Người trồng hoa ở Tây Tựu lo không kịp vụ Tết

11:07 31/01/2018
Đón hai đợt rét vào sát Tết, người dân trồng hoa ở Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đang khóc ròng vì lo lắng không kịp vào vụ Tết.

Một sào hoa ly, người nông dân phải đổ vào đó trên 100 triệu tiền vốn, có nhà bỏ vốn vào vụ ly Tết năm nay vài tỷ, nếu không kịp Tết, khoản lỗ sẽ lớn. Rút kinh nghiệm từ Tết năm ngoái bị thua lỗ nặng vì hoa ly, năm nay người dân Tây Tựu không đầu tư ồ ạt mà trồng xen kẽ nên dự kiến số lượng hoa ra thị trường sẽ ít hơn và giá sẽ cao hơn.

Thấp thỏm lo bị lỗ        

Còn 20 ngày nữa là đến Tết, cả cánh đồng hoa Tây Tựu – vựa hoa lớn nhất của Hà Nội mang một màu xanh ngắt. Những vườn ly được bao bọc lưới kín mít đang trổ nụ, nếu từ nay đến Tết đón thêm đợt rét nữa, khả năng hoa sẽ không nở kịp. 

Khó khăn lắm chúng tôi mới bắt gặp một chủ vườn ly ở ngoài đồng, anh cho biết, đã đầu tư tiền giống và tiền công chăm bón lên tới vài trăm triệu. Nhìn vườn ly còn xanh nụ, anh than thở: “Dự báo ngày 29 thêm đợt rét nữa, nếu thế thì sợ hoa không nở kịp”. 

Không chỉ trồng hoa ly ở Tây Tựu mà nhà anh còn thuê 2 sào đất ở Đan Phượng để trồng ly. Tổng tiền đầu tư vào hoa ly đã hết 500 triệu đồng. Anh vớt vát: “Nếu từ nay đến Tết mà nắng ấm thì hoa ly nở đẹp, nhưng tình hình rét này thì chưa biết thế nào”.

Ở Tây Tựu, những ông chủ hoa ly đầu tư vài tỷ năm nay cũng tỏ ra lo lắng bởi thời tiết. “Nghề trồng hoa thì không ai nói trước được, đều trông vào thời tiết. Dự báo đến sát Tết còn một đợt rét, nếu cứ rét kéo dài thì ly ngậm không nở, trượt hết”- ông Nguyễn Văn Nhâm, Chủ nhiệm HTX Tây Tựu 2 than thở. 

Theo ông Nhâm thì nếu rét có mưa thì còn kéo được chứ rét mà sương giá thì hoa hỏng hết. Ở Tây Tựu, những chủ vườn ly lớn như hộ ông Nguyễn Văn Dư (tổ 6) năm nay thuê đất gần thị xã Sơn Tây trồng vài chục mẫu ly; hộ ông Nguyễn Phan Đoàn (tổ 6) cũng trồng vài chục mẫu đều là những người có kinh nghiệm lâu năm trồng hoa ở Tây Tựu, nhưng dù có tính toán kỹ lưỡng đến đâu thì vẫn thua thời tiết. Mấy năm nay, người dân Tây Tựu đầu tư vào trồng hoa ly rất lớn. 

Giống hoa ly rất đắt, trên 100 triệu/sào, vì thế đa phần người trồng hoa đều phải vay vốn ngân hàng. Ngoài diện tích ở Tây Tựu họ còn thuê thêm đất ở nhiều địa phương khác như Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, Quốc Oai, Đông Anh, Mê Linh để trồng ly và nhiều loài hoa khác. 

Theo bà Nguyễn Thị Lan, Phó chủ tịch UBND phường Tây Tựu thì đất trồng hoa ở Tây Tựu ngày một thu hẹp do phải giải phóng mặt bằng để xây dựng nhiều dự án. Năm 2017, Tây Tựu 2 bị “mất” 15h đất nông nghiệp, chỉ còn 150ha, trong đó diện tích trồng hoa chiếm 80%. Riêng diện tích đất trồng hoa ly (cộng cả đất đi thuê) là 280ha. 

