Miền Tây đợi mùa nước nổi: Thấp thỏm chờ con nước

07:22 28/08/2019
“Tháng bảy nước nhảy khỏi bờ”, thế nhưng năm nay, vào những ngày này, ghi nhận của phóng viên dọc các tỉnh đầu nguồn biên giới An Giang, Đồng Tháp, Long An… nhiều tuyến kênh cạn khô, đồng ruộng nứt nẻ, xuồng ghe nằm bờ, nhiều loại ngư cụ treo lơ lửng dưới sàn nhà.


Nhớ năm ngoái, thời điểm này đồng ruộng ngập sâu, nhiều xóm nhà phải chạy lũ hay cảnh nông dân ra đồng đánh bắt nhộn nhịp... Lũ không về, nguồn thu nhập của người dân giảm đáng kể nên hàng ngàn hộ gia đình đã đóng cửa bỏ xứ đi làm ăn xa…

Mùa cạn tại “rốn” lũ

Những ngày cuối tháng 8-2019, đi sâu vào vùng được cho là “rốn” lũ giáp với Campuchia, chúng tôi nhận thấy cảnh khắc nghiệt, khác thường, bởi nước dưới các con rạch, sông thấp lè tè không “nhảy khỏi bờ” như năm ngoái. 

Di chuyển dần sâu về tổ 21 (ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang) để tìm hiểu về đời sống người dân mùa lũ cạn. Nếu như năm trước, cũng vào thời điểm này phải di chuyển bằng xuồng, ghe thì nay xe gắn máy vẫn có thể chạy sâu vào xóm nhà sàn. Càng vào sâu, dễ dàng thấy những chiếc ghe nằm chỏng chơ trên bãi bồi hoặc những chiếc dớn cao cách mặt nước cả mét. 

Gặp chúng tôi, lão nông Nguyễn Văn Tư (ngụ ấp Phú Nhơn), trải lòng: “Đồng ruộng cạn khô nên lấy cái dớn đặt dưới sông kiếm cá ăn, chứ như mọi năm thì với mớ dớn của gia đình đã vào mùa hốt bạc”.

Mùa nước nổi không về, ngư cụ, ghe xuồng nằm bãi, bà con sống “nghề con cá” thất thu.

Ngồi trên sàn nhà cách mặt đất 3 mét, ông Hồ Văn Mến - Tổ trưởng tổ 21 (ấp Phú Nhơn) cho biết, nhà của bà con nơi đây cất cao để tránh ngập những năm lũ lớn. 

Ông Mến kể, vào năm 2000, gia đình bỏ ra chi phí hơn 70 triệu đồng để cất căn nhà ngang 4m² và dài chỉ hơn 10m². Sàn của căn nhà cách mặt đất gần 3m. Thường chi phí những căn nhà sàn kiểu này cao hơn 30% so với những căn nhà bình thường. Nhà ông Mến chỉ mới cất được vài năm đã trở nên “lỗi thời”. 

“Dân xóm này đa phần khó khăn, ít đất, vốn liếng cũng không có, chỉ dựa vào nghề giăng câu, thả lưới mùa nước là chính. Năm nay cánh đồng nước bạn Campuchia cũng khô hạn, nên người dân sống bằng nghề con cá xóm này cũng chẳng biết làm gì khác” – ông Mến buồn kể. 

Chạy dọc theo các xã biên giới thuộc tỉnh Đồng Tháp và Long An, chúng tôi còn bắt gặp nhiều chiếc xuồng ghe nằm chỏng chơ bên hông nhà, một số đã mục nát vì không được “ra khơi”.

Trước đây, hễ cứ đến mùa nước nổi là các làng nghề như làm lọp cá linh ở cồn Cốc (xã Phước Hưng, huyện An Phú), lưỡi câu (TP Long Xuyên, tỉnh An Giang), lưới Thơm Rơm (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), đóng xuồng rạch Bà Đài (xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) hoạt động suốt ngày đêm vì số lượng hàng làm ra không đủ đáp ứng nhu cầu. Thế nhưng, năm nay dù được các địa phương hỗ trợ bằng hình thức cho vay vốn với lãi suất ưu đãi nhưng số hộ làm ngư cụ phục vụ việc đánh bắt mùa lũ cứ lần lượt bỏ nghề. 

Từ lâu cồn Cốc được biết đến là nơi có làng nghề đan lọp cá linh để cung ứng cho thị trường trong vùng và xuất sang Campuchia. Vào tháng này của những năm trước, về cồn Cốc sẽ thấy cảnh tượng nhà nhà làm lọp, không chỉ có người lớn mà còn người già và trẻ nhỏ. Ấy vậy mà giờ đây nó trở nên đìu hiu, vắng lặng đến lạ thường. 

