Tổ trưởng Tổ hòa giải của tổ dân phố. Với vai trò là Tổ trưởng Tổ hòa giải, ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào việc ổn định tư tưởng, trật tự an ninh ở khu dân cư, tổ dân phố.
Chia sẻ về công việc của mình, ông cho biết, những năm gần đây, trên địa bàn có nhiều dự án giải phóng mặt bằng được Nhà nước thu hồi đất nên xảy ra mâu thuẫn do tranh chấp đất đai.Với tinh thần trách nhiệm cao, ông Thoi cùng các thành viên trong tổ hòa giải đã đến từng gia đình và hòa giải thành công 11/12 vụ việc.
Ông đã nghiên cứu các tài liệu về pháp luật thừa kế, Luật Đất đai năm 2013, Luật Dân sự năm 2015 và các tài liệu hướng dẫn về nghiệp vụ hòa giải để phục vụ công việc. Trên cơ sở tình cảm, đạo lý, ông cùng các thành viên trong tổ hòa giải đưa ra những lý lẽ, dẫn chứng thuyết phục rồi đi đến thống nhất, hòa hợp, không còn mâu thuẫn.
Lan tỏa việc tốt
Từ khi thành phố Hà Nội triển khai bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng vào cuộc sống, nhiều địa bàn dân cư và các đoàn thể nhiệt tình hưởng ứng bằng việc treo biển in Quy tắc ứng xử, tổ chức phát thanh, phát tờ rơi, lồng ghép trong hoạt động văn hóa, tuyên truyền... Với sự vào cuộc tích cực của các địa phương, nhận thức và hành động của người dân đang dần thay đổi. Tại các địa phương, xuất hiện ngày càng nhiều cá nhân, tập thể thực hiện ứng xử văn minh với cộng đồng xung quanh. Đó là nhân tố quan trọng để lan tỏa những nét đẹp trong văn hóa ứng xử.
Sau gần hai năm triển khai thực hiện bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại thôn Thượng Phúc, xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, đến nay, nhận thức, hành vi của người dân trên địa bàn thôn đã thay đổi, xuất hiện nhiều mô hình hay. Đến Thượng Phúc hôm nay, ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi là con đường dẫn vào thôn được trải bê tông sạch sẽ. Hai bên đường được trồng hoa với đủ sắc màu rực rỡ.
Thôn đã dành 1,1ha đất để xây dựng khu văn hóa cộng đồng, bao gồm nhiều hạng mục như: Nhà văn hóa, sân vận động, trường mầm non, đình làng, bãi đỗ xe, vườn ươm cây, khu công viên cây xanh với sắc hoa rực rỡ, hệ thống chiếu sáng đồng bộ, hiện đại… Thôn Thượng Phúc được đánh giá cao về mô hình xây dựng tiểu công viên sáng - xanh - sạch - đẹp. Đặc biệt, thôn còn xây dựng trên 3km đường hoa, trên 80% cổng nhà có hoa.
Ngoài kinh phí đầu tư của huyện Đông Anh, nhân dân trong thôn tự nguyện đóng góp công sức để xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn, các công trình an sinh xã hội với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng. Bốn hộ trong thôn đã tự nguyện hiến đất thổ cư và đất liền kề để làm đường. Nhờ đó, 100% đường làng ngõ xóm đã được bê tông hóa, sạch đẹp.
Bất kỳ ai đến tổ dân phố số 5, phường Mộ Lao, quận Hà Đông vào sáng chủ nhật hằng tuần đều cảm nhận rõ không khí lao động, tổng vệ sinh của nhân dân trong tổ. Tiếng gọi nhau, tiếng nói cười xen lẫn tiếng chổi, tiếng dụng cụ lao động rộn ràng từng ngõ phố. Phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ với sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, từ các cụ già đến những cháu nhỏ. Tổ trưởng dân phố số 5 Nguyễn Ngọc Hồi vừa nói vừa cùng nhân dân bóc xóa quảng cáo rao vặt trên các cột điện và tường nhà.
Cụ Nguyễn Quang Giám cao tuổi nhất tổ (90 tuổi) cũng xuống đường tham gia tổng vệ sinh cùng gia đình và nhân dân. Tổ dân phố số 5 có 345 hộ gia đình, đa phần đều là cán bộ hưu trí của Học viện Bưu chính Viễn thông. Người dân quan niệm, không chỉ giữ nhà cửa sạch sẽ, ngõ phố cũng phải sạch mới có diện mạo phố phường văn minh.
Để tạo nếp sống văn minh, nhân rộng việc làm tốt, từng mảng việc được phân cụ thể cho từng cán bộ phụ trách trong tổ. Tổ trưởng tổ dân phố phụ trách bóc xóa quảng cáo rao vặt. Những người trong cấp ủy phụ trách từng ngõ, khu. Các chi hội đoàn thể vận động hội viên, đoàn viên tham gia và có kiểm tra giám sát, sau khi kết thúc tổng vệ sinh buổi sáng.
Để nhân rộng những tấm gương, điển hình trong triển khai Quy tắc ứng xử nơi công cộng nói riêng, hệ thống quy tắc ứng xử nói chung, thành phố Hà Nội đã phát động phong trào giới thiệu và viết về điển hình tiên tiến trong thực hiện Quy tắc ứng xử trên địa bàn nhằm đẩy mạnh sức lan tỏa của những hình mẫu về thực hiện văn hóa ứng xử trong đời sống.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang có kế hoạch nhân rộng những mô hình, điển hình tiêu biểu nhằm tạo sự lan tỏa trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về thực hiện văn hóa ứng xử.