Một tuần trước kỳ thi THPT Quốc gia: Thầy trò cùng chạy nước rút
- Cả nước có gần 870 nghìn học sinh dự thi THPT quốc gia năm 2017
- Huy động hơn 90.000 cán bộ, nhân viên phục vụ kỳ thi THPT quốc gia
- Sẵn sàng mọi phương án cấp điện ổn định phục vụ kỳ thi THPT quốc gia
Thời điểm nóng bỏng này, hầu hết các trường THPT trên địa bàn Hà Nội đều tăng tốc giúp học sinh ôn thi hiệu quả để đạt được kết quả tốt nhất. Các môn thi của kỳ thi THPT quốc gia năm nay hầu hết là trắc nghiệm, điều này làm thay đổi rất nhiều cách thức ôn thi của các em học sinh.
Ngày 12-6, chúng tôi có mặt Trường THPT Lomonoxop, không khí ôn thi đang diễn ra khẩn trương và cô cùng nghiêm túc. Hà Nội những ngày này trời đã bớt nắng nhưng không khi trong phòng học vô cùng nóng. Phần lớn học sinh đều tỏ ra lo lắng trước kỳ thi quyết định này. Áp lực thi cử khiến các em học sinh phải tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để ôn thi.
Em Phạm Thị Quyên, học sinh lớp 12A2 không giấu được vẻ lo âu. Chọn tổ hợp bài thi khoa học tự nhiên, em cho biết đã ôn thi từ cách đây 2 tháng. Em rất lo lắng về kỹ năng “bấm máy” đối với môn toán vì nó đòi hỏi nhanh và chính xác. Ngày nào em cũng thức đến 2h sáng để giải đề trắc nghiệm.
Em Trần Thuỳ Anh cũng đang ôn thi tại Trường Lomonoxop cho biết thêm: "Từ lúc biết môn Toán thi trắc nghiệm, thầy cô và học sinh đều có một chút hoang mang. Ngay lập tức ban giám hiệu nhà trường đã họp bàn và có những điều chỉnh phù hợp với đề thi. Học sinh được dạy kỹ năng "bấm máy" giúp giải toán nhanh.
Đây là kỹ năng vẫn hay được sử dụng trong môn Hoá. Bọn em dựa vào đáp án trong đề, sử dụng các công thức trên máy tính để tìm ra đáp án đúng. Để đạt hiệu quả cao, học sinh phải nắm vững những kiến thức cơ bản và sử dụng thành thạo máy tính".
Môn Địa lý, ngoài những kiến thực phải học thuộc lòng, sử dụng Atlat hiệu quả sẽ giúp học sinh dễ dàng làm được 50% bài thi. Em Nguyễn Thanh Tú, học sinh lớp 12D4 Trường THPT Nguyễn Tất Thành cho biết em được thầy cô chia sẻ những mẹo sử dụng Atlat để có được kết quả tốt nhất.
Atlat được coi là tài liệu duy nhất mà học sinh được sử dụng. Đây là công cụ hữu hiệu để nhớ nhanh các dẫn chứng cho bài thi mà không cần phải học thuộc lòng.
Môn Giáo dục công dân được xem là môn gây ra nhiều hoang mang nhất cho giáo viên lẫn học sinh. Đây là năm đầu tiên môn này được đưa vào kỳ thi THPT Quốc gia bằng hình thức trắc nghiệm.
Một cô giáo dạy môn học này ở trường THPT Yên Hoà cho biết, các em học sinh chỉ học thuộc mà không hiểu thì khi gặp đáp án nhiễu, các em sẽ dễ đánh nhầm đáp áp hoặc rất mất thời gian phân biệt. Việc nắm vững kiến thức trong SGK giúp các em dễ dàng đạt mức 5 điểm.
Để đạt điểm cao, đòi hỏi học sinh phải nỗ lực rất nhiều, bên cạnh vận dụng kiến thức, các em phải phân bổ thời gian hợp lý, xử lý các tình huống để đạt điểm tối đa.
Lớp học ôn thi tại Trường THPT Cầu Giấy. |
Trường THPT Cầu Giấy tổ chức cho học sinh ôn thi 5 ngày trong tuần, trừ thứ 7 và CN. Buổi sáng học sinh sẽ ôn luyện các môn thi bắt buộc là Toán, Văn, Anh, còn buổi chiều sẽ ôn tập theo bài thi tổ hợp.
Đây là giai đoạn nước rút nên các em học sinh đều ý thức được việc ôn luyện. Bên cạnh việc ôn tập, các bài thi thử được nhà trường liên tục tổ chức để cho học sinh rèn kỹ năng làm bài trắc nghiệm.
Em Phạm Thanh Trà, học sinh của trường chia sẻ: Thi trắc nghiệm đừng hy vọng ăn may, vì có rất ít thời gian cho mỗi câu hỏi, kiến thức ôn thi cũng rộng hơn trước đây rất nhiều.
Tại Trường THPT Nguyễn Tất Thành, không khí ôn thi diễn ra vô cùng khẩn trương. Lịch ôn tập cho học sinh được nhà trường tổ chức từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 6. Nhà trường khuyến khích học sinh lập nhóm để ôn luyện, giải đề cùng nhau. Em Trần Quang Tùng cho biết: Các thầy cô tập trung ôn cho học sinh những kiến thức cơ bản, không nâng cao quá nhiều.
Năm nay, môn Sử cũng thi theo hình thức trắc nghiệm. Thầy Đặng Quốc Học, giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Đoàn Thị Điểm cho biết: Thi Lịch sử trắc nghiệm đòi hỏi học sinh phải khái quát được toàn bộ kiến thức.
Trong chương trình THPT hiện nay, lịch sử Việt Nam chiếm 70% và thế giới chiếm 30%, học sinh cần hệ thống hóa kiến thức dưới dạng sơ đồ tư duy để ghi nhớ kiến thức hiệu quả hơn. Trong quá trình làm bài, câu nào thấy dễ và tự tin thì làm trước, câu khó làm sau. Học sinh phải biết phân tích và xử lý nhanh. Đọc câu hỏi các em cần phải tìm từ khoá, tránh bị lạc đề.
Nhiều giáo viên cho rằng,từ đề thi minh hoạ có thể thấy Bộ GD&ĐT đòi hỏi học sinh phải có kiến thức bao quát trên nhiều lĩnh vực. Nếu ôn thi theo kiểu "học tủ", học sinh sẽ rất khó hoàn thành bài thi.
Vì vậy, việc tổ chức ôn tập đều được các trường định hướng không mở rộng kiến thức mới mà tập trung vào những kiến thức cơ bản, rèn luyện kỹ năng giải bài tập nhanh cho học sinh.