Người Hà Nội khổ sở vì mất điện tràn lan

06:36 03/07/2015
Trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm này, người dân tại nhiều khu vực của Hà Nội đang phải đương đầu với cảnh mất điện, nhất là vào ban đêm. Có thể nói, đã lâu rồi Hà Nội mới lại có đợt mất điện tại nhiều khu vực như vậy. Nguyên nhân vẫn được Điện lực Hà Nội cho biết do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng đột biến gây quá tải cục bộ tại một số khu vực. Tất nhiên, lý lẽ này không thuyết phục được người dân Thủ đô đang phải trải qua những ngày “khổ sở”, nhất là những gia đình có người già và trẻ nhỏ.

Liên tục từ ngày 27, 28/6 đến những ngày đầu tháng 7, Báo CAND nhận được phản ánh mất điện tại nhiều khu vực của quận Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Hoàng Mai, Đông Anh. Người dân tại Tổ 26 Khương Đình (Thanh Xuân) cho biết, khoảng 11h đêm 1/7, khu vực này bị mất điện khoảng 1 giờ đồng hồ, không được báo trước.

Trước đó, tại đây đã nhiều lần xảy ra các sự cố, hôm thì quá tải, hôm nhảy automat, hôm cháy trạm biến áp. Có những hôm 12h đêm trạm biến áp bị sự cố, người dân phải chịu cảnh nóng nực đến sáng mới được khắc phục. Gia đình anh Hoạt - vợ vừa sinh cháu nhỏ, trước cảnh điện đóm phập phù đã phải bỏ ra 2,4 triệu đồng mua 2 quạt tích điện để vượt qua những lần điện bị sự cố. 

Một gia đình phải chịu cảnh nóng nực, tù mù giữa đêm vì mất điện.

Cũng trong đêm 1/7, lần lượt khu vực  Dịch Vọng - Cầu Giấy, Phú Diễn (Bắc Từ Liêm), tổ 1, Bằng A (Hoàng Mai), Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì), phường Bưởi (Tây Hồ), Phú Thượng (Tây Hồ)... đều xảy ra cảnh mất điện, nơi ít thì 5, 10 phút; nhiều thì 1, 2 tiếng đồng hồ. Người dân quá nóng đổ hết ra đường phố hóng mát, những gia đình có điều kiện hơn thì đi thuê nhà nghỉ.

Chị Hằng - người dân khu dân cư số 1 (phường Bưởi, Tây Hồ) cho biết, mấy đêm nay gia đình thường xuyên mất ngủ vì điện chập chờn, 10h mất đến hơn 12h đêm mới có, rồi lại mất. Chiều 1/7, khu vực này mất điện khoảng 1h, tối và đêm tiếp tục mất 2 lần. "

Cả nhà định thuê nhà nghỉ ngủ qua đêm chứ nóng không chịu nổi" - anh Phạm Tuấn Hùng, ở ngõ 324 Thụy Khuê cho biết. Mất điện, dù đã 23h nhưng người dân vẫn ùa ra đường dạo ven Hồ Tây ngồi hóng gió chờ có điện mới về nhà. Có nhà chạy máy phát điện kêu inh cả xóm. Hơn nữa, ở nhiều khu dân cư của phường Bưởi người dân tỏ ra bức xúc vì nắng nóng đến "cháy da cháy thịt" mà mất điện. Đêm 29/6, tại Cụm dân cư số 2 ở phường này cũng mất điện 2 lần. "Trẻ nhỏ bức bối quá kêu khóc. Sáng cả nhà dậy muộn vì đêm qua mất điện" - chị Phạm Thanh Hương cho biết.

Đặc biệt, ở khu vực Phú Thượng, trong đêm 30/6, người dân bức xúc vì điện mất - có - lại mất đến 8, 9 lần. Vừa bực mình vì nóng không ngủ nổi, nhất là gia đình có trẻ nhỏ, người dân cũng bày tỏ nỗi lo lắng về các thiết bị điện trong nhà. Trong ngày 30/6, khu vực này cũng mất điện từ 16h kém 15 tới khoảng 19h mới có điện. Người dân cũng phản ánh gọi đường dây nóng của Công ty Điện lực nhưng không có ai nghe máy. “Vợ bầu, con nhỏ, phe phẩy cái quạt mấy tiếng đồng hồ đến bã cả tay, khốn khổ vì điện” - một người dân than phiền.

