Lửa thử vàng, gian nan thử sức
- Chủ động đề xuất những biện pháp cụ thể ngăn chặn dịch bệnh COVID-19
- Công an Lào Cai họp khẩn bàn biện pháp phòng chống dịch COVID – 19
- Cách ly nhiều trường hợp tiếp xúc với nữ người Anh dương tính COVID-19
- Phong tỏa nơi nữ du khách Anh nhiễm COVID-19 lưu trú và ăn tối
1. Sáng nay (9/3), tôi đến phòng tập yoga muộn hơn thường lệ (5h30) do được thông báo dồn hai ca sáng thành một. Phòng tập quá tải, do những gương mặt học viên chăm chỉ chẳng thiếu một ai. Chủ phòng tập phải xin lỗi, vì sự lo lắng dịch bệnh học viên nghỉ nhiều nên tự ý cắt giảm ca tập. Ngày mai, mọi hoạt động của phòng tập sẽ trở lại như thường lệ lúc 5h10.
Cũng sáng sớm nay, 5 sạp thịt tại chợ cóc ở khu tập thể tôi đang cư ngụ không bán hàng. Thấy tôi ngạc nhiên, hai chị hàng đậu phụ tranh nhau nói: “Sáng sớm ngày kia ( Thứ Bảy, ngày 6-3), họ đang bán 170.000 đ/kg, sau thấy đông người mua quá tăng lên 250.000 đ/kg. Đắt hàng, giá cao nên lại hò nhau mổ tiếp… Nhưng sáng qua thì ế dài, hôm nay mấy cô ấy nghỉ”. Khoảng trống của các hàng thịt lợn giữa những hàng hoa quả, rau, tạp hoá…trong buổi chợ sáng như một lời nhắn nhủ.
9h15, trên kênh 1 của Đài truyền hình Hà Nội bắt đầu buổi học đầu tiên của chương trình “Học trên truyền hình”. Các bài dạy của chương trình là bài học mới, tiếp nối chương trình dạy và học cho học sinh lớp 9 và lớp 12. Lớp 9 học các môn: Ngữ văn, Toán, tiếng Anh; Lớp 12 học các môn: Ngữ văn, Toán; tiếng Anh, Vật Lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Cậu con trai đang học lớp 9 của tôi, đến giờ ngồi trước ti vi. Trên màn hình là cô giáo xinh đẹp, mặc áo dài thanh nhã. Buổi học tiếng Anh bắt đầu …
Tôi nêu ba sự việc mà mình trải qua, chứng kiến trong buổi sáng thứ Hai đầu tuần- Cái tuần mà Hà Nội vừa trải qua những ngày cuối tuần đầy lo lắng, hoang mang và có phần hoảng loạn. Những việc tôi vừa nêu cho thấy, sau 2 ngày cuối tuần với cơn bấn loạn về mua thực phẩm, tích giấy vệ sinh; giận dữ bệnh nhân số 17…, sáng sớm nay, nhịp sống Thủ đô dường như đã bình yên trở lại.
Cũng trong sáng này, tôi lướt Facebook thì thấy rất nhiều tài khoản thay Avata có hiển thị dòng chữ “Tôi yêu Hà Nội”. Điều này như một sự động viên, nhắc nhở bản thân và cộng đồng trong bối cảnh Hà Nội đang cân nhắc trong việc công bố dịch.
Đồng thời, cũng cho thấy, mọi người đã bình tĩnh hơn, chủ động hơn trong việc tiếp nhận thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 cũng như cách phòng chống. Lúc này, trên hết thảy là mỗi người phải biết bảo vệ mình. Bảo vệ tốt cho bản thân, là bảo vệ cho gia đình, cho cộng đồng. Còn bảo vệ bằng cách nào thì trên hệ thống truyền thông, từ phát thanh phường, đến báo chí, truyền hình, mạng xã hội, điện thoại… liên tục cập nhật thông tin dịch bệnh và cách phòng chống. Khi mọi thứ đều minh bạch, kịp thời sẽ giải toả những lo lắng, bất an; sẽ khơi dậy trong mỗi cá nhân lòng tự trọng, tự tôn và tự hào dân tộc.
