Ngộ độc thực phẩm hàng loạt, lo ngại bếp ăn học đường
- Trưởng phòng GD-ĐT nhận trách nhiệm vụ nhiều học sinh ngộ độc thực phẩm
- Ngộ độc thực phẩm trong trường học có dấu hiệu gia tăng
Liên tiếp học sinh nhập viện
Vừa khai giảng được 4 ngày thì tại Trường Tiểu học Tiên Dương, Đông Anh, Hà Nội đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, làm 22 học sinh có triệu chứng nôn, đau bụng, đi ngoài, trong đó có 7 học sinh phải nhập Bệnh viện Đa khoa Đông Anh khám và điều trị. Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường có 2.115 học sinh, trong đó 1.556 em học bán trú.
Trưa 9-9, nhà trường tổ chức bữa ăn cho học sinh, đến 15h chiều cùng ngày có thêm bữa phụ là sữa học đường, đến 21h tối 9-9 đã có 1 học sinh có biểu hiện đau bụng, sốt, đi ngoài và được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Đông Anh cấp cứu, sau khi được thăm khám và điều trị thì học sinh này đã được cho về điều trị và theo dõi tại nhà. Đến sáng 10-9, có 58 học sinh vắng mặt không đến lớp, trong đó có 48 học sinh vẫn còn một số biểu hiện triệu chứng như buồn nôn, sốt và đi ngoài.
Trung tâm Y tế huyện Đông Anh đã yêu cầu dừng toàn bộ bữa ăn trưa ngày 10-9 và tiến hành kiểm tra cơ sở cung cấp bữa ăn sẵn cho học sinh, lấy các mẫu thức ăn và sữa gửi Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, đến nay chưa có kết quả.
Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Đông Anh và Đoàn điều tra ngộ độc thực phẩm của Trung tâm Y tế huyện đã tổ chức kiểm tra cơ sở hộ kinh doanh Vũ Quỳnh (số 65, thôn Trung Oai, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh) cung cấp suất ăn sẵn cho Trường Tiểu học Tiên Dương với 13 nhân viên trực tiếp chế biến suất ăn, bữa trưa 9-9.
Đoàn đã yêu cầu hộ kinh doanh tạm dừng toàn bộ hoạt động để kiểm tra làm rõ nguyên nhân, khắc phục ngay các tồn tại trong chế biến thực phẩm. Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội nhận định, bước đầu nguyên nhân do yếu tố vi sinh.
Tiếp đến, ngày 11-9, sau bữa ăn trưa gồm bánh canh tôm, bữa ăn chiều là bánh su kem, các học sinh Trường Tiểu học Bình Trưng Đông, TP HCM không có biểu hiện bất thường. Nhưng hôm sau, một số học sinh có biểu hiện sốt, nôn, tiêu chảy phải đến Bệnh viện quận 2 khám và điều trị.
Đến ngày 13-9, có thêm các học sinh khác và 1 giáo viên, 1 bảo mẫu nhập viện với biểu hiện tương tự. Đến nay đã có 32 trường hợp nhập viện, gồm 30 học sinh, 1 giáo viên và 1 bảo mẫu. Được biết, Trường Tiểu học Bình Trưng Đông hợp đồng cung cấp nấu ăn với một công ty ở Hóc Môn. Công ty này có hợp đồng cung cấp bánh ngọt với một hộ kinh doanh ở quận 12. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu và đang chờ kết quả xét nghiệm.
Một vụ ngộ độc khác xảy ra tại chùa Kỳ Quang 2, TP HCM khiến 22 trẻ được nuôi tại chùa phải vào Bệnh viện Nhi đồng 1cấp cứu với triệu chứng nôn, đau bụng, da xanh. Các em có triệu chứng ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm.
Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, 3 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể đã xảy ra với trẻ em. Theo một phụ huynh có 2 con học tại 1 trường tiểu học quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết: Trước đây, bếp ăn học đường do nhà trường tổ chức nấu, chất lượng tốt hơn. Khi nhà trường ký kết với 1 công ty cung cấp suất ăn, thức ăn không những ít đi, mà còn xảy ra việc quên rửa khay đựng, dẫn đến khay cơm xuất hiện dòi như báo chí phản ánh. Đây là điều khiến chúng tôi rất lo ngại về chất lượng an toàn của bữa ăn bán trú.
Bữa ăn bán trú phải đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. |
Kiểm tra không xuể
Trao đổi với phóng viên Báo CAND ngày 15-9, ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết, toàn thành phố có gần 2.200 bếp ăn học, bếp ăn tập thể… việc kiểm tra, kiểm soát phân cấp cho Ban ATTP các quận, huyện giám sát, các đoàn của TP chỉ kiểm tra ngẫu nhiên.
Theo ông Tụ, ngay từ đầu năm học mới, Sở Y tế đã có công văn gửi tất cả các trường học trên địa bàn về việc giám sát đảm bảo VSATTP tại các bếp ăn học đường. Nhiều trường học đã thành lập Ban chỉ đạo VSATTP trong nhà trường, thành lập tổ giám sát nguồn thực phẩm trong nhà trường, bao gồm đại diện ban phụ huynh, hiệu trưởng, giáo viên… để giám sát nguồn thực phẩm cung ứng cho trường. Hà Nội đang tổ chức cho 20 trường làm điểm mô hình bếp ăn học đường chuẩn.
Tuy nhiên, ngay sau khai giảng, vụ việc ngộ độc thực phẩm ở Trường Tiểu học Tiên Dương lại gióng lên hồi chuông cảnh báo. Bởi, Hà Nội đã từng ồn ào về việc phát hiện khay cơm có dòi, sau đó trường tiểu học nơi xảy ra vụ việc đó đã cho đại diện Ban phụ huynh các lớp tham gia tổ giám sát nguồn thực phẩm cung ứng vào trường hàng ngày, giám sát quy trình chế biến…
Nhưng cũng chỉ vài ngày đầu, đại diện Ban phụ huynh từng lớp tham gia giám sát, sau do phụ huynh bận đi làm nên đã bỏ ngỏ. Không chỉ ở trường tiểu học này mà còn nhiều trường học khác cũng trong tình trạng tương tự như vậy.
Theo ông Tụ, Chi cục VSATTP chỉ quản lý bếp ăn các khu công nghiệp, bếp ăn tập thể, bếp ăn của trường đại học, cao đẳng và bệnh viện lớn… còn lại phân cấp cho quận, huyện quản lý, kiểm tra. Việc kiểm tra của cơ quan an toàn thực phẩm địa phương nếu bỏ mặc, lỏng lẻo, thậm chí là rất lâu mới quay vòng kiểm tra, sẽ dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
Cũng theo ông Tụ, để đảm bảo an toàn thực phẩm, các bếp ăn, nhà hàng phải tránh xa ô nhiễm chéo giữa thức ăn sống và thức ăn chín. Dụng cụ chế biến và đựng thực phẩm phải sạch. Những người tham gia chế biến phải được tập huấn về kiến thức VSATTP, được khám sức khỏe định kỳ để đảm bảo không có bệnh truyền nhiễm, bệnh ngoài da, bệnh tiêu hóa…?
Đây là điều rất quan trọng, vì trước khi chế biến mà người chế biến không rửa tay bằng xà phòng, không đeo găng tay, không cắt móng tay sạch sẽ thì nguy cơ vi khuẩn từ tay người vào thực phẩm là rất lớn.
Đặc biệt, cơ sở chế biến phải đảm bảo lưu sổ sách 3 bước để khi xảy ra ngộ độc sẽ giúp cơ quan chức năng tìm được nguyên nhân, để từ đó biết được mầm bệnh là do từ bàn tay người sản xuất, từ thực phẩm bị ô nhiễm hay từ dụng cụ không đảm bảo vệ sinh…, giúp cho bác sĩ chẩn đoán điều trị bệnh. Tuy nhiên, nhiều cơ sở vì lợi nhuận đã bỏ qua các bước này.