Nhiều cách làm hay đưa người chấp hành xong án phạt tù hòa nhập cộng đồng

08:17 12/11/2019
Thời gian qua, Công an tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều cách làm hay giúp đỡ, hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương hòa nhập cộng đồng, tạo điều kiện cho họ xa rời “đường cũ”, làm ăn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.    


Điển hình trường hợp anh T. (SN 1984, ở thôn Suối Loa, xã Ba Động, huyện Ba Tơ), sau khi chấp hành xong 3 năm tù giam về tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, anh trở về địa phương với bao mặc cảm, tự ti. 

Tuy nhiên, được sự động viên, chia sẻ của lực lượng Công an, chính quyền địa phương anh đã dần hòa nhập cộng đồng; tham gia mô hình “Vườn ươm tiếp sức hoàn lương” do Công an huyện Ba Tơ phối hợp với xã Ba Động thành lập. 

Được lực lượng Công an, lãnh đạo chính quyền địa phương giúp đỡ, động viên, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ đất ươm, anh đã học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm để phát triển nghề. Giờ đây, anh đã có được vườn ươm, với nguồn thu nhập ổn định để phát triển cuộc sống; còn giúp cho 7 người dân ở địa phương có thêm việc làm... 

Mô hình “Vườn ươm tiếp sức hoàn lương” của Công an huyện Ba Tơ.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Lữ Tấn Minh, cán bộ Đội Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an huyện Ba Tơ, cho hay: Ba Tơ nằm trong danh sách 62 huyện nghèo nhất nước, trình độ dân trí chưa cao, người dân chủ yếu sống phụ thuộc vào nông, lâm nghiệp, lao động tự do. 

Trên địa bàn huyện lại thiếu các cơ sở đào tạo ngành, nghề; các doanh nghiệp không có quy mô sản xuất lớn, việc sử dụng nguồn lao động địa phương còn nhiều hạn chế cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tái hòa nhập cộng đồng, phát triển việc làm của người được đặc xá, tù tha về và tha tù trước thời hạn có điều kiện. 

Trước tình hình đó và qua sự khảo sát nguyện vọng của người chấp hành xong án phạt tù về địa phương, điều kiện địa hình, kinh tế, Công an huyện đã tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền địa phương thành lập mô hình “Vườn ươm tiếp sức hoàn lương”, nhằm mục đích giúp cho người được đặc xá, tù tha về và tha tù trước thời hạn có điều kiện khi trở về xóa bỏ tâm lý mặc cảm, tự ti, có điều kiện làm ăn, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. 

Tháng 2-2017, mô hình “Vườn ươm tiếp sức hoàn lương” chính thức ra mắt, đi vào hoạt động tại thôn Suối Loa, xã Ba Động. Ban đầu, mô hình có 3 thành viên tham gia với mục đích chính hỗ trợ kỹ thuật, đất ươm cây keo con để phục vụ việc trồng rừng. 

Đến nay, mô hình đã có thêm một số thành viên đều là người chấp hành xong án phạt tù. 

“Ngoài giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù khi trở về địa phương có điều kiện phát triển kinh tế, thông qua mô hình còn tạo sự gần gũi của cán bộ, cơ quan Thi hành án hình sự với người chấp hành xong án phạt tù; giúp tác động ý thức của họ, góp phần đảm bảo ANTT tại cơ sở. Cùng với đó, mô hình còn giúp tạo điều kiện công ăn việc làm cho người dân tại địa phương”, Trung tá Minh nói.

Theo Trung tá Võ Văn Đạo, cán bộ Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Quảng Ngãi, hằng năm, Công an tỉnh Quảng Ngãi đều chỉ đạo, hướng dẫn Công an các huyện, thành phố trực thuộc thực hiện tiếp nhận, quản lý, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù; phối hợp tổ chức dạy nghề, tư vấn pháp luật cho phạm nhân đã và sắp chấp hành xong án phạt tù. Đến nay 100% người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương được tiếp nhận, lập hồ sơ theo dõi, quản lý, giáo dục, giúp đỡ theo quy định. Đa số người chấp hành xong án phạt tù chưa xóa án tích đều chấp hành chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước và có khoảng 80% đã có việc làm. 

