Nhà mạng sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật khi để lộ thông tin của khách hàng
- Tiếp tục cảnh báo lộ, lọt bảo mật thông tin khách hàng trên ATM
- Tăng cường kiểm tra đối chiếu thông tin khách hàng tại cửa lên tàu bay
Hiện quy trình quản lý thông tin thuê bao tại VinaPhone đang được tuân thủ theo các quy định chặt chẽ của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và các quy định bảo mật thông tin của Nhà nước.
Theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP, tất cả thuê bao di động đều phải có thông tin chính xác (họ và tên, CMND, ngày cấp và nơi cấp…) bao gồm cả thông tin về đối tượng sử dụng số thuê bao đó và ảnh chụp chân dung của chủ thuê bao.
Quy định sẽ có hiệu lực từ ngày 24-4-2018. Sau đó, các cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo.
Thực hiện nghị định này, để hỗ trợ khách hàng hoàn thiện hồ sơ thuê bao theo quy định trong Nghị định 49, VinaPhone sẵn sàng chuẩn bị các phương án hỗ trợ kịp thời hỗ trợ khách hàng hoàn thiện thông tin thuê bao theo quy định.
Từ Nghị định này, không ít người bày tỏ lo lắng về việc chụp ảnh chân dung, cung cấp thông tin cho nhà mạng làm sao bảo đảm được bảo mật thông tin cho khách hàng.
Trước tình hình đó, VinaPhone cam kết: Quy trình quản lý thông tin thuê bao tại VinaPhone đang được tuân thủ theo các quy định chặt chẽ của Bộ TT&TT, và các quy định bảo mật thông tin của Nhà nước.
VinaPhone khẳng định, thông tin thuê bao được đăng ký, lưu giữ thống nhất, tập trung, tin cậy, sử dụng đúng mục đích và đảm bảo bí mật thông tin thuê bao theo quy định của pháp luật.
Nếu thông tin khách hàng bị lộ, được xác minh chính xác nguồn tin từ phía VinaPhone, nhà mạng sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, việc bảo vệ thông tin cá nhân còn là trách nhiệm của cá nhân đó, vì vậy VinaPhone mong muốn khách hàng cẩn trọng hơn trong việc bảo mật thông tin cá nhân của mình.