Nhiều ngày qua, Hà Nội phải gánh chịu đợt nắng nóng kéo dài gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, nhất là khi mất điện khiến nhiều người dân lựa chọn ao hồ, sông trong khu vực thành phố để giải nhiệt. (Ảnh chụp chiều tối 1/7 tại hồ Linh Đàm)

Trước sự phản ánh của người dân, chiều 2/7, PV Báo CAND đã có trao đổi với ông Đặng Thanh Hoàng - Giám đốc Công ty Điện lực Tây Hồ. Lý giải nguyên nhân, ông Hoàng cho biết, nắng nóng kéo dài từ ngày 28/6 đã khiến hệ thống điện bị quá tải do nhu cầu sử dụng tăng đột ngột. Thống kê của công ty này cho thấy sản lượng điện tháng 6 tăng cao đến 43% so với năm ngoái và tăng khoảng 30% so với tháng 5 (40.300.000 kWh so với 30.300.000 kWh). Vị giám đốc này cũng cho biết, Điện lực Tây Hồ đã có hệ số dự phòng tăng trưởng điện, nhưng chỉ căn cứ vào nghị quyết của HĐND quận về tăng trưởng GDP, nên không thể đáp ứng nhu cầu tăng đột biến của kỳ này.

“Chúng tôi đã đầu tư 80 tỷ cho hạ tầng điện, nâng công suất 11 trạm biến áp và xây mới 5 trạm biến áp khác, nhưng với nhu cầu sử dụng thời điểm này thì cũng không đáp ứng được” – ông Đặng Thanh Hoàng cho biết. Được biết, để khắc phục tình trạng mất điện có thể tiếp tục xảy ra trong những ngày nắng nóng tới đây, công ty này đã họp rút kinh nghiệm, san tải để tránh quá tải cục bộ.

Lý giải về sự việc cắt điện đột ngột đêm 1/7 tại Cầu Giấy, đại diện Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cho biết, vào hồi 23h50 đơn vị thi công công trình tại Trường Tiểu học Dịch Vọng B đã đào vào đường cáp trung thế và gây ra sự cố làm gián đoạn việc cung cấp điện cho các phụ tải khu vực. Sau khoảng 1 giờ đồng hồ, Công ty Điện lực Cầu Giấy đã khắc phục xong sự cố. Còn về tình trạng mất điện tràn lan tại nhiều quận, huyện, Tổng Công ty này cho rằng: Hà Nội đang trải qua những ngày nắng nóng đỉnh điểm khi nhiệt độ ngoài trời vượt qua ngưỡng 40 độ C, làm cho nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến, gây ra hiện tượng mất điện do quá tải cục bộ tại một số khu vực. Theo dõi số liệu vận hành lưới điện trong những ngày qua cho thấy, ngày 29/6, sản lượng điện là 57.681 MWh (tăng  9,1% so với sản lượng ngày cao nhất của năm 2014).

Ngày 30/6, sản lượng vọt lên tăng 17% so với sản lượng ngày cao nhất của năm 2014) và ngày 1/7 thậm chí còn tăng cao hơn 19% so với sản lượng ngày cao nhất của năm 2014. Tổng Công ty này cho biết “đã và đang nỗ lực, tăng cường ứng trực 24/24h để đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục và ổn định phục vụ khách hàng”, đồng thời kêu gọi người dân triệt để tiết kiệm, tắt tất cả các thiết bị không cần thiết để hạn chế việc mất điện đột ngột.

Vũ Hân - Trần Hằng

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch cao điểm cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đến ngày 27/5/2023 đã hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho những người đủ điều kiện (sớm hơn 65 ngày so với chỉ đạo của Bộ). Qua "mục sở thị" những mô hình điểm về chuyển đổi số tại Thái Nguyên, tôi nhận thấy CCCD gắn chip đã trở thành một phần tất yếu, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, mà hai mô hình điểm thể hiện rõ nhất là: "Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID" và "Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT".

Ngày 2/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Phạm Minh An (SN 1964, Giám đốc Sở Y tế tỉnh) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu qua nghiêm trọng". 

Vào khoảng 2h30 ngày 2/5, một vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi hoàn toàn một kho chứa phế liệu rộng khoảng 500 m2 tại ấp An Hoà, xã An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (TMĐT&KTS, Bộ Công Thương) đề nghị người dùng phát hiện website bán sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân thì thông báo cho Cục TMĐT&KTS để Cục có biện pháp xử lý.

Công an các đơn vị, địa phương đã tập trung triển khai phương án bảo đảm ANTT các hoạt động kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ngày Quốc tế lao động và các hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), chấp hành nghiêm túc chế độ trực ban, trực chiến bảo đảm quân số ứng trực, nắm chắc tình hình, triển khai thực hiện có hiệu quả các phương án bảo đảm ANTT, TTATGT, phòng, chống cháy, nổ...

Dưới cái nắng oi bức của mùa hè cộng thêm gió Lào khô rát khiến người ta ở trong nhà hay dưới bóng râm vẫn cảm thấy khó chịu, thế nhưng hơn 1 tháng nay, CBCS Công an Điện Biên vẫn luôn thường trực 24/24 tại các nút giao thông, các điểm di tích lịch sử và nơi diễn ra các hoạt động, sự kiện hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Những việc làm của các anh góp phần quan trọng đảm bảo an ninh, an toàn cho các đồng chí lãnh đảo Đảng, Nhà nước, các sự kiện và du khách thập phương đến với Điện Biên.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文