Một thương binh 38 năm đi tìm hài cốt đồng đội
Cuối năm 1968, ông Nguyễn Văn Lơ bị thương ở chân phải, được cấp trên chuyển vể đơn vị hậu cần D2-70 E92 đóng trên đất bạn Campuchia. Năm 1970, ông Lơ lại bị thương ở đầu trong một lần đơn vị bị địch phục kích và được ra miền Bắc điều trị, an dưỡng. Sau ngày 30/4/1975, với tinh thần “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông Lơ tiếp tục làm GĐ trại cải tạo lao động tỉnh rồi GĐ Xí nghiệp chế biến lâm sản xuất khẩu Bình Dương. Ở cương vị nào người thương binh Nguyễn Văn Lơ cũng đều tích cực làm việc, xây dựng đơn vị ngày càng phát triển.
Thương binh Nguyễn Văn Lơ. |
Ông tâm sự: “Ngày xưa cùng kháng chiến, chúng tôi thường nói với nhau sau ngày giải phóng, ai còn sống ở đâu, dù nơi chân trời cuối bể cũng sẽ tìm đến nhau. Người đã hy sinh, đồng đội phải tìm cho được hài cốt để đưa về quê hương an táng”. Lời hứa đó đã khắc sâu trong tâm trí của người thương binh Nguyễn Văn Lơ nên từ năm 1977, khi đang công tác tại Đoàn 13 (quân khu 7), ông đã vác ba lô đi tìm đồng chí đồng đội còn sống ở nhiều miền quê và tìm mộ liệt sĩ đưa hài cốt về quê an táng. Ông Lơ khởi đầu lời hứa bằng việc tìm những phần mộ liệt sĩ do chính tay ông chôn cất ở các địa điểm mà ông đã đánh dấu. Thời gian đầu, việc tìm kiếm thuận lợi, dễ dàng vì dấu tích vẫn còn được lưu giữ, càng về sau dấu tích càng thay đổi, ông Lơ phải đi lại tìm kiếm nhiều lần. Nhưng dù khó khăn cực khổ đến đâu, ông vẫn quyết chí tìm cho bằng được hài cốt đông đội của mình.
Bà Trần Thị Gái (SN 1967) cư ngụ tại phường Phú Tho,å TP Thủ Dầu Một kể: “Cha tôi là liệt sĩ Trần Văn Đại, hy sinh lúc tôi chưa đầy một tuổi. Tưởng rằng sẽ không bao giờ còn được gặp cha nữa nhưng nhờ ông Lơ đã tìm được hài cốt của cha, tôi quá vui mừng. Gia đình tôi đã xem ông Lơ là ân nhân của gia đình mình”.
Trong suốt 38 năm lặn lội tìm hài cốt đồng đội đồng chí, thương binh Nguyễn Văn Lơ đã tìm được trên 200 hài cốt mang về an táng lại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Dương cũng như các địa phương khác. Ông nhớ lại: “Tìm phần mộ liệt sĩ Mai Văn Quế - nguyên cán bộ an ninh tỉnh Thủ Dầu Một là khó nhất. Sinh ra ở Phú Cường nhưng liệt sĩ Quế lại hy sinh ở Phú Thọ, được một người dân đưa về xã An Sơn chôn cất. Năm 1998, tôi đã đi từng nhà hỏi thăm từng người nhưng không ai biết. Một chiều mưa, vô tình tôi gặp được người phụ nữ đã trực tiếp chôn cất liệt sĩ Quế. Cảm động nhất là lúc nhìn thấy mẹ liệt sĩ ôm ghì phần hài cốt của con mình như không muốn xa rời. Hình ảnh ấy đã giúp tôi có thêm nghị lực và niềm tin để tiếp tục đi tìm những hài cốt đồng chí đồng đội khác chưa tìm thấy”.
Với tấm lòng vì đồng đội, đồng chí thương binh Nguyễn Văn Lơ đã được Bộ LĐ-TB&XH, UBND tỉnh Bình Dương tặng nhiều bằng khen.
Những ngày cuối tháng 7 này, người ta thường thấy một người cao to, nước da đen xạm, tóc hoa râm, mặc quân phục xuất hiện tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Dương thắp từng nén nhang, nhặt từng cây cỏ trên phần mộ các liệt sĩ. Đó chính là ông thương binh Nguyễn Văn Lơ.