Nghiện rượu, bia và con đường tới ung thư gan
- Bị gan nhiễm mỡ không do rượu có thể dẫn đến ung thư gan nguyên phát
- Ung thư gan – “Tử thần” nhưng triệu chứng mờ nhạt
Có mặt tại một buổi khám u gan miễn phí của Bệnh viện Việt Đức, chúng tôi chứng kiến nhiều người có “thâm niên” nghiện rượu mấy chục năm tới khám mới biết mình bị xơ gan. Cách đây 1 tháng, ông Vũ Thế H. (SN 1963, Hà Nội) thấy mỏi mệt đi khám, phát hiện men gan cao. Khi tới BV Việt Đức, ông được bác sĩ của Khoa Phẫu thuật Gan mật thăm khám và nhận định, trường hợp của ông 90% là xơ gan do rượu, cần làm thêm xét nghiệm máu nữa để khẳng định. Ông H. cho biết, ông nghiện rượu đã 30 năm nay, mỗi ngày uống 3 bữa rượu, sáng, trưa và tối.
Anh Nguyễn Quang M. (SN 1970, Hà Nam) nghiện rượu hơn 20 năm. Khi tới khám, men gan anh tăng rất cao, tình trạng xơ gan rất nặng, tiểu cầu giảm mạnh. Bác sĩ tư vấn anh không cần phải truyền tiểu cầu, để cơ thể tự thích nghi và cho dùng thuốc xơ gan. Anh M phát hiện xơ gan cách đây hơn 1 năm, nhưng xơ gan của anh ngày càng nặng. Khi chúng tôi hỏi, anh đã “cai” được rượu chưa thì anh lắc đầu. Người bệnh không cai rượu theo khuyến cáo của bác sĩ mà lại vừa uống rượu vừa uống thuốc, gây tác dụng ngược.
Bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang khám cho bệnh nhân viêm gan. |
Cách đây không lâu, tôi từng chứng kiến một nam bệnh nhân 63 tuổi, ở Hà Nội đến “cai rượu” tại Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an. Bệnh nhân nghiện rượu từ thời trẻ, đến nay gần 40 năm, người nhà phải “cưỡng chế” mới đưa được bệnh nhân vào nhập viện. Mỗi ngày bệnh nhân uống từ 1 lít đến 1,5 lít rượu, thậm chí ăn rất ít, lâu dần bệnh nhân bị loạn thần, gần như không tỉnh táo, cả ngày chỉ nghĩ đến rượu, tay chân run lẩy bẩy, mê sảng. Khi vào viện, bệnh nhân trong tình trạng sảng rượu nặng, không nhận biết được xung quanh, vùng vẫy la hét... Sau nửa tháng đến viện, bệnh nhân đã dần ổn định, tỉnh táo hơn, đã bắt đầu giao tiếp trở lại, nhưng cần thêm nhiều thời gian điều trị tiếp. Tuy nhiên, do nghiện rượu lâu năm đã dẫn tới gan bệnh nhân bị xơ mãn tính.
Theo TS.BS Đỗ Tuấn Anh, Trưởng Khoa Phẫu thuật Gan mật, BV Việt Đức cho biết, uống rượu, bia thường kích thích tiêu hóa nhưng phải dùng có điều độ, chừng mực bởi gan không đào thải được dẫn đến xơ gan. BS Tuấn Anh chứng kiến nhiều người bệnh nghiện rượu, lúc uống rượu lại rất ít khi ăn. “Có người sáng ra chưa ăn gì đã uống rượu, dạ dày trống mà uống rượu vào rất nguy hiểm. Có người bị xơ gan, chỉ cần uống một tí đã say do lọc gan kém. Lạm dụng rượu, bia là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới xơ gan mạn tính và xơ gan là bệnh lý của ung thư gan”, BS Tuấn Anh cho biết.
Tới Khoa Viêm gan, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chúng tôi chứng kiến rất nhiều “sâu rượu” khi vào nhập viện mới biết mình bị xơ gan, trong đó nhiều người đã thành ung thư gan nhưng không biết. Có “sâu rượu” mỗi ngày uống 1 đến 1,5 lít suốt 30 năm qua, vào nhập viện trong tình trạng sụt cân, chán ăn, mỏi mệt, da vàng. Bác sĩ cho biết, trường hợp này bị viêm gan đã lâu nhưng không được phát hiện, vào viện trong tình trạng muộn, bệnh đã chuyển sang xơ gan, có nguy cơ ung thư gan.
Có thời điểm, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới có 9.000 người tới khám vì viêm gan, trong đó khoảng 250 người bệnh nặng phải nhập viện điều trị.
GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, viêm gan là bệnh lý thường gặp tại Việt Nam do nguyên nhân phổ biến gây xơ gan là viêm gan virus B, viêm gan virus C và uống nhiều rượu. 85% bệnh nhân ung thư gan trên nền viêm gan mạn, do vậy lạm dụng rượu bia dễ dẫn tới xơ gan. Theo Trưởng Khoa Phẫu thuật Gan Mật, BV Việt Đức, ung thư gan là bệnh lý có tỉ lệ tử vong hàng đầu, cao hơn nhiều so với ung thư phổi và ung thư dạ dày. Người bệnh được phát hiện và điều trị sớm sẽ có hiệu quả.
Gần đây, nhiều bệnh nhân đến Khoa Phẫu thuật Gan mật, BV Việt Đức trong tình trạng muộn. 70% người bệnh đến viện không còn gì để can thiệp, không chỉ định mổ được nữa, mà chỉ còn động nút mạch. U gan ác tính thường phát triển trên nền các bệnh lý viêm gan B, viêm gan C và xơ gan do rượu. Nhiều người uống rượu lâu năm dẫn tới xơ gan, nhưng lại phát hiện muộn.