Trò chuyện chủ nhật

Nâng cao nhận thức của người dân để ứng phó với thời tiết khắc nghiệt

11:07 16/12/2018
Những thiệt hại mà người dân miền Trung, đặc biệt là khu vực Nam Trung Bộ phải gánh chịu những ngày qua do mưa lũ cho thấy thiên tai đã trở lên khốc liệt hơn bao giờ hết.

Vấn đề ứng phó với thời tiết bất thường thế nào để giảm nhẹ thiệt hại đang được đặt lên hàng đầu. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) xung quanh vấn đề này. 

PV: Ngay từ đầu năm 2018, các chuyên gia dự báo đã đưa ra nhận định về một năm thiên tai sẽ đổ dồn vào các tỉnh miền Trung. Xin ông cho biết cụ thể hơn về những dự báo này, và từ nay đến Tết Nguyên đán 2019, liệu còn những nguy cơ nào đối với khu vực các tỉnh miền Trung nữa hay không? Và những diễn biến thời tiết đang diễn ra ở miền Trung có phải bất thường không thưa không?

Ông Lê Thanh Hải: Trong năm 2018, trên khu vực Biển Đông xuất hiện 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐƯ (9 cơn bão và 4 cơn ATNĐ), trong đó có 3 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. 

Tại miền Trung ngay từ đầu mùa mưa bão đã có 2 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Bắc Trung Bộ. Đặc biệt vào cuối năm, đã xảy ra một đợt mưa lớn tại khu vực Trung và Nam Trung Bộ từ ngày 7-12 đến hiện tại (tính đến 7h ngày 14-12) do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh kết hợp nhiễu động gió đông trên cao, tổng lượng mưa tại khu vực tại phía nam Nghệ An đến Bình Định phổ biến 300-600mm, có nơi cao hơn như Đông Hà (Quảng Trị) 662mm, Đà Nẵng 1049mm, Tam Kỳ (Quảng Nam) 982mm, Ba Tơ (Quảng Ngãi) 687mm, Hoài Nhơn (Bình Định) 622mm. 

Riêng tại Đà Nẵng tổng lượng mưa đã đạt giá trị kỷ lục trong chuỗi số liệu quan trắc được trong cùng thời kỳ tháng 12, đây là đợt mưa đáng chú ý nhất trong năm 2018 tại khu vực miền Trung. Dự kiến đợt mưa này có khả năng kéo dài hết ngày 16-12, nhưng lượng mưa có xu hướng giảm dần.

Dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán 2019 (tháng 1-2019), thời tiết tại khu vực miền Trung vẫn có xu thế mưa cao hơn so với trung bình, tuy nhiên lượng mưa trung bình tại đây vào thời điểm tháng 1 đã giảm đáng kể. Các đợt mưa chủ yếu do tác động của gió mùa đông bắc kết hợp với địa hình gây mưa, nhưng lượng mưa không quá lớn. Dự báo lượng mưa tại khu vực Trung Bộ, đặc biệt tại các tỉnh Trung Trung Bộ phổ biến trong tháng 1-2019 ở mức từ 100-150mm, cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 15-30%.

Ông Lê Thanh Hải.

PV: Để giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra, có nhiều ý kiến cho rằng việc đầu tiên là nâng cao chất lượng các bản tin dự báo, cảnh báo, đặc biệt là các bản tin dự báo ngắn. Theo ông đánh giá, công nghệ và chất lượng dự báo của chúng ta hiện nay thế nào, có đáp ứng được yêu cầu hay không?

Ông Lê Thanh Hải: Trong những năm gần đây, công nghệ dự báo đã được đầu tư, độ chính xác, độ tin cậy trong các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai ngày càng được nâng cao hơn, đặc biệt trong vấn đề dự báo, cảnh báo bão, mưa lớn, lũ lụt vốn là những loại hình thời tiết rất nguy hiểm, tác động và gây thiệt hại trên diện rộng.

Về dự báo, cảnh báo bão: Độ chính xác trong bản tin dự báo bão (vị trí và cường độ bão) của Việt Nam đã dần tiệm cận với trình độ dự báo bão của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; Dự báo, cảnh báo mưa lớn: đã dự báo trước 2-3 ngày với độ tin cậy khoảng 75%. 

Đối với mưa lớn cục bộ hoặc mưa lớn trong cơn giông: mới chỉ cảnh báo trước từ 30 phút đến 2-3 giờ. Dự báo, cảnh báo rét đậm, rét hại gây ra bởi không khí lạnh: trước 2-3 ngày với độ tin cậy 80-90%; Dự báo, cảnh báo các đợt nắng nóng diện rộng: trước từ 2-3 ngày có độ tin cậy 70%, thời điểm kết thúc các đợt nắng nóng diện rộng chính xác từ 80-90%. 

Tuy nhiên, các loại hình thiên tai khác như lốc, sét, mưa đá… chỉ có thể đưa ra cảnh báo khả năng xuất hiện trên vùng rộng, khu vực chi tiết chỉ cảnh báo trước được từ 30 phút đến 1 giờ, nhưng cũng chỉ thực hiện được ở khu vực có phủ ra đa thời tiết. Đối với dự báo, cảnh báo thủy văn, chúng ta đã dự báo, cảnh báo lũ trên các sông khu vực miền Trung, Tây Nguyên trước 24-48 giờ, khu vực Bắc Bộ trước 3-5 ngày đạt từ 70%-85%.

PV: Nhìn lại những thảm họa thiên tai trong những năm gần đây, chúng ta phải thừa nhận rằng, vẫn có những mắt xích yếu trong “chuỗi” ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống rủi ro thiên tai, từ cả khâu dự báo đến công tác quy hoạch và ứng phó thảm họa… Với kinh nghiệm cá nhân ông, ông đánh giá thế nào về những thiệt hại do mưa gây ra ở Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Ngãi vừa qua? Liệu có phải do phát triển đô thị quá nóng và lỗi tại quy hoạch?

Ông Lê Thanh Hải: Phải nói rằng càng ngày những cực đoan của khí hậu xuất hiện ngày càng nhiều với tần xuất ngày càng tăng, độ khốc liệt cũng càng ngày càng lớn. Những trận mưa lớn, lịch sử ở Nha Trang và Đà Nẵng hay Quảng Ngãi đã cho thấy độ khốc liệt. Chúng ta chỉ có thể ứng phó với sự khốc liệt để giảm nhẹ thiệt hại thôi. Để ứng phó với mưa lũ ngập úng, chúng ta chỉ có thể khắc phục bằng các biện pháp công trình và phi công trình. 

Trong đó biện pháp công trình như: Trồng và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn; khai thông các đường thoát lũ; xây dựng đê, tường chắn lũ quét; mở rộng khẩu độ thoát lũ của hệ thống cầu cống trên các tuyến đường giao thông; phân dòng lũ… Còn giải pháp phi công trình đó là: Lập bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét; điều chỉnh điều kiện mặt đệm lưu vực và các khu trữ lũ; quản lý sử dụng đất, quy hoạch lại các khu vực nếu cần thiết tái định cư, đưa dân ra khỏi vùng có nguy cơ.

Các trận mưa vừa rồi đều xảy ra ở các khu đô thị ven biển, vùng đồng bằng. Trong khi đó khả năng tiêu thoát lũ chậm là do ngoài năng lực thoát nước thông thường thì các đường thoát lũ ra biển ở các khu đô thị này hầu như đều bị chặn bởi các con đường ven biển, các khu du lịch, các công trình nhà cửa, rác thải… chèn lấp các đường thoát nước tự nhiên. Bên cạnh đó, việc san lấp các hồ thoát nước đệm để xây dựng các công trình dân sinh đã làm gia tăng việc chậm tiêu úng cho các khu đô thị.

PV: Việc nâng cao nhận thức cho người dân về phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu theo ông tại các địa phương hiện nay thế nào?

Ông Lê Thanh Hải: Là người làm công tác dự báo khí tượng thủy văn, chúng tôi thực sự thấy buồn khi ở Trung ương sôi sục với công tác chỉ đạo ứng phó, các bản tin dự báo được các cơ quan báo chí truyền thông truyền tải liên tục đúng giờ ra bản tin theo các quy định của Luật và các văn bản quy phạm pháp luật thì ở đâu đó người dân vẫn rất lơ là cho rằng khu vực mình làm gì có bão, lũ và họ hoàn toàn bị động khi bão, lũ ập đến… Trước sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan thời gian gần đây chúng tôi thấy rằng cần phải tuyên truyền cho người dân hiểu rõ những kiến thức về hiện tượng thiên tai, tác hại của thiên tai đó và hướng dẫn họ cách phòng, tránh nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

PV: Một câu hỏi cuối cùng, xin ông cho biết, ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay chúng ta cần những hành động gì cấp thiết?

