(NGHỊCH LÝ) Dân Thủ đô vẫn “khát” nước sạch
- Người dân kêu cứu vì mua nước sạch mà bẩn như "nước cống"
- Lãng phí từ các công trình nước sạch bị bỏ hoang
- Công trình cấp nước sạch tiền tỷ nhưng kém hiệu quả
- Bi hài ở khu tái định cư: Mua nước sạch chỉ để tắm cho lợn
Dân “khát” nước sạch nhưng dự án chậm trễ
Theo báo cáo của UBND huyện Gia Lâm, huyện có khoảng 270.000 dân, trong đó, 18/22 xã, thị trấn đã được cấp nước sạch và 189.786 người dân được sử dụng nước sạch, chiếm tỷ lệ 70,1%. Hệ thống nước sạch trên địa bàn gồm có 5 công trình tập trung từ nguồn vốn mục tiêu Quốc gia và vệ sinh môi trường nông thôn, chương trình 134, 135...
Trong đó, có 2 công trình hoạt động ổn định, 3 công trình đang triển khai. Chủ tịch UBND huyện Lê Anh Quân cho biết, trên địa bàn huyện còn 4 xã chưa có nước sạch, 4 xã được cấp nước một phần. Nếu phân theo nguồn cấp nước, có 5 trạm cấp nước cục bộ.
14 xã được sử dụng nguồn cấp nước tập trung từ Nhà máy nước Gia Lâm và Nhà máy nước Yên Viên. Chỉ duy nhất Trạm cấp nước Bát Tràng sử dụng tốt, còn các trạm cấp nước khác hoạt động không hiệu quả. Theo đó, đối với 4 xã hiện “trắng” nước sạch, huyện sẽ xây dựng trạm cấp nước cục bộ cung cấp cho 4 xã này, đảm bảo cung cấp nước cho 100% dân số.
Nhiều vùng ở ngoại thành Hà Nội vẫn “khát” nước sạch. |
Tại buổi làm việc với đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội mới đây, ông Quân kiến nghị các sở, ngành liên quan xem xét giá lắp nước sạch để ứng trước cho nhà đầu tư; đồng thời có cơ chế hoàn trả lại vốn cho đơn vị đầu tư. Đối với những dự án cấp nước chậm tiến độ, đề nghị HĐND TP kiến nghị UBND TP xem xét thay thế nhà đầu tư khác đủ năng lực.
Cũng tại buổi làm việc, ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban đô thị HĐND TP Hà Nội yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch, tiến độ cụ thể để có sự giám sát, kiểm tra. Về ý kiến nhiều hộ dân chưa tin tưởng sử dụng nước sạch, ông Nguyễn Nguyên Quân yêu cầu các nhà đầu tư phải bổ sung công nghệ lọc để nâng cao hơn nữa chất lượng nước sạch.
Còn trên địa bàn huyện Mê Linh hiện có 16 xã và 2 thị trấn với dân số trên 180.000. Nhưng đến nay, số hộ dân đã được sử dụng nước sạch là 6.190 hộ. Để cấp nước sạch cho 12 xã còn lại trên địa bàn, trong năm 2017 và 2018, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án cấp nước sạch trên địa bàn huyện Mê Linh gồm: Dự án cải tạo, nâng công suất nhà máy nước Bắc Thăng Long đạt công suất 150.000m3/ngày đêm và phát triển mạng lưới cấp nước, do Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng cấp nước sạch liên xã do liên danh Công ty Cổ phần nước sạch nông thôn Thái Bình và Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Năng lượng làm chủ đầu tư. Hiện tại các dự án đang trong quá trình triển khai thực hiện.
Người dân chưa mặn mà vì điều kiện khó khăn
Qua khảo sát, đa số người dân huyện Mê Linh đều ủng hộ và mong muốn sớm được sử dụng nước sạch. Ông Nguyễn Nguyên Quân chỉ ra những tồn tại, đó là: Đối với các trạm cung ứng nước sạch hiện có, ví dụ như trạm cung ứng nước sạch Thanh Lâm, do được đầu tư từ những năm trước đây nên đã xuống cấp, tỷ lệ thất thoát nước rất lớn, chất lượng nước không ổn định giữa nguồn cấp và các hộ dân sử dụng trong quá trình truyền tải. Bên cạnh đó, công tác quản lý vận hành đối với những trạm này còn nhiều hạn chế, bất cập chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, quy định của pháp luật. Tỷ lệ hộ dân được cấp nước đối với các trạm được thiết kế trên địa bàn còn rất thấp, tại huyện Mê Linh mới chỉ đạt gần 11%. Tiến độ thực hiện các dự án còn chậm, nếu không cố gắng sẽ khó đáp ứng theo đúng yêu cầu.
Trên địa bàn huyện Đan Phượng hiện có 4 trạm cấp nước đang hoạt động là Trạm cấp nước Tân Hội, Trạm cấp nước thị trấn Phùng, Trạm cấp nước xã Tân Lập và Trạm cấp nước khu đô thị Tân Tây Đô. Tính đến ngày 30-6-2018, 4 trạm này đang phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho 5 xã, thị trấn với tổng công suất các trạm 6.550m3/ngày, đêm, tổng số hộ dân được lắp đồng hồ nước là 11.791 hộ dân trên tổng số 44.704 hộ dân.
Đặc biệt, trên địa bàn huyện đang triển khai Dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng với diện tích 20,4ha, công suất thiết kế đạt 300.000m3/ngày, đêm, dự kiến đến năm 2020 hoàn thành dự án sẽ đảm bảo cung cấp nước cho huyện Đan Phượng và các huyện phía Tây thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên, khó khăn mà huyện Đan Phượng nêu ra là tại 5 xã đã có mạng lưới cấp nước thì chưa đạt 100% người dân lắp đặt đồng hồ nước do người dân chưa có nhu cầu dùng nước máy, một số ngõ xóm chưa lắp đặt được đường ống nước. Ngoài ra, còn khoảng 28.200 hộ dân của 11 xã chưa được sử dụng nước sạch do chưa triển khai được mạng lưới cấp nước hoàn chỉnh phục vụ nhân dân.
Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Hoàng kiến nghị HĐND TP có cơ chế chính sách hỗ trợ cho nhân dân, doanh nghiệp khai thác, cung cấp nước tại các khu vực nông thôn khó khăn trong phát triển mạng lưới như địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, nhu cầu sử dụng từng hộ dân thấp nên khó khăn cho công tác đầu tư.
Ngoài ra, để giải quyết nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân, huyện đề nghị thành phố xem xét sớm phê duyệt chủ trương dự án triển khai đầu tư mạng lưới tại 8 xã gồm: Trung Châu, Thọ An, Thọ Xuân, Hạ Mỗ, Hồng Hà, Liên Hồng, Liên Hà, Liên Trung.