Người dân miền Tây thiếu nước ngọt sinh hoạt trầm trọng
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cho biết, tình trạng thiếu nước ngọt ngày càng diễn ra gay gắt hơn. Tại các khu vực ven biển, người dân phải mua nước sinh hoạt được chuyển từ nơi khác đến.
“Trước đây, mỗi ngày tôi chở 7-8 xe nước để cung cấp cho người dân thì nay tăng lên gấp đôi mới đủ đáp ứng”, anh Tiến Đạt – người chuyên cung cấp nước ngọt khu vực huyện Bình Đại (Bến Tre) cho hay.
Người dân đến hồ chứa nước của Kiwaco tại TP Rạch Giá chở nước ngọt về sử dụng. |
Tại các vùng ven biển, hải đảo tỉnh Kiên Giang, hiện chỉ có Phú Quốc là tương đối ổn định. Các quần đảo Nam Du, Bà Lụa và các xã ven biển đang rất khó khăn với nguồn nước sinh hoạt. Tại TP Rạch Giá, từ ngày 26-4, Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Kiên Giang (Kiwaco) giảm 35% công suất, do độ mặn cao không thu được nước ngọt. Nguồn nước hiện đang cung cấp chỉ đạt 34.000 m3/ngày (đạt 65% so với nhu cầu bình thường).
Trong đó, nước ngầm 19.000m³, nước mặt 15.000m³. Đến ngày 29-4, trữ lượng nước tại hồ chứa nước Vĩnh Thông (có dung tích 500.000m³) chỉ còn 60.000m³; tại hồ Nhà máy Nước Rạch Giá còn khoảng 45.000m³. Kiwaco đã khẩn cấp thi công khoan mới 12 giếng khai thác nước ngầm (cộng với 2 giếng hiện có), nâng tổng lượng nước ngầm đạt 16.000 m³/ngày đêm… và triển khai nhiều xe bồn cung cấp nước đến các khu dân cư.
Theo Kiwaco, do hiện tượng El Nino, nắng hạn kéo dài nên nguồn nước ngọt trên hệ thống sông, kênh dẫn đầu nguồn giảm mạnh. Nhiều nơi xảy ra hiện tượng xâm nhập mặn sâu vào kênh Rạch Giá - Long Xuyên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động khai thác, sản xuất và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân Rạch Giá.
Mấy ngày qua, tỉnh Kiên Giang đã tăng cường thêm sà lan vận chuyển nước ngọt từ tuyến kênh Rạch Giá – Long Xuyên về các hồ chứa nước để xử lý cung cấp cho người dân, nhưng cũng chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu sinh hoạt.
Tại cuộc họp giao ban công tác ứng phó với hạn, mặn vùng ĐBSCL tổ chức tại Sóc Trăng vào cuối tháng 4-2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương ưu tiên hàng đầu hiện nay phải đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân.
Theo Bộ NN&PTNT, đến cuối tháng 4, Bến Tre có khoảng 86.200 hộ; Sóc Trăng 43.000 hộ; Kiên Giang 25.000 hộ; Trà Vinh 21.400 hộ; Long An 15.500 hộ; Cà Mau 14.500 hộ; Tiền Giang 7.000 hộ; Bạc Liêu 3.200 hộ; Vĩnh Long và Hậu Giang có khoảng 2.500 hộ/tỉnh đang thiếu nước ngọt sinh hoạt.