Việc ghi tên thành viên trong gia đình trên sổ đỏ được áp dụng như thế nào?
- Giải đáp những thông tin "hot" nhất về lộ trình thay thế sổ hộ khẩu, CMND
- Cần hiểu đúng về chuyện bỏ hộ khẩu và chứng minh nhân dân
Theo ông Phấn, khái niệm “hộ khẩu” được hiểu theo Luật Cư trú là giấy tờ quản lý hành chính về mặt cư trú, nơi ở (nơi thường trú) của công dân. Hộ gia đình trong sổ hộ khẩu là các cá nhân trong cùng một gia đình có chung địa chỉ đăng ký thường trú, không có ý nghĩa xác định về mặt sở hữu tài sản chung như hộ gia đình trong quan hệ pháp luật dân sự hay hộ gia đình sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.
Còn khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai quy định "hộ gia đình sử dụng đất" là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất. Ông Phấn nói rõ, Thông tư 33 chỉ áp dụng với trường hợp hộ gia đình sử dụng đất, nghĩa là các thành viên có chung tài sản.
“Không phải tất cả các thành viên trong hộ gia đình đều được ghi tên trên sổ đỏ mà chỉ có những thành viên có chung tài sản, có chung quyền sử dụng đất. Một gia đình có thể có chục người nhưng chỉ có 3 người có quyền sử dụng đất chung, trên sổ đỏ sẽ chỉ ghi tên 3 người. Trong thực tiễn đã xảy ra nhiều tranh chấp về đất đai giữa anh em với nhau hoặc giữa bố mẹ và con cái. Trước đây, khi đất đai chưa có giá trị và không có sự di chuyển lao động từ nơi này tới nơi khác thì trên sổ đỏ chỉ ghi tên chủ hộ. Khi chủ hộ mang tài sản đi giao dịch thì các thành viên khác có chung tài sản cũng không có tiếng nói gì. Việc ra đời Thông tư 33 sẽ tránh được mâu thuẫn, tranh chấp đất đai ngay trong nội bộ gia đình” – ông Phấn nói.
Chỉ ghi tên trên sổ đỏ những thành viên có chung tài sản |
Theo số liệu của Tổng cục Quản lí đất đai, hiện nay, tỉ lệ cấp giấy chứng nhận cho các hộ gia đình sử dụng đất đã đạt 96,3%. Tỉ lệ 3,7% còn lại là những trường hợp rất khó thực hiện do khó xác định nguồn gốc đất hoặc đang có tranh chấp.
Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6 tháng 1 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật đất đai.
Tại Khoản 5 Điều 6 của Thông tư này đã hướng dẫn việc thể hiện thông tin về người sử dụng đất đối với trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình sử dụng đất. Theo đó, đối với tài sản là của chung nhiều người trong gia đình thì ghi tên tất cả các thành viên.
Theo Bộ Tài nguyên – Môi trường, quy định này của Thông tư sẽ bảo đảm chặt chẽ về mặt pháp lý, cụ thể hơn về mặt chủ thể có quyền sử dụng đất, giúp minh bạch tài sản, giảm những rủi ro cho người sử dụng đất, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình.
Quy định này là phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 98 của Luật đất đai, nhằm khắc phục những tồn tại trong thực tế triển khai thi hành Luật đất đai như tranh chấp, mâu thuẫn về quyền sử dụng đất giữa các thành viên trong hộ gia đình khi thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất cũng như giải quyết các quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến đất đai của hộ gia đình,....
Thông tư 33 cũng không đặt thêm thủ tục hành chính khi thực hiện các quyền của hộ gia đình sử dụng đất mà còn đảm bảo sự phù hợp với quy định của pháp luật về dân sự.
Khoản 2 Điều 212 Bộ Luật dân sự quy định, trường hợp định đoạt tài sản chung của gia đình là bất động sản thì phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình.