Nghẹn lòng đưa tiễn ngư dân bị bắn chết trên vùng biển Trường Sa
- Lên án hành vi sử dụng vũ lực với ngư dân Việt Nam
- Làng chài xé lòng đón ngư dân xấu số
- Giây phút kinh hoàng đối mặt những kẻ lạ mặt xả súng bắn ngư dân ngoài biển khơi
Hàng trăm người dân đón thi thể ông Trương Đình Bảy đưa về lo hậu sự. |
Bên trong ngôi nhà cấp 4 của gia đình ông Bảy, bà Mai Thị Long (43 tuổi, vợ ông Bảy) và 3 người con đang vật vã khóc than thảm thiết khiến những người đến viếng không cầm được nước mắt.
Ông Nguyễn Minh, người thân gia đình ông Bảy, cho biết: Gia đình ông Bảy và bà Long sinh được 2 người con trai, 1 con gái. Hiện người con trai đầu là Trương Đình Huynh (23 tuổi) đã lấy vợ; người con trai thứ hai là Trương Đình Đệ (21 tuổi) nghỉ học năm lớp 9, rồi theo ba đi biển đã được 3 năm; người con gái út là Trương Thị Huệ (18 tuổi) đang theo học lớp 12.
“Anh Bảy đi biển đến nay đã được hơn 10 năm. Lúc trước vợ chồng anh Bảy cũng có làm nông, nhưng không đủ lo cuộc sống. Để các con được ăn học, năm 2005, anh Bảy xin đi biển, còn chị Long thì bị bệnh tim, sức khỏe yếu đi nhiều, nhưng cũng cố gắng đi xay cá thuê ở chợ Bình Châu, ở nhà chăm cháu nội mới được hơn 3 tháng tuổi. Đã 5 ngày qua, từ khi nghe tin anh Bảy chết, chị Long ngã quỵ, không ăn uống gì. Đau xót quá chừng!”, anh Minh chia sẻ.
Con trai ông Bảy nghẹn ngào bên linh cữu: “Lúc trước khi ra khơi, ba em còn bảo đi chuyến này về có tiền giúp được gia đình trả nợ một phần; mua cho cháu nội cái áo mới vì sắp tới Tết rồi. Nào ngờ… ba đi chuyến biển cùng em mà giờ… chỉ còn mình em trở về… Ba ơi sao vậy ba ơi!”. Chỉ kịp nói đến vậy, Đệ òa khóc trong nỗi đau xót khôn nguôi…
Từ khi nghe tin ông Bảy chết vì bị đối tượng nước ngoài dùng súng bắn ngoài khơi, người dân trong thôn An Hải đều tìm đến nhà ông Bảy động viên mẹ con bà Long, phụ lo chuẩn bị tang lễ. Đến 10h sáng 2-12, hàng trăm người dân đi theo đoàn đưa tang đã hốt nắm đất bỏ xuống quan tài, thắp nén nhang tiễn đưa ông Bảy về với đất mẹ.
Trong nỗi đau, ông Phùng Bá Vương, Phó Chủ tịch xã Bình Châu, bày tỏ: Xã Bình Châu có hơn 70% hộ gia đình làm nghề đi biển đánh bắt ở ngư trường Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Tính từ năm 2006 đến nay, đã có hơn 80 vụ việc tàu cá của ngư dân trên địa bàn xã ra khơi gặp nạn do thiên tai; bị tàu nước ngoài đâm va, bắt bớ, cướp tài sản, uy hiếp đến tính mạng ngư dân. Đã có 24 người bị chết do thiên tai và tàu nước ngoài tấn công; tài sản thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, thông tin thêm: Ông Trương Đình Bảy vừa bị tàu nước ngoài bắn chết là trường hợp thứ 3 ngư dân xã Bình Châu bị bắn khi hành nghề ngoài ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam. Năm 2009, tàu cá của ngư dân Phạm Qui (thôn Phú Quý) đi đánh cá ngoài Hoàng Sa thì bị 2 tàu nước ngoài tấn công, hành hung, cướp hải sản. Khi ông Qui cùng các ngư dân khác chống cự hành động ăn cướp trắng trợn thì chúng bắn ông Qui vào đầu khiến ông tử vong. Các ngư dân cũng đưa thi thể ông Qui vào hầm đá ướp chuyển về đất liền. Trường hợp thứ hai là ông Tiêu Viết Là (thôn Châu Thuận Biển) cùng 12 ngư dân trên tàu đánh cá ngoài Hoàng Sa thì bị tàu nước ngoài bắn khiến 6 người bị thương… Tuy nhiên, nhiều ngư dân vẫn bày tỏ sự quyết tâm ra khơi bám biển Hoàng Sa và Trường Sa để đánh bắt hải sản. Bởi, đó là ngư trường truyền thống của cha ông bao đời, là biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
|