Người nuôi trồng thủy sản điêu đứng vì sản phẩm xử lý ao, hồ rởm

08:26 04/09/2016
Đầu tư một số tiền lớn vào các ao, hồ nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên do sử dụng phải các sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường hồ nuôi không đảm bảo chất lượng, không  rong danh mục cho phép của Bộ NN&PTNT nên hàng trăm hộ dân ở tỉnh Thừa Thiên- Huế phải gánh chịu thiệt hại nặng nề.



Huyện Quảng Điền được biết đến là vùng nuôi trồng thủy sản lớn của tỉnh Thừa Thiên- Huế, có trên 1.000 hộ dân tham gia nuôi trồng thủy sản với các mô hình xen ghép trên diện tích hàng trăm hécta. Tuy nhiên, thời gian qua, do việc xử lý ao, hồ nuôi; đặc biệt là việc sử dụng các sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường không đảm bảo chất lượng được bán trên thị trường khiến người nuôi trồng thủy sản ở địa phương này thất thu.

Ông Hoàng Văn Mới, ở thôn An Xuân, xã Quảng An (Quảng Điền) cho biết, vụ vừa qua gia đình ông thả nuôi 300.000 tôm giống nuôi xen với cua trên diện tích gần 2ha. Tuy nhiên, nuôi được gần 2 tháng thì tôm chết sạch, cua ăn xác tôm cũng chết theo, gây thiệt hại gần 60 triệu đồng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh đốm trắng khiến tôm chết có thể là do gia đình ông sử dụng sản phẩm xử lý môi trường kém chất lượng… 

Các sản phẩm xử lý môi trường hồ nuôi không thuộc danh mục cho phép của Bộ NN&PTNT được Chi cục Thủy sản Thừa Thiên- Huế thu giữ. 

Ông Lê Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Quảng An cho hay, xã có 194 hộ dân tham gia nuôi thủy sản với diện tích 125ha, nhưng vụ nuôi năm 2016 chỉ có 34% hộ nuôi có lãi, còn lại phần lớn hộ dân bị thiệt hại do tôm chết.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên- Huế, so với những năm trước thì vụ nuôi năm nay, nhiều vùng nuôi trồng thủy sản tại các địa phương, như Quảng An, thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền); Vinh Hưng, Vinh Mỹ (huyện Phú Lộc); Phú Xuân, Phú An (huyện Phú Vang)... đều xảy ra hiện trạng tôm, cá chết trên diện rộng khiến người nuôi trồng thủy sản thất bát nặng nề. 

Ngoài lý do môi trường, nguồn giống và dịch bệnh thì một nguyên nhân khác dẫn đến hiện tượng trên là do người nuôi dùng sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường ao, hồ rởm trước khi thả nuôi. 

Tìm hiểu được biết, tại các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên- Huế có nhiều cơ sở bày bán các sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản, như Yucca 555, Clean 009... không có trong danh mục cho phép của Bộ NN&PTNT. Khi được hỏi, một chủ đại lý kinh doanh tại Quảng Điền, bảo rằng, những sản phẩm này được chứa trong bao bì, chai lọ có nhãn mác và địa chỉ công ty sản xuất rõ ràng nên được nhập về để bán cho người nuôi trồng thủy sản chứ không hề hay biết đây là các sản phẩm bị cấm sử dụng(?!). 

Để ngăn chặn tình trạng sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường hồ nuôi kém chất lượng được bày bán tràn lan, gây nhiều hệ lụy cho người nuôi trồng thủy sản, thời gian qua, Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên- Huế đã tăng cường phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức nhiều đợt kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh trái phép các sản phẩm này. 

Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên- Huế khẳng định, hầu hết sản phẩm vi phạm được đơn vị phát hiện do các doanh nghiệp đóng tại TP Hồ Chí Minh sản xuất với các sản phẩm như: BKC 80 của Công ty CP Thương mại H.L.; Yucca 555, Clean 009, Ocean Die 99 của Công ty TNHH SX&TM N.T. Đ.; Star White của Công ty TNHH TMSX và thủy sản B.N… 

Hành vi vi phạm của các doanh nghiệp này là sản xuất kinh doanh các sản phẩm phục vụ cho nuôi trồng thủy sản không có trong danh mục cho phép của Bộ NN&PTNT. 

Qua công tác kiểm tra trên toàn tỉnh, hiện đơn vị đang lưu giữ tiêu bản 32 sản phẩm vi phạm với số lượng khoảng 10.000 bao, chai lọ. “Tới đây, ngoài tăng cường công tác kiểm tra, Chi cục sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân không nên sử dụng các sản phẩm kém chất lượng như trên để tránh thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản”, ông Bình nói.

Anh Khoa

Chiều tối 1/5, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 kéo dài, dòng người từ các tỉnh miền Đông, miền Tây sử dụng phương tiện cá nhân, đi xe khách… bắt đầu trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc. Không như những ngày đầu nghỉ lễ, ghi nhận trong chiều tối 1/5, dòng người di chuyển trên đường khá lớn nhưng không gây ùn ứ nghiêm trọng…

Việc phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đáp ứng nhu cầu phát triển điện sạch, sử dụng được nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời) mà Việt Nam có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để việc cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện có đầu tư ĐMTMN ổn định, thì phải tính đến hoạt động của ĐMTMN trong hoạt động chung của toàn hệ thống điện.

Ngày 1/5, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, trái với dự đoán về tình hình ùn tắc có thể xảy ra thì giao thông tại khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô lại rất thông thoáng. Người dân trở về Hà Nội di chuyển một cách thuận lợi qua các "điểm nóng".

Quá trình ông N.V.C. đốt lửa lấy mật ong rừng, ngọn lửa nhanh chóng cháy lan sang các bụi cây rậm dẫn đến cháy rừng. Vụ cháy rừng khiến ông C. bị bỏng nặng và người này được lực lượng chữa cháy cõng ra khỏi rừng để đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho biết, qua xác minh, chưa có cơ sở xác định người phụ nữ bán hàng rong trên phố cổ “chặt chém” du khách nước ngoài với việc bán 3 quả dứa giá 500.000 đồng (như mạng xã hội và báo chí phản ánh mấy ngày qua), tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng đã lập biên bản xử phạt hành chính 150 nghìn đồng đối với người này về hành vi bán hàng rong không đúng quy định. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文