Ngoài mô hình “Vườn ươm tiếp sức hoàn lương” của Công an huyện Ba Tơ, còn có nhiều mô hình khác mang lại hiệu quả cao, như mô hình “Tiếp sức hoàn lương” của Công an huyện Nghĩa Hành, kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ với số tiền trên 100 triệu đồng giúp đỡ nhiều người hoàn lương phát triển kinh tế. Hay mô hình “Chung tay xây dựng cuộc sống tươi đẹp” của Công an TP Quảng Ngãi vận động các nhà hảo tâm ủng hộ tiền mua 30 xe máy tặng cho người chấp hành xong án phạt tù về địa phương có hoàn cảnh khó khăn. 

Ngoài ra còn có chương trình “Vì quê hương Đức Phổ bình yên” (huyện Đức Phổ) huy động tặng quà cho con của người chấp hành xong án phạt tù có hoàn cảnh khó khăn; tặng con bò giống, bê con cho người chấp hành xong án phạt tù. Các tổ tự quản, như: “Quản lý, giáo dục giúp đỡ người hoàn lương”, “Nói chuyện người thân, gia đình người vi phạm pháp luật”, “Nhóm nòng cốt” của huyện Bình Sơn đã giúp đỡ, cảm hóa, giáo dục 221 đối tượng chấp hành xong án phạt tù không vi phạm pháp luật, hỗ trợ cho vay vốn để phát triển kinh tế 3 trường hợp, tư vấn, định hướng việc làm cho 160 trường hợp... 

Hiện tại, Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Quảng Ngãi đang tiếp tục phối hợp cùng với các sở, ban, ngành tiếp tục triển khai đề án “Bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù” nhằm góp phần tích cực vào công tác phòng ngừa tội phạm, bảo đảm an ninh chính trị và TTATXH địa phương.

Hà Vy

Hiện nay, một số mô hình quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT) thu hút được sự tham gia tích cực của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh và các quận, huyện, phường trong công tác này. Tuy nhiên, hoạt động thực tế gặp không ít khó khăn, hạn chế, chưa có cơ chế bền vững về nguồn lực để hỗ trợ người CHXAPT có công ăn, việc làm để ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng…

Nhiều khu đất lớn đang trong giai đoạn chính quyền TP Đà Nẵng rao bán đấu giá bị doanh nghiệp ngang nhiên lấn chiếm làm công trình, bãi tập kết máy móc, vật liệu xây dựng. Thậm chí, có trường hợp chiếm đất công rồi tổ chức cho người khác đổ xà bần, rác thải để thu tiền theo đầu xe. Đã có trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự... 

Cơn bão Man-yi, hiện cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 2.000 km được đánh giá là cơn bão mạnh cấp 15, giật trên cấp 17, có khả năng tiến vào Biển Đông trong ngày 18/11.

Không chỉ nhiều lần phớt lờ chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về vấn đề quản lý đất công như Báo CAND đã phản ánh vào ngày 9/11, tại Phân viện Thanh Thiếu niên miền Nam (TP Thủ Đức - TP Hồ Chí Minh) thuộc Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam còn để xảy ra tình trạng công trình trị giá 34 tỷ đồng được đầu tư bằng vốn ngân sách sau 15 chưa quyết toán xong và có nguy cơ phải đập bỏ do xây dựng không phép…

"Không thể để Thủ đô cứ mưa lớn lại ngập, trong nội đô ngập, ở ngoại đô, người dân phải chèo thuyền vào tầng 2 nhà mình",  TS Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát biểu như vậy tại Hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” được tổ chức sáng 14/11 tại Hà Nội.

Ngày 14/11, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bình Dương cho biết đã có kết luận điều tra về đường dây chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng số lượng lớn do bị can Lềnh Chi Và (SN 1984) và Nguyễn Trung Hiếu (SN 1991), cùng ngụ tại huyện Định Quán (Đồng Nai) thực hiện hành vi phạm tội.

Trưa 14/11, Giải đua ghe Ngo trong Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực ĐBSCL lần thứ 6 và Tuần VH-TT&DL Sóc Trăng lần thứ 1 năm 2024 chính thức khai mạc tại Khán đài đua ghe Ngo (sông Maspero, TP Sóc Trăng), với sự tranh tài của 60 đội ghe Ngo (53 đội nam, 7 đội nữ) đến từ các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文