Nhà vườn miền Tây chủ động trong mùa lũ

07:10 24/09/2018
Những ngày qua, lượng nước đổ về các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng nhanh, cộng với triều cường khiến nhiều diện tích sản xuất đứng trước nguy cơ ngập úng. Để bảo vệ mùa màng, nhà vườn đã chủ động đắp đê bao khu vườn, gia cố đê bao, hệ thống cống, đập, thu hoạch sớm để chạy lũ…


Theo Trạm Thủy lợi huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), hiện mực nước cao hơn 25-35cm so với cùng kỳ năm trước. Với mực nước như hiện nay, một số đê bao xung yếu của các nhà vườn bị đe dọa. Do đó, ngoài việc theo dõi diễn biến thời tiết, các nhà vườn đã chủ động gia cố lại đê bao, kiểm tra cống bọng, máy bơm nước sẵn sàng bơm thoát nước khi cần thiết.

Đối với vụ mía năm 2018 - 2019 này, toàn huyện sản xuất khoảng 7.500ha (là địa phương có diện tích mía lớn nhất ĐBSCL); trong đó có khoảng 1.000ha ở các xã Hòa An, Hòa Mỹ… có nguy cơ bị ngập lũ trong những ngày tới do đê bao chưa an toàn. Hiện một số nơi nước lũ đã ngấp nghé tràn qua bờ mía, vì vậy nông dân đã thu hoạch gần 300ha mía bán cho thương lái đưa đi ép nước mía với giá 700 đồng/kg.

Theo kế hoạch, kết thúc tháng 9 này, huyện Phụng Hiệp sẽ thu hoạch khoảng 1.500ha mía; đồng thời để tránh tình trạng mía bị ngập lũ gây thiệt hại cho nông dân, ngành chức năng huyện Phụng Hiệp đã thông báo cho các nhà máy ở Hậu Giang sớm thu mua mía nguyên liệu của nông dân.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết tỉnh đang kêu gọi các nhà máy đường trong tỉnh cố gắng thực hiện việc bao tiêu hết diện tích mía trong dân. Đồng thời xem xét thời gian vào vụ hợp lý vì năm nay dự báo tình hình lũ diễn biến phức tạp.

Nhà vườn miền Tây Nam Bộ chủ động gia cố đê bao bảo vệ sản xuất, vườn cây trong mùa lũ.

Tại TP Cần Thơ, thủy triều lên cao khiến nhiều nhà vườn tại Cồn Khương (khu vực 3 sông Hậu, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều) tự làm đê bao bảo vệ vườn cây. “Do địa bàn không có kênh để xáng vào cạp đất được nên tôi thuê nhân công vác từng thùng đất đổ vào, sau đó dùng cao su bọc quanh, với tổng chi phí hơn 30 triệu đồng cho diện tích hơn 2.000m2.

Nhờ đê bao được hình thành từ 20.000 thùng đất, gần 100 gốc xoài 3 màu của gia đình được đảm bảo an toàn”, nông dân Bùi Văn Hên, cho biết. Huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) có 2 tuyến đê bao gồm tuyến Tắc Ông Thục, tuyến đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái xã Nhơn Ái và 5 vùng đê bao phục vụ sản xuất nông nghiệp ở các xã, thị trấn với tổng chiều dài trên 410km, bảo vệ khoảng 95% diện tích sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Theo ngành nông nghiệp huyện Phong Điền, với tình hình lũ kết hợp triều cường làm nước dâng cao xấp xỉ mức báo động 3, nước tràn vào 5% diện tích sản xuất chưa được đê bao, một số điểm trên tuyến lộ 918 đoạn qua xã Giai Xuân, tuyến Vòng Cung đi qua xã Tân Thới và một số tuyến giao thông nông thôn xuống cấp có nguy cơ bị ngập, nước tràn vào một số vùng sản xuất nông nghiệp của người dân.

Ông Nguyễn Út Em, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, cho biết với diện tích cây ăn trái thuộc vùng đê bao không chắc chắn, huyện hướng dẫn người dân xử lý trước lũ. Đối với các loại cây đang thu hoạch, hiện nằm trong khu đê bao an toàn, người dân tự bơm nước tập thể chăm sóc. Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân, tùy loại cây, cần cắt tỉa bớt cành, chồi vượt để hạn chế tiêu hao chất dinh dưỡng và tạo sự thông thoáng, hạn chế nấm bệnh hại tấn công cây. Chú ý nạo vét kênh rạch, dọn sạch cỏ để sẽ tiêu thoát nước dễ dàng trong mùa lũ.

Trần Lĩnh

Nhiều tháng không có mưa khiến cuộc sống và sinh hoạt của người dân tại các xã Lục Khu, huyện Hà Quảng, Cao Bằng rơi vào tình trạng hết sức khó khăn do thiếu nước trầm trọng. Trước tình hình đó, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Cao Bằng không quản ngại khó khăn, kịp thời triển khai nhiều đợt tiếp nước miễn phí đến tận các bản làng xa xôi.

Chỉ giảm 1 phiên thăm dò, giá vàng hôm nay lại quay đầu tăng khi niềm yêu thích kim loại quý của nhà đầu tư lại lên ngôi.

Những ngày này, khắp các ngả đường ở TP Hồ Chí Minh ngập tràn cờ hoa, khẩu hiệu và không khí hân hoan chào mừng 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025). Từ các hoạt động diễu binh, diễu hành, biểu diễn nghệ thuật đến những chương trình giao lưu, triển lãm, thành phố mang tên Bác đang sống trong những thời khắc lịch sử hào hùng, đầy xúc động và tự hào.

Ngoài 131 tỷ đồng hỗ trợ tỉnh Cao Bằng xoá nhà tạm, nhà dột nát theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đang phối hợp UBND tỉnh Lai Châu để thống nhất chủ trương hỗ trợ xây dựng mới 1.100 căn nhà, trị giá 66 tỷ đồng; triển khai chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La từ nguồn kinh phí 1,3 tỷ đồng của Bộ Công an hỗ trợ xây dựng nhà cho đồng bào bị thiệt hại do thiên tai chuyển sang.

Ngày đặc xá năm 2025 nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) đang tới gần, đây là cơ hội để các phạm nhân được hưởng niềm vui sớm trở về đoàn tụ với gia đình, cộng đồng xã hội, sẵn sàng cho cơ hội làm lại cuộc đời.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.