Người lao động muốn được nghỉ hưu đúng tuổi

11:22 23/08/2017
“Có tới 90% người lao động mong muốn Nhà nước giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay là 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ, không kéo dài thêm tuổi nghỉ hưu”, PGT.TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) chia sẻ tại buổi tọa đàm “Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội” sáng 22-8.

PGS.TS Vũ Quang Thọ cho biết, đây là kết quả của đợt khảo sát mới được Viện Công nhân và Công đoàn thực hiện ở cả ba miền: Bắc, Trung, Nam.

Không thể tăng tuổi nghỉ hưu để “nuôi” Quỹ

Trước nhiều ý kiến cho rằng, việc áp dụng chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) mới với việc tăng thời gian đóng BHXH khiến nhiều lao động không mặn mà tham gia, ông Nguyễn Ngọc Thọ, Phó ban Chính sách BHXH Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh già hóa dân số như hiện nay, bài toán cân đối quỹ phải được đem ra bàn bạc cụ thể. Phải xem xét mức đóng góp và chi trả thì tính bền vững của quỹ đến đâu. Tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa của Việt Nam hiện thuộc hàng cao nhất thế giới.

Số lao động tham gia BHXH thời gian qua đã tăng nhưng còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

Việc thực hiện theo chính sách mới từ năm 2018 là để đảm bảo tình hình tài chính cho quỹ được bền vững, an toàn hơn. “Ta cần xác định rõ tuổi lao động và tuổi nghỉ hưu. Tuổi nghỉ hưu của chúng ta thấp nhưng rất nhiều người nghỉ hưu rồi vẫn tham gia thị trường lao động. Trong khi tốc độ già hóa dân số Việt Nam hiện nay thuộc hàng cao trên thế giới, tuổi thọ ngày càng tăng. Tuổi nghỉ hưu duy trì từ những năm 1960 đến nay thì rõ ràng phải xem xét đánh giá lại”, ông Thọ chia sẻ.

Tuy nhiên, bàn về vấn đề này PGS.TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn khẳng định, người lao động chân tay không đồng ý kéo dài tuổi làm việc.

“Theo khảo sát của chúng tôi với 5.000 phiếu hỏi thì gần như tất cả công nhân lao động không đồng ý. Họ nói rằng, hãy thực hiện như hiện nay, 55 tuổi với phụ nữ và 60 tuổi với nam giới. Trách nhiệm quỹ bảo hiểm xã hội là của bảo hiểm xã hội chứ không phải thuộc chúng tôi. Chúng tôi đã rất sòng phẳng đóng rồi, giờ đến kỳ nghỉ của chúng tôi chúng tôi phải được hưởng chứ tại sao lại kéo dài tuổi làm việc để buộc chúng tôi phải làm thêm. Thậm chí họ còn nói rất gay gắt. Đây là tôi nói nguyên văn những ý kiến, tâm nguyện của công nhân lao động. Tôi nghĩ rằng, để đảm bảo an toàn quỹ chúng ta có các kỹ thuật để điều chỉnh chứ không nhất thiết phải kéo dài tuổi làm việc”, ông Thọ nói.

Ông Vũ Quang Thọ nhấn mạnh vào chữ “được nghỉ hưu” khi phản ánh lại tâm tư nguyện vọng của người lao động qua đợt khảo sát về tiền lương, mức sống và tuổi nghỉ hưu năm 2017.

Về việc nâng tuổi nghỉ hưu và tăng mức đóng để đảm bảo ổn định Quỹ BHXH, thông qua khảo sát của Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, nhiều người lao động cho rằng đây là bài toán mà BHXH Việt Nam phải tính toán thông qua nhiều giải pháp như mở rộng thu hút thêm nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện, không thể bắt người lao động phải làm thêm để “nuôi” Quỹ BHXH.

Số người tham gia BHXH tăng không đáng kể

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, hiện đã có 13,17 triệu người tham gia bảo hiểm bắt buộc và 241.000 người tham gia bảo hiểm tự nguyện. Tuy nhiên mới đạt 1/4 mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 thu hút được khoảng 50% số người lao động tham gia BHXH. Tuy vậy theo thừa nhận của ông Nguyễn Ngọc Thọ, Phó ban Chính sách (BHXH Việt Nam), thì tỷ lệ tăng như trên chưa đạt được kỳ vọng của chính sách, do nhiều nguyên nhân tác động và so với mục tiêu Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị đặt ra còn khoảng cách rất xa.

Số lao động tham gia BHXH thời gian qua đã tăng nhưng chưa nhiều.

Nguyên nhân chính chủ yếu là do điều kiện phát triển kinh tế xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực phi chính thức sang chính thức diễn ra chậm, từ đó số người lao động có quan hệ lao động không tăng nhiều.

