Người đàn bà đưa thổ cẩm Chăm quảng bá ra thế giới

14:02 01/05/2015
Chúng tôi tình cờ gặp nghệ nhân Thuận Thị Trụ tại không gian trưng bày sản phẩm dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp nằm bên bờ sông Hương của Festival nghề truyền thống Huế 2015. Ngồi bên khung dệt để biểu diễn những kỹ thuật dệt thổ cẩm Chăm cho du khách xem, bà Trụ kể lại cho chúng tôi nghe về quãng thời gian khó khăn khi dệt Chăm bị mai một, vì không tìm ra hướng đi đúng…

Trong tiếng kẽo kẹt, lách tách của khung dệt, bà Trụ kể rằng, làng Mỹ Nghiệp thuộc thị trấn Phước Dân (Ninh Phước, Ninh Thuận), nơi bà sinh ra vốn có nghề truyền thống làm thổ cẩm Chăm. Nhưng, sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng - 1975, do nguồn nguyên liệu phục vụ nghề dệt thổ cẩm trở nên khan hiếm, hàng thổ cẩm làm ra không bán được, từ đó dân làng dần bỏ nghề để sang làm các nghề khác mưu sinh. Lúc ấy, Mỹ Nghiệp chỉ còn 5 hộ gia đình làm nghề này, trong đó có gia đình bà Trụ.

“Với trăn trở giữ nghề cha ông để lại, năm 1988, đang là cán bộ chuyên trách giáo dục mầm non của huyện Ninh Phước, tôi đã chuyển sang làm... “công nhân” dệt thổ cẩm. Không có vốn, vợ chồng tôi quyết định bán đi căn nhà lấy 2 triệu đồng để mở cơ sở sản xuất dệt với 5 công nhân ban đầu”, người đàn bà đã bước vào tuổi 67 trải lòng.

Bà Trụ đã bỏ nhiều công sức để đưa sản phẩm dệt thổ cẩm Chăm quảng bá ra thế giới.

Và, điều bất ngờ đã xảy ra. Chỉ 3 năm sau, cơ sở sản xuất dệt của bà Trụ đã được mở rộng và có 70 công nhân làm việc; trong đó phần lớn là chị em phụ nữ có tay nghề dệt ở làng Mỹ Nghiệp. Để tìm đầu ra tiêu thụ, bà Trụ đã nhiều lần bắt xe đò lặn lội lên TP HCM, nhờ người quen tìm thuê giúp một cửa hàng để bán sản phẩm dệt. Sau nhiều cố gắng ấy, năm 1993, bà Trụ đã đưa sản phẩm thổ cẩm Chăm truyền thống của Mỹ Nghiệp đến Thương xá Tax (Trung tâm Thương mại TP HCM) và đây cũng là điểm khởi đầu để thổ cẩm Chăm “lọt” vào mắt của người nước ngoài.

Bà Trụ cho hay, lúc đó, để có hàng cung ứng thị trường, do nguồn nguyên liệu khan hiếm, nên bà đã nghĩ ra cách dùng sợi cotton và nhuộm màu bằng máy công nghiệp thay cho sợi tơ truyền thống, đồng thời bà chế tạo thêm nhiều mẫu mã hoa văn hấp dẫn. “Ban đầu, dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp chỉ có 5 mẫu duy nhất, nhưng qua quá trình nghiên cứu, tìm hiểu từ các làng nghề dệt khắp cả nước, bản thân tôi đã sưu tầm được 36 hoa văn Chăm truyền thống và cách điệu 50 mẫu hoa văn khác.

Với những mẫu mã đẹp được cách điệu từ các họa tiết trên tháp Chàm Po Klongirai, Pôrôme bắt mắt nên sản phẩm dệt Chăm của làng dần được bán rộng rãi ở nhiều quầy vải, cửa hàng ở TP HCM và được người nước ngoài yêu thích”.  Đến năm 2000, bà Trụ đứng ra thành lập Công ty TNHH Dệt may Thổ cẩm Chăm Inrahani, giải quyết công ăn việc làm cho 200 phụ nữ nghèo tại địa phương. Bà mở nhiều đại lý ở Đà Lạt, Đà Nẵng, Hà Nội... để quảng bá sản phẩm ra thị trường. Giờ đây, niềm vui lớn nhất của bà Trụ sau hàng chục năm trời nỗ lực, là sản phẩm dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp đã xuất khẩu ra được rất nhiều nước trên thế giới như Pháp, Bỉ, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Lào... và có mặt tại các cuộc triển lãm quốc tế như Triển lãm quốc tế tại Malaysia, Thụy Sĩ, Pháp và Nhật Bản... Cuối năm ngoái, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục gia đối với bà về thành tích “Người phụ nữ Chăm giới thiệu và phát triển thổ cẩm Chăm ra nước ngoài nhiều nhất”.

Ngoài thành tựu đưa sản phẩm thổ cẩm Chăm ra thế giới, những năm qua, bà Trụ còn tham gia nhiều hoạt động từ thiện-xã hội, đứng ra vận động nguồn quỹ Canada để xây dựng hệ thống nước sạch, làm nhà mẫu giáo ở làng Mỹ Nghiệp;  cùng con gái và một số nhà hảo tâm tài trợ 100 ca phẫu thuật đục thủy tinh thể; trao học bổng cho học sinh nghèo, tặng quà người nghèo...

Anh Khoa

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文