Người trồng hoa ly ở Tây Tựu đang lo lắng trước thời tiết bất thường.

Ngóng trông thời tiết

Không chỉ hoa ly mà vựa hoa Tây Tựu còn nổi tiếng với các loài cúc, hồng, thược dược, phăng… nhưng cũng nằm trong cảnh “nín lặng” chờ Tết. 

Chỉ vào vườn cúc một màu xanh ngắt chưa có nụ, bà Nguyễn Thị Nhị, ở HTX số 2 lo lắng: “Nếu rét thì chúng không bật được nụ, còn nắng ấm thì chỉ một tuần nữa là nụ mở mắt, kịp bán Tết. Nhưng mưa rét thế này thì chưa chắc”.

 Tới một vườn hồng ở HTX số 1, chúng tôi gặp một đôi vợ chồng đang cắt hoa bán. Anh Nguyễn Văn Thắng vừa đem hoa hồng cắt được để chuẩn bị bán buôn cho biết: “Vườn nhà tôi Tết vẫn có hoa bán nhưng không nhiều”. 

Đang chăm sóc vườn thược dược ở cách đó không xa, khi chúng tôi hỏi về vườn hoa của anh dự kiến nở đúng Tết hay không, anh Phạm Văn Tuấn cho biết: “Khi trồng lứa hoa này đều tính toán bán vào Tết, đến nay đã đi được 70% chặng đường, còn từ giờ đến Tết ông trời có cho lộc hay không thì không biết”. 

Người trồng hoa chỉ trông chờ vào vụ Tết vì giá hoa đắt gấp đôi, gấp ba ngày thường. Nhưng mọi tính toán chỉ là tương đối, bởi thắng hay thua thì phần nhiều do thời tiết quyết định. 

Đưa ra giả thiết nếu từ 25 Tết mà có nắng ấm thì hoa có kịp nở vào 29 và 30 Tết hay không, ông Nguyễn Văn Nhâm cho biết: “May ra thì kịp nhưng chỉ được một số, còn hoa ly thì hơi khó. Ngay cả hoa đồng tiền chỉ 2 ngày bẻ một lần nhưng rét thế này cũng phải 5 ngày. Hoa cúc rét thì không bật mầm, bị vẹo”.

Hà Nội đang mưa rét, theo nhận định của ông Nhâm thì nếu rét liên tục trong 10 ngày hoa sẽ không được vụ Tết. Hiện giá hoa đang khá ổn định: hoa ly bán buôn tại Tây Tựu là 250-350 nghìn đồng/10 cành; cúc vàng 150-200 nghìn đồng/50 bông. Đến Tết, giá hoa bán lẻ dự kiến sẽ tăng cao, hoa ly lên tới 50 – 60 nghìn đồng/cành, thậm chí 70 nghìn.

Trần Hằng

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

Chuyên gia khí tượng thủy văn cảnh báo, các ngày nắng nóng nhất sẽ vào ngày 29/4 và 30/4. Nhiệt độ khí tượng có thể vượt kỷ lục từng được ghi nhận trước đây. Chuyên gia lưu ý, người dân nếu có đi chơi dịp nghỉ lễ nên hạn chế ra ngoài trời trong khung giờ từ 11h trưa đến 16h chiều trong các ngày 29 và 30/4.

Biết người dân vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) gặp khó khăn về nước sạch sinh hoạt, một số nhà hảo tâm ở huyện An Phú (tỉnh An Giang), phối hợp Ban Thanh niên Công an tỉnh Sóc Trăng đã chở nước sạch đến hỗ trợ bà con.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng cứ mỗi dịp 30/4, khi nhân dân cả nước kỷ niệm, ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc thì trên mạng xã hội, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị tái diễn điệp khúc xuyên tạc về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng như bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文