Ông Lê Thanh Hải: Để ứng phó với biến đổi khí hậu, chúng ta cần rất nhiều tiềm lực. Trên thế giới đang thực hiện theo xu thế giảm việc phụ thuộc vào những nguồn năng lượng nhiên liệu hóa thạch, chẳng hạn như xăng dầu, hướng đến sử dụng những nguồn năng lượng tái tạo, chẳng hạn như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, những nguồn năng lượng sạch hơn. 

Ngành khí tượng thủy văn cần phải có năng lực tốt hơn để có thể giúp cho người dân và các nhà hoạch định chính sách có thể ứng phó cũng như chuẩn bị sẵn sàng trước thiên tai và đặc biệt là hiện tượng nước biển dâng. 

Để người dân có thể thích ứng với những hiện tượng thời tiết cực đoan đang bị tác động nhiều bởi biến đổi khí hậu cần có sự tuyên truyền mạnh mẽ để người dân nâng cao ý thức, chủ động phòng, tránh thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại. 

Bên cạnh đó cũng phải tính đến tác động của biến đổi khí hậu trong các ngành, các lĩnh vực khác nhau ví dụ như là ngành nông nghiệp, giao thông hay ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với hạ tầng và ngành Y tế cũng sẽ có những khả năng ảnh hưởng. 

Các ngành kinh tế, phục vụ dân sinh, xã hội đều cần phải lập kế hoạch và lồng ghép với những hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu như vậy trong chiến lược phát triển ngành. Có như vậy mới tăng khả năng ứng phó giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ngọc Yến (thực hiện)

Thời gian gần đây, nhiều địa phương trong cả nước liên tục ghi nhận các vụ việc đua xe trái phép do nhóm thanh, thiếu niên thực hiện. Không chỉ gây nguy hiểm cho chính người tham gia, hành vi này còn là mối đe dọa trực tiếp đến an toàn giao thông, trật tự xã hội và sự bình yên của cộng đồng. 

Khoảng chiều và đêm 17/11, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ, một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 18-20 độ C, vùng núi có nơi dưới 15 độ C.

Ngày 16/11, báo cáo với đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy làm trưởng đoàn, đại diện đơn vị thi công Dự án cao tốc Hòa Liên-Túy Loan (đoạn qua địa bàn Đà Nẵng) cho biết hiện đang bố trí khoảng 30 mũi thi công để đáp ứng tiến độ; nhưng còn một số vướng mắc về mặt bằng, một số điểm người dân cản trở thi công; mưa nhiều, bụi mù, ùn tắc...

Ngày 16/11, Cục CSGT cho biết, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6 (Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt, Cục CSGT) đang củng cố hồ sơ xử lý một tài xế ô tô dừng xe ở làn khẩn cấp cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết để cả gia đình ngồi ăn tối.

Đại úy Lê Thị Hồng Lụa là cô giáo ở Trường Giáo dưỡng số 2, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an. Ngoài truyền đạt kiến thức văn hóa cho học sinh, Đại úy Lê Thị Hồng Lụa còn uốn nắn, dạy dỗ, giáo dục những học sinh từ lầm lì, khép kín, ngỗ nghịch đi vào nền nếp, kỷ cương, trở thành người lương thiện để khi hết thời hạn, các em về với gia đình, trở thành người có ích cho xã hội. Nhiều năm miệt mài làm người “chở đò”, với biết bao tâm huyết, công sức, những kỷ niệm về sự hướng thiện của các em học sinh ở ngôi trường “đặc biệt” vẫn luôn là động lực để Đại úy Lê Thị Hồng Lụa thêm say mê, yêu quý nghề. 

Lúc 8h ngày 16/11, tại khu vực biên giới gần cột mốc 172, thuộc ấp Bình Quới, xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng (Tây Ninh), Đồn Biên phòng Phước Chỉ phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh và Công an thị xã Trảng Bàng bắt quả tang Xu Xin (SN 1997, quốc tịch Trung Quốc) nhập cảnh trái phép từ Campuchia vào Việt Nam.

Trận lũ quét xảy ra hôm 29/10 vừa qua đã để lại những hậu quả nặng nề về người và của, nằm ngoài tiên lượng của giới chức chính trị Tây Ban Nha và nghiêm trọng hơn, nó còn khiến cho giới chức chính trị Tây Ban Nha chỉ trích và đỗ lỗi cho nhau trong cách ứng phó thiên tai.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文