Người trồng cao su gặp khó do ảnh hưởng từ dự án thi công cao tốc

08:31 13/07/2021
Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua địa bàn huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) đang được chủ đầu tư và đơn vị thi công gấp rút triển khai.

Tuy nhiên, quá trình thi công dự án phát sinh bụi bặm gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là những hộ dân có diện tích cây cao su đang vào thời kỳ khai thác lấy mủ.

Những ngày đầu tháng 7/2021, trời nắng như đổ lửa, công trường thi công tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, qua địa bàn xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tấp nập với những đoàn xe tải trọng lớn chở vật liệu san lấp. Mỗi chiếc xe tải chạy qua khiến một lượng lớn bụi đất từ nền đường cuốn lên bay mịt mù. 

Theo ông Nguyễn Hữu Chung, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ, trước đây toàn xã có 1.500ha cây cao su, nhưng cơn bão số 5 năm 2020 làm gãy còn 600ha. Để phục vụ xây dựng tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua địa bàn xã dài hơn 11km, có khoảng 80ha rừng của người dân bị thu hồi. 

Trong đó phần lớn là diện tích rừng trồng cao su, số còn lại là rừng keo lá tràm ở các thôn Đông Thái, Hưng Thái, Huỳnh Trúc, Tân Mỹ, Lưu Hiền Hòa, Phong Thu. 

Để giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện dự án cao tốc, Trung tâm Phát triển quỹ đất (PTQĐ) huyện Phong Điền tiến hành đo đạc, kiểm kê diện tích đất và tài sản trên đất bị thu hồi của người dân ở xã Phong Mỹ. 

Thống nhất chủ trương thu hồi đất nên sau khi nhận tiền bồi thường, các hộ dân đã bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên sau đó, nhiều hộ dân ở xã Phong Mỹ nhận thấy việc Trung tâm PTQĐ huyện Phong Điền áp giá đền bù cây cao su, nhưng tính theo diện tích m² mà không tính theo số lượng cây trên lô là không chính xác nên đã có đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng…

Việc khai thác mủ cao su của người dân xã Phong Mỹ bị ảnh hưởng do bụi thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Dẫn chúng tôi ra vườn cao su nằm sát bên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đang thi công, ông Ngô Hồng Tứ, Phó Bí thư Chi bộ thôn Đông Thái (xã Phong Mỹ) cho biết, từ hơn 10 năm trước, vợ chồng ông trồng được hơn 2ha cây cao su trên khu đất Đông Thái. Khi cao su đang cho mủ tốt thì gia đình ông bị thu hồi đất để GPMB thi công cao tốc. 

Gia đình ông ủng hộ chủ trương thu hồi đất để thi công dự án cao tốc. Qua kiểm kê của cơ quan chức năng, gia đình ông có 2 lô trên tuyến cao tốc với hơn 8.600m² đất và 652 cây cao su có đường kính từ 10-15cm bị thu hồi và được lập biên bản kiểm kê. 

Tuy nhiên, Trung tâm PTQĐ huyện Phong Điền lại áp giá đền bù cây cao su tính theo diện tích m2 là chưa hợp lý, không đúng thực tế cây cao su trên lô đất. Bởi tính theo mức giá này thì gia đình ông chỉ được đền bù 480/652 cây cao su đã được kiểm đếm, với tổng số tiền hơn 221 triệu đồng, còn lại 172 cây cao su chưa được đền bù là rất thiệt thòi... 

Ông Võ Phi Bình, Bí thư Chi bộ thôn Đông Thái, cho hay, toàn thôn có 12 hộ dân trồng cây cao su có đất bị thu hồi để thực hiện dự án cao tốc. Quá trình áp giá đền bù GPMB, các hộ dân đã ký nhận tiền 2 đợt. Thế nhưng, sau khi xem xét hồ sơ giá đền bù của Trung tâm PTQĐ huyện Phong Điền, có 10 hộ dân gồm các hộ Lê Quang Đảng, Hoàng Đãi, Lê Thị Gái, Ngô Hồng Tứ… thắc mắc về việc Trung tâm PTQĐ huyện áp giá đền bù cây cao su theo diện tích. 