Trò chuyện với chúng tôi ông Út Tòng (SN 1951) - Tổ trưởng tổ đan lọp cá linh ấp Phước Khánh nhớ lại: “Năm trước, vào thời điểm này, nhà tôi lúc nhân công làm sáng đêm, phải đốt đèn và đi nấu mì phục vụ mỏi tay. Lọp chất không hết phải đem ra ngoài sân, nhà nào như nhà nấy. Họ làm từ đầu cồn xuống tới cuối cồn. Thế nhưng năm nay, mùa lũ không về, ít nước vì thế mà nhu cầu tiêu thụ lọp cũng giảm theo, lao động trong làng phải bỏ xứ khác đi kiếm sống”.

Mùa nước nổi không về, người dân nghèo vùng “rốn” lũ rơi cảnh thất nghiệp, phải bỏ nhà để lên các khu công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… làm công nhân, phụ hồ, bốc vác để mưu sinh. Vì thế chạy rảo quanh các xóm, ấp vùng biên giới An Giang, Đồng Tháp, Long An sẽ thấy nhiều nhà cửa đóng then cài, người già trông giữ trẻ nhỏ. 

Ông Hồ Văn Mến - Tổ trưởng tổ 21 (ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội) cho hay: “Ấp này 680 hộ dân, trong khi đó đi hết 80%, chỉ còn lại những người già, trẻ con. Riêng tổ này có 21 hộ nhưng nhà nào cũng có người đi thành phố. Giờ trong xóm không còn thấy trai, gái trong độ tuổi lao động nữa”.

Nhiều hệ lụy...

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho biết, một năm trung bình sông Mê Kông có tổng lượng nước là 475 tỷ mét khối, trong đó lượng mưa tại chỗ ở ĐBSCL chỉ chiếm 11% số đó. Vì vậy, mực nước ở ĐBSCL phụ thuộc lớn vào lượng nước từ phía trên chảy về. 

“Nước ở lưu vực Mê Kông ít thì nước ở ĐBSCL ít, kéo theo đỉnh lũ thấp vào khoảng giữa tháng 10 ở ĐBSCL và xâm nhập mặn sâu vào khoảng tháng 3 dương lịch, sau Tết Nguyên đán”, Thạc sĩ Thiện nói. 

Về việc các đập thủy điện có tác động như thế nào đối với lượng nước sông Mê Kông và ĐBSCL, chuyên gia Thiện lý giải: “Đầu tiên chúng ta cần nhớ là thủy điện không lấy mất nước, chỉ tích nước và xả ra phát điện, thì tổng lượng nước không thay đổi nhưng nó làm thay đổi thời gian của nước. Tác động chính của các đập thủy điện Mê Kông là chặn phù sa và cát, gây sạt lở nghiêm trọng bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL. Chuyện xâm nhập mặn ở ĐBSCL lại còn do một yếu tố nội tại đó là phần lớn diện tích khu vực này đã có đê bao khép kín không cho lũ vào”. 

Trước những tác động nêu trên, Thạc sĩ Thiện cho biết về lâu dài cần khôi phục không gian của dòng sông, để nước có thể vào lại ruộng đồng, bắt đầu bằng việc giảm bớt một vụ lúa trong mùa lũ ở Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Lũ vào được 2 vùng này thì bên dưới sẽ bớt ngập, còn bớt đê bao khép kín để nước có thể vào vườn tược. Như vậy sang mùa khô, đồng bằng sẽ bớt khô hạn và xâm nhập mặn sâu.

PGS TS Lê Anh Tuấn – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ): “Mùa lũ thấp sẽ dẫn tới các hệ quả như: phù sa ngày càng ít dần, lượng thủy sản ít, không có đủ nước ngọt để đẩy mặn ra xa và không rửa được tạp chất khác trong đất. Qua đó làm ảnh hưởng đến năng suất lúa và cây trồng. Về giải pháp là cần khuyến cáo ngay việc giảm tối đa diện tích sản xuất lúa, trữ nước mưa nhiều nhất có thể. Ngoài ra tranh thủ những lúc triều cường dâng cao đẩy nước ngọt vào đồng ruộng cần có giải pháp giữ lượng nước này ở lại, trong đó những khu vực trũng có thể tính tới việc nạo vét cho sâu. Ngoài ra là chọn những giống cây trồng ít sử dụng nước để gieo trồng”.

Trần Lĩnh

Lực lượng phòng vệ dân sự Lebanon ngày 23/11 cho biết một cuộc không kích dữ dội ở trung tâm Beirut đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, làm rung chuyển thủ đô khi Israel tấn công nhóm vũ trang Hezbollah.

Nhân Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam, chiều tối 23/11, tại Đại Nội Huế; UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ đón Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa…

Thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông ở TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi xảy ra va chạm giao thông, thậm chí gây án mạng. Từ những ứng xử thiếu văn hóa như trên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hệ lụy lâu dài cho bản thân họ, gia đình và xã hội.

Chiều 23/11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đang phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, làm rõ việc phát hiện 1.500 viên nén nghi ma túy trôi dạt vào bờ biển xã Bình Trị, huyện Bình Sơn.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm như quy định các trường đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12 thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文