Mưa bão nhiều là do...La Nina
- Bão số 1 bất thường là dấu hiệu của La Nina
- Hiện tượng La Nina sẽ xuất hiện vào cuối năm
- El Nino đã kết thúc, đề phòng La Nina xuất hiện
- Hiện tượng La Nina có thể xuất hiện vào cuối năm
PV: Đến thời điểm này đã ghi nhận 12 cơn bão đi vào biển Đông. Vì sao năm nay, mưa bão lại nhiều như vậy, thưa ông?
Ông Lê Thanh Hải: Tất cả các hiện tượng thời tiết như mưa, bão, nóng, lạnh…đều liên quan đến ENSO (khái niệm chỉ sự xuất hiện đồng thời của El Nino và La Nina). Suốt thời gian dài từ 2014-2016, do ảnh hưởng của El Nino nên mùa đông ấm, mưa ít, bão ít. Trong giai đoạn này, mỗi năm chỉ có 6-7 cơn bão đi vào biển Đông và khoảng 2-3 cơn đổ bộ vào Việt Nam. Năm nay, ENSO chuyển sang pha trung tính nghiêng về La Nina. Theo quy luật khí hậu, La Nina thường xuất hiện sau El Nino, đặc trưng của nó là kèm theo mưa bão nhiều. Do ảnh hưởng của La Nina yếu, mùa mưa năm nay sẽ bắt đầu sớm và kết thúc muộn, số lượng cơn bão nhiều hơn, tiềm ẩn nhiều cơn bão mạnh, thậm chí siêu bão.
PV: Thế nhưng, đầu năm 2017, hầu hết các mô hình dự báo và ngay cả Trung tâm dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương đều nhận định rằng nửa cuối năm nay, khả năng cao sẽ là sự tái xuất của El Nino?
Ông Lê Thanh Hải: Khoảng tháng 2/2017, các mô hình dự báo trên thế giới đều dự báo cuối năm 2017 và đầu 2018 nghiêng về El Nino. Nhưng đến tháng 5/2017 thì chúng tôi đưa ra dự báo nghiêng về La Nina. Dưới tác động của La Nina, mưa lũ nhiều hơn, lượng mưa lớn, mùa đông năm nay sẽ là mùa đông lạnh nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Ông Lê Thanh Hải |
PV: Sau cơn bão số 12 lại bùng phát tranh cãi về công tác dự báo, một số người cho rằng dự báo chưa chính xác nên thiệt hại lớn. Ông nói sao về điều này?
Ông Lê Thanh Hải: Về điều này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã khẳng định công tác dự báo là chính xác, kịp thời. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc cũng đánh giá công tác dự báo bão và mưa lũ sau bão là chính xác. Chúng tôi không muốn tranh luận thêm. Giờ là lúc chúng tôi phải tập trung cho công tác dự báo cơn bão số 13.
PV: Thông thường, thời điểm này, mưa bão sẽ dịch chuyển xuống phía Nam. Như vậy, cơn bão số 12 đổ bộ vào Phú Yên – Khánh Hoà là phù hợp quy luật?
Ông Lê Thanh Hải: Đúng vậy, quy luật của bão là tháng 7 và 8 tập trung ở Bắc Bộ, tháng 9-10 tập trung vào Bắc Trung Bộ, rồi tháng 11 là Nam Trung Bộ.
PV: Hiện nay, mạng lưới quan trắc đã đáp ứng được yêu cầu cho công tác dự báo chưa, thưa ông?
Ông Lê Thanh Hải: Chúng tôi hiện có 1000 trạm quan trắc, mới chỉ đáp ứng được 1/3 so với yêu cầu. Ở các nước Hàn Quốc, Nhật Bản...các trạm được lắp đặt với khoảng cách từ 10-15km, trải đều khắp lãnh thổ. Tại Việt Nam, các trạm phân bố không đều và rất thưa ở vùng núi phía Bắc, khu vực Tây Nguyên (20-30km/trạm).
PV: Tình hình mưa bão từ nay tới cuối năm sẽ diễn biến thế nào?
Ông Lê Thanh Hải: Có thể còn có 1 cơn nữa, có thể là bão, cũng có thể là áp thấp nhiệt đới hoặc vùng thấp, nhưng khả năng đổ bộ vào nước ta là rất ít.
PV: Xin cảm ơn ông.