Nạn tảo hôn ở miền núi Quảng Trị tăng cao
Đến sớm 15 phút trước sinh hoạt đầu giờ của lớp 9A3, Trường THCS Đakrông, huyện miền núi Đakrông, Quảng Trị, cô giáo chủ nhiệm Lê Thị Hoa vẫn không thấy em Hồ Thị T., ở bản Ngược, xã Ba Nang đến lớp.
Cô Hoa buồn rầu bày tỏ nỗi niềm với các học trò mình: “Vậy là hôm nay lớp chúng ta có thêm bạn nữ bỏ học nữa rồi. Các em hãy cố gắng học hành đến nơi đến chốn. Chừng nào còn học được thì không nên bỏ học. Đời sống gia đình các em bây giờ khá hơn trước rất nhiều rồi, bên cạnh luôn có sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể địa phương, nhà trường và thầy cô giáo. Không vì những suy nghĩ nông cạn, hủ tục mà bỏ học đi lấy chồng, lấy vợ. Đời sống vợ chồng, con cái sau này sẽ rất khổ vì mình đã vô tình lặp lại như đời ông bà, cha mẹ mình trước đây không có điều kiện học hành, không có kiến thức khoa học, xã hội để áp dụng, phục vụ cuộc sống ngày một đòi hỏi sự phát triển hơn”.
Trường hợp bỏ học giữa chừng không phải là hiếm. Hằng năm, ở Trường THCS Đakrông có không dưới 5 nữ học sinh bỏ học để đi lấy chồng. Cô Hoa tâm sự: “Đối với những trường hợp như thế, không chỉ riêng cá nhân thầy cô giáo chủ nhiệm, mà lãnh đạo nhà trường và các em học sinh cùng lớp đều đi đến nhà rất nhiều lần để vận động phụ huynh và học trò trở lại trường. Tuy nhiên, chúng tôi rất ít thành công, bởi vì hầu hết các trường hợp đều có sự sắp đặt sẵn của gia đình và quyết định chưa đầy đủ ý thức của các em nay”`.
Chúng tôi đến bản Ngược để tìm hiểu sự việc. Đúng như chia sẻ của cô giáo Hoa, bà Căn Piêng mẹ của em T. chậm rãi nói: “Gia đình mình khó khăn nên khó cho nó đi học lâu dài. Hơn nữa, hắn ưng cái bụng thì mình chịu thôi. Sau này hắn sinh con thì mình sẽ giúp thôi”.
Nhà ba mẹ chồng em T. ở cách nhà bà Căn Piêng một quả đồi. Khi chúng tôi đến, em T. không có ở nhà. Bà Căn Duềnh, mẹ chồng em nói: “Nó đi làm rẫy với chồng rồi, đến tối mới về”.
Tôi hỏi bà Duềnh về việc con trai lấy vợ mới 15 tuổi, bà thở dài, bộc bạch: "Khi thằng Hin lấy vợ, mình nhìn vợ nó còn nhỏ cũng ngại lắm. Mình sợ không đủ sức khoẻ để sinh con, rồi làm lụng nương rẫy nữa. Nhưng con ưng cái bụng nên mình chịu! Bây giờ phụ được gì cho con thì mình cũng gắng làm".
Ở miền núi tỉnh Quảng Trị, tình trạng tảo hôn xảy ra chủ yếu 2 huyện Hướng Hoá và Đakrông và tập trung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Lê Quang Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hoá cho hay, theo thống kê của đơn vị chức năng, bình quân mỗi năm địa phương có trên 120 cặp kết hôn sớm.
Chỉ tính riêng đầu năm 2018 đến nay đã có trên 90 cặp kết hôn sớm. Hằng năm chính quyền, các ban ngành đoàn thể địa phương đều tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn, trong đó cốt lõi nhất vẫn là giải pháp tuyên truyền, vận động. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra, ngày càng có nhiều hình thức phức tạp, khó phát hiện, ngăn ngừa.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị, tại 2 huyện nói trên, tình trạng tảo hôn trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2010- 2015 có khoảng trên 900 trường hợp. Từ năm 2016 đến 2018 có khoảng 500 trường hợp. Trong đó, Đakrông 2016- 2018 trên 200 trường hợp, Hướng Hoá trên 300 trường hợp.
Tình trạng tảo hôn qua các năm tăng dần rất đáng lo ngại. Nguyên nhân chính của nạn tảo hôn là do trình độ dân trí còn thấp, phong tục tập quán lạc hậu, đời sống kinh tế khó khăn và gia đình không có không gian riêng tu…