Liên tiếp các ca ngộ độc thực phẩm nhập viện
Chuẩn bị ra viện với gương mặt bơ phờ, mệt mỏi, chị Nguyễn Thị Hằng, 28 tuổi, trú tại phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho chúng tôi biết: Bữa ăn tối hôm qua, cả gia đình chị ăn món canh trai nấu chua. Tuy nhiên, trong thời tiết nóng bức, trai sau khi được sơ chế và để cả tiếng đồng hồ cũng không chế biến nên đến lúc cho vào nồi nấu canh, món trai đã phần nào có dấu hiệu bị bốc mùi. Vì tiếc bữa canh trai giải nhiệt mùa hè nên chị vẫn nấu cho cả nhà ăn.
Và sau khoảng 2 giờ đồng hồ, chị Hằng bắt đầu có những triệu chứng như đau bụng âm ỉ, người lạnh toát. Mức độ đau mỗi lúc một tăng lên khiến chị đứng ngồi không yên, buộc người nhà phải đưa vào Trung tâm Chống độc cấp cứu. Tại đây, chị được các bác sỹ thăm khám và chẩn đoán bị nhiễm khuẩn đường ruột. Sau khi được kê đơn và sử dụng thuốc, chị Hằng đã… nôn ra gần hết số thức ăn.
Ngày nào cũng có bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm nhập viện. Ảnh:PV. |
Sơ suất trong quá trình chế biến và bảo quản thực phẩm chính là một trong những lỗi phổ biến dẫn đến ngộ độc trong mùa hè. Tại Trung tâm Chống độc, có bệnh nhân nhập viện do sử dụng thực phẩm đã để trong tủ lạnh 4 ngày. Đây là môi trường tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn sinh sôi và phát triển, đặc biệt là khi tủ lạnh lại không được vệ sinh định kỳ.
Thức ăn đường phố cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều bệnh nhân phải nhập viện vì ngộ độc. Như gia đình anh Nguyễn Quang T., trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, phải nhập viện vì ăn món giò lụa chua mua tại chợ cóc gần nhà. Anh T. cho biết, chiều tối đi làm về muộn, lại phải đón con nên anh qua vội một hàng bán giò chả tại chợ cóc mua.
Do bán kiểu tạm bợ nên mẹt giò chả không có gì che đậy mà được phơi ra ngay mặt đường, bên dưới là rãnh nước chảy đen ngòm. Người bán hàng lại lấy tay không thái giò trên chiếc thớt ẩm ướt. Và kết quả là anh T. cùng con gái đã phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm với những biểu hiện đau bụng, buồn nôn, đi ngoài, tụt huyết áp.
Trao đổi với PV Báo CAND sáng 8/5, PGS.TS Bế Hồng Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, thông thường, các ca ngộ độc thực phẩm nhập viện có rải rác trong năm. Tuy nhiên, mùa hè là thời điểm có nhiều bệnh nhân ngộ độc thực phẩm hơn cả.
Nguyên nhân của các vụ ngộ độc thực phẩm đã được các cơ quan chức năng cảnh báo thường xuyên, thế nhưng số người bị ngộ độc vẫn cứ lặp lại vào mỗi mùa hè. Chiếm đến 90% trong nguyên nhân ngộ độc thực phẩm là do người dân sử dụng thức ăn bị nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, nguyên nhân ngộ độc còn do thức ăn bị nhiễm chất độc, nhiễm hóa chất.
Người cao tuổi và trẻ nhỏ dễ bị ảnh hưởng sức khỏe vì nắng nóng. |
Theo PGS.TS Bế Hồng Thu thì thực phẩm từ khâu lựa chọn, chế biến cho đến bảo quản đều có nguy cơ nhiễm khuẩn. Ví dụ, với các loại thịt, ngay từ khâu giết mổ, nếu khu vực giết mổ không đảm bảo vệ sinh thì việc thịt bị nhiễm khuẩn rất dễ xảy ra. Bên cạnh đó, khâu bảo quản thực phẩm cũng rất quan trọng. Trước khi cho thực phẩm vào tủ lạnh phải có sự phân loại rõ loại thực phẩm nào để ngăn mát, loại thực phẩm nào thì để ngăn lạnh với nhiệt độ quy định là bao nhiêu. Không được để quá nhiều cũng như quá lâu các loại thực phẩm trong tủ lạnh, dễ dẫn đến bị hư hỏng, ôi thiu. Đồng thời phải vệ sinh tủ lạnh hằng tuần.
PGS.TS Bế Thu Hồng cũng lưu ý người tiêu dùng về các loại thức ăn đường phố. Thức ăn đường phố có ưu điểm là giá rẻ, tiện mua, lại có thể sử dụng được ngay mà không phải chế biến. Tuy nhiên, với thời tiết oi bức, lại không có các thiết bị bảo quản đủ tiêu chuẩn, phần lớn được bày bán tại những nơi mất vệ sinh như cạnh đường, cống rãnh, để trong tủ kính nóng, ẩm… nên rất dễ bị nhiễm khuẩn. Người tiêu dùng phải đặc biệt lưu ý không nên sử dụng các loại thực phẩm này. Tiết canh, rau sống… là những món ăn khoái khẩu nhất là trong mùa hè. Nhưng cũng nên hạn chế sử dụng, bởi lẽ người dùng rất dễ nhiễm các kí sinh trùng khi ăn tiết canh, rau sống.
Bị ngộ độc thực phẩm, người bệnh thường có các triệu chứng như buồn nôn,đau bụng, sốt, đi ngoài,… PGS.TS Bế Thu Hồng khuyến cáo, người dân nên là những người tiêu dùng thông thái. Cần tạo thói quen ăn chín, uống sôi, lựa chọn các loại thực phẩm tươi và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tránh sử dụng các loại thực phẩm đã bị ôi thiu, bảo quản không tốt… Khi bị ngộ độc thực phẩm nên đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.