Bên cạnh, nhiều doanh nghiệp giải thể phá sản, thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh cũng dẫn đến cắt giảm lao động. Số doanh nghiệp tăng mới nhiều nhưng quy mô nhỏ, siêu nhỏ nên sử dụng lao động ít.

Một nguyên nhân nữa và cũng rất quan trọng là ý thức tuân thủ pháp luật của nhiều chủ sử dụng lao động rất kém. Công tác quản lý yếu kém, chẳng hạn như hiện nay chúng ta không quản lý tốt được công tác khai trình lao động của doanh nghiệp, cho nên không nắm bắt số lao động bắt buộc phải tham gia BHXH để làm cơ sở cho việc đôn đốc đăng ký tham gia.

Ông Nguyễn Ngọc Thọ cho biết thêm, hiện BHXH đang phối hợp với Bộ LĐ- TB&XH trình Chính phủ đề án giao chỉ tiêu cho các địa phương. BHXH Việt Nam cũng phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế để xác định số người lao động đang làm việc ở các doanh nghiệp có đóng thuế

Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Vũ Quang Thọ cho rằng, mục tiêu đến 2020 đạt được 50% số người làm công hưởng lương tham gia BHXH bắt buộc là khó. Hiện có một khó khăn trong việc mở rộng đối tượng BHXH là nhiều lao động rút khỏi quá trình tham gia bảo hiểm để hưởng chính sách một lần, nhiều doanh nghiệp khó khăn nên cắt giảm lao động.

Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mỗi năm có khoảng 600.000-700.000 lao động rút khỏi BHXH, cho nên nhìn tổng quan thì số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tăng lên nhưng trừ đi số rút khỏi thì số thực tăng không đáng kể. Theo ông Vũ Quang Thọ, còn một cản trở khiến cho tỷ lệ người lao động tham gia BHXH chưa cao là do người lao động cho rằng mức đóng 22% hiện nay là cao so với thu nhập.

“Chúng tôi cho rằng, mức đóng như thế này thì không phải là cao so với rất nhiều nước trên thế giới. Đặc điểm lao động Việt Nam là cứ ngừng việc là họ muốn thanh toán, không muốn kéo dài thời gian tham gia BHXH.

Lao động Việt Nam chỉ nhìn lợi ích trước mắt mà không nhìn lâu dài nên mới có chuyện  gần 10 nghìn lao động kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ muốn thanh toán một lần. Chúng tôi cũng rất xót xa trước việc này nhưng phía Liên đoàn Lao động cũng không làm gì được bởi đây là ý của người lao động”, ông Vũ Quang Thọ chia sẻ.

Phan Hoạt

Chiều tối 1/5, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 kéo dài, dòng người từ các tỉnh miền Đông, miền Tây sử dụng phương tiện cá nhân, đi xe khách… bắt đầu trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc. Không như những ngày đầu nghỉ lễ, ghi nhận trong chiều tối 1/5, dòng người di chuyển trên đường khá lớn nhưng không gây ùn ứ nghiêm trọng…

Việc phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đáp ứng nhu cầu phát triển điện sạch, sử dụng được nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời) mà Việt Nam có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để việc cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện có đầu tư ĐMTMN ổn định, thì phải tính đến hoạt động của ĐMTMN trong hoạt động chung của toàn hệ thống điện.

Ngày 1/5, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, trái với dự đoán về tình hình ùn tắc có thể xảy ra thì giao thông tại khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô lại rất thông thoáng. Người dân trở về Hà Nội di chuyển một cách thuận lợi qua các "điểm nóng".

Quá trình ông N.V.C. đốt lửa lấy mật ong rừng, ngọn lửa nhanh chóng cháy lan sang các bụi cây rậm dẫn đến cháy rừng. Vụ cháy rừng khiến ông C. bị bỏng nặng và người này được lực lượng chữa cháy cõng ra khỏi rừng để đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho biết, qua xác minh, chưa có cơ sở xác định người phụ nữ bán hàng rong trên phố cổ “chặt chém” du khách nước ngoài với việc bán 3 quả dứa giá 500.000 đồng (như mạng xã hội và báo chí phản ánh mấy ngày qua), tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng đã lập biên bản xử phạt hành chính 150 nghìn đồng đối với người này về hành vi bán hàng rong không đúng quy định. 

Để đảm bảo TTATGT trên các tuyến đường, trong những ngày lễ 30/4 và 1/5, không quản ngại nắng nóng gay gắt, lực lượng CSGT các địa phương vẫn “đội nắng”, “bám đường”, nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát xuyên đêm, xuyên lễ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文