2. Cuộc chiến chống dịch COVID-19 đang bước sang giai đoạn mới, gian nan hơn. Đó là phát biểu của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp ngày 8/3. Cách đây ít lâu, khi chúng ta kiểm soát tốt dịch và điều trị thành công cho 16 ca dương tính, ông từng nói, chúng ta đã thắng trong chiến dịch mở màn. Tại cuộc họp này, ông vẫn nhắc lại ý này và nhấn mạnh, “nhất định chúng ta sẽ thắng cả cuộc chiến này”.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng coi, cuộc chiến chống dịch COVID-19 như chống giặc. Và thực tế, Chính phủ và toàn dân ta đã và đang “chống giặc COVID-19” với tinh thần đoàn kết, vững tin. Chẳng thế mà, chỉ sau khi Hà Nội công bố ca nhiễm đầu tiên của Thủ đô – Bệnh nhân thứ 17 của toàn quốc, đã có một bộ phận người dân lo lắng thái quá khi có hành động vơ vét nhu yếu phẩm nhưng chỉ ít giờ sau đã được dập tắt.
Đó là khi, hàng trên các kệ tại siêu thị được chất đầy; thịt, cá tràn ngập các chợ; Đại diện các siêu thị lớn, các nhà cung cấp và lãnh đạo ngành công thương… cam kết đủ hàng cung cấp cho mọi người dân với mức giá không tăng. Các kệ hàng đầy ắp, các dây chuyền sản xuất đang hoạt động …đã đánh bại những hình ảnh, những đoạn clip xếp hàng dài, tranh giành nhau mua nhu yếu phẩm. Tâm lý bày đàn đã đẩy đám đông rơi vào nỗi sợ hãi quá mức và chính những hành động cụ thể của Chính quyền Hà Nội đã đẩy lùi.
Trở lại tinh thần mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 chỉ đạo tại cuộc họp hôm 8/3 để thấy, sự chủ động của Việt Nam trong cuộc chiến “chống giặc” lần này. Đó là việc chúng ta đã lường trước mọi tình huống, có kịch bản ứng phó ngay cả khi có hàng nghìn ca nhiễm.
“Điều quan trọng nhất là chúng ta phải tiếp tục kiên trì thực hiện nghiêm nguyên tắc chống dịch, là ngăn chặn, phát hiện, các ly, khoanh vùng, dập dịch”. Vâng! Đây là nguyên tắc từng được áp dụng ở giai đoạn 1 trên toàn quốc, và đặc biệt triệt để tại Vĩnh Phúc – Nơi có 6 người bị dương và 1 xã phải cách ly. Nguyên tắc này được coi như quân lệnh.
Để việc cách ly xã Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) đạt yêu cầu, để việc phòng chống dịch của Vĩnh Phúc có kết quả như đã thấy, đó là sự đồng lòng, nhất trí của toàn hệ thống chính quyền, của toàn dân và sự tuân thủ mọi yêu cầu của Bộ Y tế. Lúc này, khi nhiều địa phương đã có người mắc dịch, chúng ta nên nhìn nhận bài học Sơn Lôi như một kinh nghiệm quý báu. Bởi, không có lý thuyết nào áp dụng tốt hơn bằng bài học từ thực tiễn.
Phòng ngừa, diệt trừ ở bên trong và ngăn chặn từ bên ngoài. Chính vì thế, ngoài những biện pháp phòng chống dịch từ trong nội địa, việc ngăn chặn virus Corona từ bên ngoài cũng được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, hạn chế các cuộc đi công tác nước ngoài.
Còn với người dân, Chính phủ cũng khuyến cáo hạn chế ra nước ngoài. Tạm dừng miễn thị thực đơn phương với các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Anh; với những nước ngoài EU có trên 500 ca nhiễm hoặc 50 ca nhiễm/ngày cũng đề nghị dừng; từ chối nhập cảnh cho người nước ngoài vào Việt Nam nếu có một số triệu chứng…là những giải pháp được đưa ra để xem xét và áp dụng.
Không chỉ yêu cầu khai báo sức khoẻ với người nước ngoài nhập vào Việt Nam, mà việc này còn áp dụng với mọi người dân Việt Nam. Việc này đang được ngành chức năng hoàn thiện hệ thống kỹ thuật trước ngày 10/3 để đưa vào thực hiện. “Dù có nhiều ca nhiễm, dù virus Corona có đáng sợ như thế nào, chúng ta cũng sẽ chiến thắng” là kết luận của đồng chí Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 ngày 8/3. Vâng! Ông bà ta từng nói, “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Thực tế phòng chống dịch bệnh như: H5N1, SARS, Việt Nam đã có sức đề kháng chống các dịch bệnh do virus gây ra. Với dịch COVID-19 lần này, thêm một lần nữa, chúng ta lại gian nan thử sức… Và cơ hội chiến thắng đang ở phía trước.