Nhọc nhằn cảnh “lụy phà” đến trường

09:25 08/10/2018
Ít ai nghĩ rằng ở khu vực trung tâm của TP Hồ Chí Minh như quận 8 nhưng học sinh đi học vất vả do phải “lụy phà”. Trên dòng kênh nước đen kịt, nặng mùi hôi, hàng trăm học sinh đi đi, về về mỗi ngày.

Có mặt tại bến phà trên sông Cần Giuộc (phường 7, quận 8) vào lúc 6h sáng một ngày đầu tháng 10-2018, chúng tôi không thể tưởng tượng được rằng những chiếc phà đang di chuyển trên dòng nước đen kịt, bốc mùi hôi khó chịu lại là “người bạn” quen thuộc của hàng trăm học sinh của khu phố 6, phường 7, quận 8.

Ngay từ lúc tờ mờ sáng, các em đã phải “lụy phà” sang trung tâm của phường để học. “Ở đây có 3 chiếc phà thường xuyên chạy đưa khách sang sông, nhưng do là ngã ba sông nên có 3 bến phà. Do đó, mỗi chiếc phà phải chạy qua 3 bến để trả và đón khách, nên làm mất khá nhiều thời gian cho mỗi lần đi phà”, anh nhân viên phà cho biết.

Đứng trên phà cùng con, anh Tuấn (nhà ở khu phố 6) cho biết, sở dĩ “ở một nơi, học một nơi” là do từ nhà anh ở đi phà sang bên xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh nhanh và thuận tiện hơn “nhảy phà” sang bên trung tâm phường 7. “Nếu qua trung tâm phường 7, vẫn cũng phải đi phà, đợi lâu. Còn nếu không đi phà, đi đường bộ theo đại lộ Nguyễn Văn Linh cũng mất ít nhất nửa tiếng đến 45 phút đồng hồ. Hơn nữa, chúng tôi làm việc An Phú Tây mà đưa con đi học bên khu vực trung tâm phường 7 thì nghịch đường, rất bất tiện”, anh Tuấn nói thêm.

Học sinh thường phải đến trường bằng phà trên sông Cần Giuộc, phường 7, quận 8.

Bước lên phà trở lại khu phố 6, chúng tôi đi vào con hẻm nhỏ bên tay trái nằm sát sông Cần Giuộc tìm đến Trường Tiểu học An Phong. Đến nơi rồi mới biết, trường này hiện không còn hoạt động mà nó trở thành nơi làm việc của Ban điều hành khu phố. Hỏi sao trường học này không được sửa chữa lại, cho học sinh mỗi ngày không phải hai ba lần “lụy phà” vất vả, một người dân cho biết do khu vực này bị vướng quy hoạch. “Làm nơi dạy học tiếp thì không ổn, đập bỏ thì lãng phí nên chính quyền địa phương đã biến một nửa ngôi trường còn lành lặn này làm trụ sở làm việc của Ban điều hành khu phố 6”, người dân cho biết.

Anh Huỳnh Văn Quý (khu phố 6) bức xúc nói: “Từ khi có quyết định bồi thường của dự án, con tôi mới học lớp 2, đến nay con tôi đã học đại học năm thứ 2 mà vẫn chưa thấy tiền nong gì cho người dân. Chính do vướng quy hoạch nên trong khu vực này không có trường lớp gì cả. Muốn học thì phải đi qua phà sang phường hoặc xã khác để học. Đi bộ theo đại lộ Nguyễn Văn Linh thì rất xa, nghịch đường, luôn chen chúc ôtô, xe tải, container; còn đi phà thì cũng mất nhiều thời gian đợi phà, trẻ nhỏ tự đi học qua phà rất nguy hiểm”.

Theo chân người dân khu phố 6, chúng tôi đi một vòng trong khu vực mà bà con nói rằng “nằm trong dự án”. Đó là khu đất một bên là đường Nguyễn Văn Linh, một bên giáp với xã An Phú Tây (huyện Bình Chánh), còn 2 mặt giáp với sông Cần Giuộc. Đất đai ở đây bỏ hoang, cỏ và cây tạp mọc um tùm, đường sá xuống cấp, rác rưởi tràn ngập, nhiều chỗ nước tù đọng đen kịt và có nhiều căn nhà “ổ chuột” rách nát, tạm bợ. Khu vực này cũng nằm lọt thỏm giữa một bên là Trung tâm thương mại Bình Điền nhộn nhịp, sầm uất, bên kia sông là trung tâm phường 7.

Chỉ tay vào khu đất để trống, toàn cỏ dại nằm gần dự án khu dân cư Bình Điền, anh Trung cho biết: “Chúng tôi từng nghe nói chỗ này quy hoạch trường học nhưng từ rất lâu nó vẫn là bãi đất trống đầy cỏ như thế. Coi như dân trong vùng quy hoạch này khổ tới hai lần – vừa nằm trong vùng quy hoạch treo vừa vất vả tìm chỗ học cho con cái...”.

“Khi chưa quy hoạch, người dân nơi đây trồng 2 vụ lúa, rồi chăn nuôi, tuy cuộc sống có khó khăn nhưng còn có ruộng để làm, có nhà để ở. Từ khi quy hoạch đến nay, đất đai bỏ hoang vì nước bị ô nhiễm và không biết khi nào Nhà nước lấy đất nên không ai canh tác, nhà hư hỏng mà không có tiền sửa chữa; một số hộ ở (khu E) được bồi thường theo dạng “nhỏ giọt” rồi ngưng, bây giờ mắc nợ và phải đi ở thuê, con cái học hành dở dang; còn khu D thì chưa thấy nhúc nhích gì cả”, ông Nguyễn Văn Phàn, Bí thư khu phố 6 trăn trở.

