Năng suất lao động quyết định mức thụ hưởng
- Khó cải cách tiền lương vì chưa tinh giản được biên chế2
- Dồn tiền tăng thu ngân sách cho cải cách tiền lương
- Giá dầu giảm, cải cách tiền lương có thể chậm
Một nội dung quan trọng tác động đến hàng triệu công chức, viên chức đang được Hội nghị Trung ương 7- Khóa XII bàn bạc, thảo luận là Đề án: “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp”.
Mục đích lớn nhất của Đề án là tạo ra động lực mới đối với những người có năng lực, trình độ cao chuyên tâm làm việc, góp phần tăng năng suất lao động, thu hút nhân tài vào làm việc tại cơ quan Nhà nước.
Thay đổi lớn nhất trong Đề án cải cách chính sách tiền lương lần này là ban hành hệ thống bảng lương mới đối với khu vực công theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo trên cơ sở điều chỉnh tăng mức lương thấp nhất và mở rộng quan hệ tiền lương tiệm cận với khu vực thị trường. Hệ thống bảng lương mới sẽ được quy định bằng số tiền tuyệt đối thay vì quy định hệ số lương nhân với mức lương cơ sở.
Ông Nguyễn Văn Bén, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bén Linh (Cao Lãnh, Đồng Tháp) bộc bạch: “Ai làm giỏi, mang lại hiệu quả công việc thì quyết định mức lương chứ không chờ thâm niên tăng lương. Anh làm hiệu quả, tạo ra sản phẩm đáp ứng được yêu cầu, năng suất thì hưởng mức lương cao hơn và ngược lại sẽ bị đào thải”.
Ông Bén ví dụ, doanh nghiệp của ông chuyên sản xuất dao kéo, dụng cụ cầm tay và đồ kim loại thông dụng và sử dụng từ 40 đến 50 lao động. Lao động phổ thông khi được đào tạo, đáp ứng được nhu cầu công việc, đạt hiệu quả năng suất cao thì lương vẫn cao hơn lao động tốt nghiệp đại học.
“Trường hợp lao động tốt nghiệp đại học, làm việc đúng môi trường, tận dụng được kiến thức, khối óc sáng tạo mang lại hiệu quả lao động cho doanh nghiệp thì chắc chắn mức lương sẽ cao hơn” - ông Bén nói.
Hiện nay, các doanh nghiệp rất quan tâm đến việc hướng nghề cho học sinh, sinh viên. Lao động phổ thông chỉ đào tạo trong thời gian ngắn nhưng thích nghi với công việc nhanh, có tay nghề giỏi, đạt hiệu quả thì hưởng mức lương cao.
Trong khi, nhiều sinh viên tốt nghiệp nhưng khi đến doanh nghiệp tiếp cận môi trường mới phải đào tạo lại và cũng hưởng theo năng suất lao động.
“Hiệu quả công việc, năng suất lao động sẽ quyết định tiền lương. Anh làm nhiều thì sẽ được thụ hưởng nhiều và có nhiều chế độ khác như: thưởng theo năng suất lao động, vượt định mức, thưởng theo năm” - ông Bén nói.
Ông Tạ Minh Phúc Khương, Phó phòng Lao động – việc làm (Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ). |
Ông Tạ Minh Phúc Khương, Phó phòng Lao động – việc làm (Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ) cho biết, vấn đề tiền lương được phân ra làm 2 nhóm: tiền lương trong lĩnh vực công (khu vực Nhà nước và khu vực thị trường (doanh nghiệp)).
Do sự phát hiện của kinh tế - xã hội, nên hiện không còn phù hợp, tiền lương lĩnh vực công thấp hơn thị trường rất nhiều. Trường hợp tốt nghiệp đại học, mức lương được tính là 2,34x1.300.000 đồng là 3.042.000 đồng.
Còn mức lương tối thiểu vùng của khu vực thị trường đối với lao động phổ thông (KV2) là 3.350.000 đồng. So sánh hai mức lương này cho thấy, mức lương của người lao động phổ thông cao hơn mức lương của sinh viên tốt nghiệp đại học.
Mức lương làm không đủ sống cũng dễ xảy ra hiện tượng như “ăn cắp” thời gian làm việc riêng hoặc phát sinh những tiêu cực khác. Nếu cải cách tiền lương, đảm bảo được nhu cầu cuộc sống tối thiểu của công chức, viên chức thì chắc chắn công việc sẽ tốt hơn, bộ máy hoạt động hiệu quả hơn.
Bà Hoàng Thị Ngọc Thơ (cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang) nêu ý kiến về Đề án cải cách chính sách tiền lương và cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, được nhiều người rất vui mừng.
Vì khi đề án được thực hiện sẽ bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình; tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động, góp phần đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống chính trị ổn định, tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng chống tham nhũng; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
“Về Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân, tôi thấy rất hợp lý với sự phát triển của xã hội. Bản thân tôi thấy rất tâm đắc với hai Đề án này và mong sớm được triển khai thực hiện” – bà Thơ chia sẻ.