Nghĩa cử ấm lòng giữa mùa dịch
Tại khu lưu trú số 1, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh, anh Phạm Trung Hiếu, chủ khu lưu trú, cho biết trong những đợt dịch COVID-19 vừa qua, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP Hồ Chí Minh và khu lưu trú đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ người thuê trọ. Và trong đợt dịch này, anh Hiếu cũng giảm tiền thuê trọ cho hơn 300 người đang lưu trú tại đây. Theo Hiếu thì anh đã giảm 50% tiền phòng cho người đang lưu trú và cùng các nhà hảo tâm tặng quà cho các anh chị công nhân đang thuê trọ. Ngoài ra, khu lưu trú còn được nhà hảo tâm của Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP Hồ Chí Minh hỗ trợ ATM gạo để phát cho người thuê trọ và người dân trong khu vực.
Tại địa bàn quận 11, chị Đinh Thị Thu Vân, hiện đang cho thuê 5 phòng trọ, với giá 2 triệu đồng/phòng tại phường 7, quận 11, cũng đã chủ động giảm 50% tiền phòng cho mấy em sinh viên cùng người dân thuê trọ và cho người thuê “nợ tiền phòng đến khi nào có tiền rồi trả”. Theo chị Vân, chị sẽ tạo điều kiện để hỗ trợ, vì người thuê phòng trọ đang thất nghiệp, đòi tiền cũng làm khó cho họ, khi nào đi làm có tiền rồi trả.
Hỗ trợ, tặng quà cho người thuê trọ ở phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức. |
Tương tự, chị Đỗ Thị Ngọc Thanh, chủ nhà trọ tại phường 6, quận 11 cũng đã giảm 50% cho mỗi phòng từ đầu đợt dịch thứ 4 đến hết đợt giãn cách (hết tháng 6-2021)…
Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam quận 11, thống kê trên địa bàn quận 11 có khoảng hơn 300 phòng trọ cho thuê. Thành phần thuê nhà phần lớn là công nhân, sinh viên ở các tỉnh miền Tây, miền Trung có điều kiện kinh tế không mấy khá giả. Do đó, với mong muốn hỗ trợ các hộ này, quận 11 đã tuyên truyền, vận động các chủ nhà trọ hỗ trợ, giảm tiền phòng cho người thuê. Bên cạnh các chủ nhà trọ chủ động giảm tiền phòng trước thì hầu hết chủ nhà trọ đều rất hưởng ứng và đồng tình việc giảm tiền cho người thuê.
Là Chi hội trưởng Hội Phụ nữ khu phố 3, phường An Phú, TP Thủ Đức, bà Lê Thị Kim Chi đã đi từng phòng thông báo sẽ giảm từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/phòng (40 - 60%) cho 40 phòng trọ trong đợt dịch này. Tiếp tục chia sẻ với người thuê, bà Chi còn vận động nhiều người dân khác mua sắm nhu yếu phẩm (mì tôm, rau, dầu ăn…) tặng các hộ khó khăn khác. Bà Lê Thị Kim Chi cho rằng, ai trong cảnh này cũng sẽ làm như bà. Chứng kiến cảnh người ở trọ chật vật mưu sinh trong mùa dịch, bà hỗ trợ được gì là hỗ trợ ngay. Đáng nói, từ các đợt dịch lần trước, bà Chi cũng đã chủ động giảm giá tiền phòng để chia sẻ với người thuê trọ. Có sự hỗ trợ, động viên của bà Chi, nhiều người thuê trọ đã thấy vơi bớt khó khăn và bày tỏ sự cảm kích khi nhận được sự hỗ trợ của chủ nhà trọ như vậy…
Ngoài ra, tại phường Tam Bình, TP Thủ Đức nằm gần chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, Khu chế xuất Linh Trung và Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương), nơi có rất nhiều hộ dân kinh doanh cho thuê phòng trọ cũng có hầu hết các chủ nhà trọ đều tự giác giảm giá phòng để san sẻ khó khăn với người lao động… Để tiếp tục mở rộng hơn nghĩa cử này, ngày 26/6/2021, UBND TP Thủ Đức đã gửi văn bản đến 34 phường trên địa bàn về công tác vận động chủ nhà trọ giảm tiền thuê cho công nhân, người lao động trong đợt dịch COVID-19 này.
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức đề nghị Chủ tịch UBND 34 phường báo cáo đề xuất với Đảng ủy phường cùng với Ủy ban MTTQ Việt Nam phường và các đoàn thể chính trị xã hội phát động phong trào vận động các chủ nhà trọ “Miễn giảm tiền thuê phòng cho công nhân, người lao động trên địa bàn TP Thủ Đức” nhằm giảm bớt gánh nặng cho công nhân, người lao động. Ngày 26/6/2021, lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, ngay sau khi HĐND TP Hồ Chí Minh có Nghị quyết thông qua gói hỗ trợ đối với người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, Sở đã có tờ trình khẩn gửi UBND thành phố về kinh phí thực hiện. Việc này nhằm triển khai nhanh nhất để hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Trong đó, riêng kinh phí hỗ trợ 3 nhóm người lao động: người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 là hơn 462 tỷ đồng.
Sở cũng dự toán kinh phí hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm, giảm sâu thu nhập hoặc không có thu nhập do thực hiện giãn cách xã hội để kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố theo chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh (202.013 người). Mức hỗ trợ dự toán là 50.000 đồng/người/ngày, thời gian tạm tính trong 30 ngày…