Trao đổi với PV Báo CAND về quy hoạch mà người dân nhắc đến, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND phường 7 cho biết, đó là dự án xây dựng Trung tâm lưu chuyển hàng hóa 2 (khu E và Khu D).

“Dự án này kéo dài đã lâu mà không thấy bồi thường, hỗ trợ gì cho người dân. Sự kéo dài này không những làm ảnh hưởng đến đời sống của bà con mà còn ảnh hưởng đến chuyện học hành của học sinh. Chúng tôi đã nhiều lần làm văn bản kiến nghị trên nhưng đến giờ vẫn chưa thấy giải quyết. Hiện trong khu vực dự án này có trên 300 học sinh các cấp phải đi qua phà hoặc đi đường Nguyễn Văn Linh đến các trường ở bên trung tâm của phường 7 hoặc một số nơi khác để học”, ông Minh nói thêm.

Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 8-12-1994 của Thủ tướng Chính phủ, trong 5 cụm đô thị trong khu đô thị mới Nam TP Hồ Chí Minh thì vị trí của khu D, Khu E và một phần khu C nằm trên địa bàn phường 7, quận 8 (Khu A hiện là Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7; khu B và phần còn lại của khu C thuộc huyện Bình Chánh). Theo quyết định quy hoạch, khu E và D sẽ được xây dựng Trung tâm lưu chuyển hàng hóa 1 và 2.

Khu E có diện tích gần 46ha, có 326 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng nhưng đến nay còn 112 trường hợp chưa đồng ý nhận tiền bồi thường. Còn khu D có diện tích trên 62ha, đã hiệp thương vào năm 2006 và người dân đồng ý bồi thường, nhưng đến nay chủ đầu tư chưa chi trả tiền. Năm 2013, UBND TP Hồ Chí Minh có thông báo tạm ngưng chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân đồng ý nhận tiền ở dự án này.

Dự án đã có thông báo thu hồi đất và bồi thường nên người dân không thể sang nhượng hay xây cất nhà, đã gây rất nhiều khó khăn cho các hộ dân nơi đây. UBND TP Hồ Chí Minh cũng đang xem xét giải quyết kiến nghị của nhà đầu tư để xác định nguồn vốn chi trả bồi thường tiếp dự án khu E. Riêng khu D thì chính quyền địa phương cũng “chưa biết khi nào mới tiến hành chi tiền bồi thường”.


Nhân Sơn

Các đối tượng trong vụ án còn liều lĩnh phát hành hợp quy “khống” cho các thang máy, thiết bị sàn nâng người của các công trình xây dựng chung cư cao tầng phục vụ dân sinh. Việc làm trên của các đối tượng là hành vi cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ của người lao động, người sử dụng thiết bị máy móc và người dân.

Dù có trụ sở sản xuất tại Hà Nội, nhưng sữa bột giả đã tung ra khắp các tỉnh, thành khi "hệ sinh thái" của Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group (Công ty Hacofood Group) và Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma (Công ty Rance Pharma) mở các chi nhánh ở nhiều địa phương. Tại Hòa Bình, các công ty này đã đăng ký công bố hàng trăm sản phẩm. Sữa giả không chỉ thuê người nổi tiếng quảng cáo, mà còn được đưa vào cơ sở y tế bán cho người bệnh.

PV Báo CAND băng theo lối mòn đã hằn dấu vết chân người, len giữa những thân cây còn vương nhựa mủ bị cứa bởi rìu, nghe mùi đất mới trộn lẫn với mùi xăng dầu hắt lên từ hốc đá. Rừng Vĩnh Ô, nằm ở Tây Vĩnh Linh (Quảng Trị), nơi từng là vành đai phòng hộ của cả một vùng đầu nguồn, giờ thở dốc dưới những mái lán phủ bạt xanh, những hầm hố khoan sâu vào lòng đất như vết thương không bao giờ lành miệng.

Theo đề xuất, giai đoạn 2016 - 2030 xét đến năm 2035, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh sẽ có 46 dự án năng lượng được đưa vào quy hoạch để xây dựng, bổ sung khoảng 14.500MW vào nguồn điện quốc gia. Tuy nhiên, sau hơn 7 năm kể từ khi dự án điện mặt trời đầu tiên được chấp thuận đầu tư, đến nay trên địa bàn mới chỉ có 2 dự án hoàn thành, đưa vào vận hành thương mại, số còn lại vẫn đang nằm trên giấy.

Vườn Cau Đỏ (nay thuộc Quận 12, TP Hồ Chí Minh) trước đây là vùng chiến khu. 50 năm sau ngày giải phóng, từ vùng ven thuộc Hóc Môn, giờ nơi này đã trở thành đô thị khang trang, hiện đại, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày hôm qua (17/4), ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ đã có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất ngày có nơi trên 35 độ như: Yên Châu (Sơn La) 38,4 độ, Tương Dương (Nghệ An) 37,4 độ, Đông Hà (Quảng Trị) 37,5 độ, Sơn Hòa (Phú Yên) 37,4 độ… Độ ẩm tương đối thấp nhất, phổ biến 55-60%.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.