Để đảm bảo quyền lợi cho người dân, Chi bộ thôn Đông Thái đã làm tờ trình gửi các cấp xem xét để có phương án giải quyết, giúp người dân yên tâm lao động, sản xuất, tránh việc khiếu kiện kéo dài. 

Liên quan đến sự việc này, Trung tâm PTQĐ huyện Phong Điền cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức nhiều buổi làm việc với các hộ dân ở xã Phong Mỹ nhằm giải quyết các kiến nghị trên nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Ngoài ra, hiện có hàng chục hộ dân ở thôn Đông Thái có hơn 10ha cây cao su đang thời kỳ lấy mủ và 6ha keo tràm lấy gỗ, nhưng không thể khai thác do ảnh hưởng bụi từ công trình thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Như hộ ông Trương Quốc Hải (50 tuổi, ở thôn Đông Thái) có trang trại nằm giữa cánh rừng cao su rộng gần 5ha trên khu đồi Bắc Khe Mạ, Phong Mỹ. 

Những ngày này, vợ chồng ông Hải như ngồi trên đống lửa vì phần lớn rừng cao su đang đến thời kỳ lấy mủ nhưng không thể cạo được do ảnh hưởng của bụi đất. 

“Trước đây, bình quân mỗi ngày vợ chồng tôi cạo được 1,5 tạ mủ tươi bán với giá 18.000 đồng/kg. Nay xe tải chở vật liệu thi công cao tốc chạy qua đường lâm sinh ở Khe Mạ cả ngày lẫn đêm, bụi cuộn lên dày đặc bám vào thân cây cao su nên chúng tôi không thể cạo lấy mủ được. Bởi nếu có cạo mủ thì với lượng bụi dày đặc bám vào, mủ cao su sẽ đông đặc không chảy được. Có rừng nhưng không thu hoạch mủ được, trong khi tiền vay vốn trồng rừng, tiền lãi ngân hàng vẫn chưa trả hết nên tôi và nhiều hộ dân có rừng cao su ở khu vực này rất lo lắng”, ông Hải bức xúc nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Chung, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ cho rằng, từ nhiều năm qua, đời sống của người dân địa phương phụ thuộc chính nhờ vào trồng cây cao su. 

Nay người dân vừa bị thu hồi đất rừng cao su để làm dự án cao tốc, còn một số diện tích còn lại thì không khai thác được do bụi thi công cao tốc nên cuộc sống của bà con bị ảnh hưởng rất lớn, nhiều hộ dân rơi vào cảnh khó khăn chồng chất. 

Vì thế, UBND xã đã có kiến nghị với lãnh đạo huyện và cấp tỉnh để sớm có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ người dân. Ông Võ Duy Hưng, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, người phụ trách điều hành thi công gói thầu XL5 cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua địa bàn xã Phong Mỹ, trao đổi và thừa nhận, những ngày qua, nhiệt độ ngoài trời luôn ở mức trên 40 độ C nên mặt đường khô nhanh, gây bụi bặm dù đơn vị thường xuyên tưới nước mặt đường. 

Theo ông Hưng, hiện gói thầu đang thiếu khoảng 500 nghìn m³ đất và nếu đủ lượng đất thì việc đắp nền cao tốc sẽ xong trước mùa mưa năm nay, như vậy lượng xe cộ vận chuyển vật liệu sẽ ít hơn và lượng bụi sẽ giảm đi nhiều. 

Hiện tại, để giảm thiểu 100% lượng bụi trong quá trình thi công cao tốc là rất khó, nhưng đơn vị đã cố gắng giảm lượng bụi thấp nhất có thể và mong người dân địa phương thông cảm...

PV

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文