Nghẹn lòng đưa tiễn ngư dân bị bắn chết trên vùng biển Trường Sa

08:37 03/12/2015
Ngày 2-12, hàng trăm người dân ở xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã tạm gác hết công việc thường ngày đến đưa tang ông Trương Đình Bảy (45 tuổi, trú thôn An Hải, Bình Châu), ngư dân bị đối tượng tàu nước ngoài dùng súng tấn công, bắn chết khi đánh bắt ngoài ngư trường Trường Sa của Việt Nam về nơi an nghỉ cuối cùng.
Chúng tôi tìm về thôn An Hải vào sáng 2-12. Lúc này, từ các ngả đường, hàng trăm người dân ở xã Bình Châu kéo về nhà ông Bảy để viếng hương cho người ngư dân nghèo bị sát hại và đợi cùng đưa ông Bảy đến nơi an nghỉ cuối cùng. Bà Phạm Thị Cúc (70 tuổi, trú thôn Phú Quý), nói: “Sức khỏe tui tuy yếu rồi, nhưng nghe sáng nay đưa tang nó (ông Bảy) cũng phải cố gắng đi cho được. Bởi, ở địa phương này, ai cũng thương nó sống hiền lành, chất phác. Việc nó bị bắn chết khi đi biển ngoài Trường Sa mình sao mà thương quá con ơi!”. Nhiều người đứng bên nghe bà Cúc nói cũng chùng lòng, mắt hoen ngấn lệ...
Hàng trăm người dân đón thi thể ông Trương Đình Bảy đưa về lo hậu sự.

Bên trong ngôi nhà cấp 4 của gia đình ông Bảy, bà Mai Thị Long (43 tuổi, vợ ông Bảy) và 3 người con đang vật vã khóc than thảm thiết khiến những người đến viếng không cầm được nước mắt. 

Ông Nguyễn Minh, người thân gia đình ông Bảy, cho biết: Gia đình ông Bảy và bà Long sinh được 2 người con trai, 1 con gái. Hiện người con trai đầu là Trương Đình Huynh (23 tuổi) đã lấy vợ; người con trai thứ hai là Trương Đình Đệ (21 tuổi) nghỉ học năm lớp 9, rồi theo ba đi biển đã được 3 năm; người con gái út là Trương Thị Huệ (18 tuổi) đang theo học lớp 12. 

“Anh Bảy đi biển đến nay đã được hơn 10 năm. Lúc trước vợ chồng anh Bảy cũng có làm nông, nhưng không đủ lo cuộc sống. Để các con được ăn học, năm 2005, anh Bảy xin đi biển, còn chị Long thì bị bệnh tim, sức khỏe yếu đi nhiều, nhưng cũng cố gắng đi xay cá thuê ở chợ Bình Châu, ở nhà chăm cháu nội mới được hơn 3 tháng tuổi. Đã 5 ngày qua, từ khi nghe tin anh Bảy chết, chị Long ngã quỵ, không ăn uống gì. Đau xót quá chừng!”, anh Minh chia sẻ. 

Con trai ông Bảy nghẹn ngào bên linh cữu: “Lúc trước khi ra khơi, ba em còn bảo đi chuyến này về có tiền giúp được gia đình trả nợ một phần; mua cho cháu nội cái áo mới vì sắp tới Tết rồi. Nào ngờ… ba đi chuyến biển cùng em mà giờ… chỉ còn mình em trở về… Ba ơi sao vậy ba ơi!”. Chỉ kịp nói đến vậy, Đệ òa khóc trong nỗi đau xót khôn nguôi…

Từ khi nghe tin ông Bảy chết vì bị đối tượng nước ngoài dùng súng bắn ngoài khơi, người dân trong thôn An Hải đều tìm đến nhà ông Bảy động viên mẹ con bà Long, phụ lo chuẩn bị tang lễ. Đến 10h sáng 2-12, hàng trăm người dân đi theo đoàn đưa tang đã hốt nắm đất bỏ xuống quan tài, thắp nén nhang tiễn đưa ông Bảy về với đất mẹ. 

Trong nỗi đau, ông Phùng Bá Vương, Phó Chủ tịch xã Bình Châu, bày tỏ: Xã Bình Châu có hơn 70% hộ gia đình làm nghề đi biển đánh bắt ở ngư trường Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Tính từ năm 2006 đến nay, đã có hơn 80 vụ việc tàu cá của ngư dân trên địa bàn xã ra khơi gặp nạn do thiên tai; bị tàu nước ngoài đâm va, bắt bớ, cướp tài sản, uy hiếp đến tính mạng ngư dân. Đã có 24 người bị chết do thiên tai và tàu nước ngoài tấn công; tài sản thiệt hại hàng chục tỷ đồng. 

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, thông tin thêm: Ông Trương Đình Bảy vừa bị tàu nước ngoài bắn chết là trường hợp thứ 3 ngư dân xã Bình Châu bị bắn khi hành nghề ngoài ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam. Năm 2009, tàu cá của ngư dân Phạm Qui (thôn Phú Quý) đi đánh cá ngoài Hoàng Sa thì bị 2 tàu nước ngoài tấn công, hành hung, cướp hải sản. Khi ông Qui cùng các ngư dân khác chống cự hành động ăn cướp trắng trợn thì chúng bắn ông Qui vào đầu khiến ông tử vong. Các ngư dân cũng đưa thi thể ông Qui vào hầm đá ướp chuyển về đất liền. Trường hợp thứ hai là ông Tiêu Viết Là (thôn Châu Thuận Biển) cùng 12 ngư dân trên tàu đánh cá ngoài Hoàng Sa thì bị tàu nước ngoài bắn khiến 6 người bị thương… Tuy nhiên, nhiều ngư dân vẫn bày tỏ sự quyết tâm ra khơi bám biển Hoàng Sa và Trường Sa để đánh bắt hải sản. Bởi, đó là ngư trường truyền thống của cha ông bao đời, là biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đại diện chính quyền huyện Bình Sơn thăm hỏi, trao tiền hỗ trợ gia đình ông Bảy.
Ngày 2-12, đại diện Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Tổng cục Thủy sản, Cục Kiểm ngư Việt Nam đã đến thăm viếng, hỗ trợ gia đình ông Trương Đình Bảy, động viên gia đình vượt qua nỗi đau mất mát, sớm ổn định cuộc sống. Qua đó, Tỉnh ủy Quảng Ngãi hỗ trợ 10 triệu đồng; Bộ Tư lệnh BĐBP trích Quỹ “Vì những con tàu xa khơi” hỗ trợ 20 triệu đồng. Các đoàn cũng gặp gỡ thuyền trưởng Bùi Văn Cu và một số thuyền viên đi trên tàu cá QNg 95861TS để nắm tình hình tư tưởng ngư dân, động viên ngư dân biến đau thương bằng quyết tâm bám biển sản xuất, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. (Trà Câu)
Văn Luận

Những ngày cuối tháng 4/1975, là một thanh niên Sài Gòn (tròn 19 tuổi), tôi cảm nhận rõ sự thay đổi lớn lao của đất nước đang đến rất gần. Và trong ngày 30/4 lịch sử ấy, tôi đã cầm chiếc máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn, ghi lại những khoảnh khắc quân Giải phóng tiến vào nội đô.

Chiến lược dữ liệu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ xác định là nguồn tài nguyên mới, yếu tố then chốt cho chuyển đổi số quốc gia, tạo ra giá trị mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phục vụ lợi ích người dân. Dữ liệu của Việt Nam mở ra không gian hoạt động và phát triển mới cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Đàm Vĩnh Hưng, lại một lần nữa là Đàm Vĩnh Hưng, những ngày qua đã làm dậy sóng dư luận trong lần xuất hiện hoành tráng của mình. Câu hỏi tại sao lại là Đàm Vĩnh Hưng có thể dễ được lý giải theo chủ quan của Hưng là "các thành phần xấu lợi dụng đẩy câu chuyện này đi xa", nhưng cũng sẵn sàng được một chiều khác của dư luận diễn dịch theo cách: "Vì sự tự tin thái quá dẫn đến quyết định phản cảm của chính Đàm Vĩnh Hưng".

Gần 2 tháng qua, nhiều hộ nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh An Giang tham gia liên kết sản xuất với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (gọi tắt là Tập đoàn Lộc Trời) như ngồi trên đống lửa khi lúa đã bán đi, tiền chưa nhận được, nợ chi phí sản xuất của vụ Đông Xuân chưa trả thì gánh nặng của đợt xuống giống vụ Hè Thu lại đến…

Dự thảo Nghị định quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo và dự thảo Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC) khi Nhà nước thu hồi đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo đang được đưa ra lấy ý kiến đã nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp.

Điện Biên là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc. Nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của quan hệ hợp tác quốc tế, Đảng ủy Ban Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các hoạt động đối ngoại trong đó có hợp tác quốc tế với Công an các tỉnh có đường biên giới tiếp giáp thuộc 2 quốc gia Lào và Trung Quốc trong đấu tranh với tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia…

Các đơn vị trúng thầu dự án đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đi qua địa bàn xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, đã san ủi đồi núi, đổ lấp xuống con sông chảy qua địa bàn xã này hàng nghìn m3 đất đá. Hậu quả của việc làm này không chỉ gây ra tình trạng sông suối bị chặn dòng, thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt, sản xuất ở vùng hạ du, mà còn gây ô nhiễm môi trường xung quanh; gây bồi lấp, nhấn chìm ruộng đồng, nhà cửa của hàng trăm hộ dân ở đây vào mùa mưa lũ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文