Những người 'tiếp sức' cho ngư dân vươn khơi bám biển

08:12 22/12/2015
Nhiều đời nay bên làng biển Đông Tác nằm ở phía tả ngạn hạ lưu sông Đà Rằng (thuộc phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, Phú Yên), những người thợ sửa chữa tàu thuyền vỏ gỗ nối tiếp các thế hệ vất vả mưu sinh như một duyên nghiệp.


Hạ tuần tháng 12-2015, tôi tìm đến làng biển Đông Tác khi họ đang tất bật với công việc cẩu kéo, sửa chữa hàng chục chiếc tàu vỏ gỗ chuyên nghề câu cá ngừ đại dương. Họ được ví như những người tiếp sức, giúp ngư dân vươn khơi bám biển mưu sinh và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Người tôi gặp đầu tiên là lão ngư Lương Thửng, trú ở khu phố 4, phường Phú Đông. Sắp đến tuổi 90 nhưng cụ vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh. Đứng giữa bãi bồi bên sông, bên biển, cụ Thửng nhớ lại: “Gần 60 năm qua, tui chọn đất này làm nơi hành nghề cẩu kéo tàu thuyền từ dưới sông lên bờ cát để những nhóm thợ mộc tiếp nhận tu sửa. Thời trước, hầu hết tàu thuyền có công suất nhỏ, hành nghề đánh bắt hải sản ven bờ, sau khi đưa tàu thuyền vào giàn gỗ có bánh xe hơi mới thao tác cẩu kéo bằng dây thừng nối với trục gỗ có tay quay bằng sức người.

Hơn 20 năm gần đây, ngư dân đầu tư đóng mới nhiều tàu thuyền có công suất lớn, đủ năng lực vươn ra khơi xa đánh bắt dài ngày trên biển nên hệ thống cẩu kéo cũng đổi mới, vận hành bằng máy kết nối với dây xích sắt, dây cáp.

Những con tàu được kéo lên bờ để sửa chữa.

Từ thời điểm đó, tui chuyển nghề cho hai người con trai là Lương Chàng và Lương Thanh Phong điều hành hai cơ sở cẩu kéo tàu thuyền. Nơi đây còn có hai cơ sở khác của ông Cao Minh Tuấn và Nguyễn Tri, vì mỗi năm ở bãi bồi này có trên 100 tàu đánh cá phải cẩu kéo lên bờ để sửa chữa”.

Tiếp lời người cha, ông Chàng cho biết: “Nghề cẩu kéo, sửa chữa tàu thuyền chỉ diễn ra trong mùa biển động, ngư dân không thể ra khơi đánh bắt hải sản. Chi phí cẩu kéo mỗi chiếc tàu lên bãi cát từ 1 đến 1,5 triệu đồng, tui nhận một nửa và phải nộp thuế mỗi tháng gần 600.000 đồng, nửa còn lại trả công cho những người tham gia”.

Chỉ tay ra phía hai bờ cát chắn sóng biển tràn qua lạch sông vừa mới đào đắp, ông Chàng cho biết: “Cách đây hai tháng, những đợt triều cường từ phía biển xô đập mạnh với nhiều đợt sóng cao dữ dội, phá vỡ một đoạn bờ cát liền kề nơi sửa chữa tàu thuyền, xuyên thủng qua sông, cắt đứt lối đi lại của ngư dân. Vì sự mưu sinh lâu dài nên gia đình tui phải tự thuê xe ủi đào đắp bờ cát chắn sóng với chi phí hơn 30 triệu đồng, cao hơn tổng mức thu nhập từ dịch vụ cẩu kéo tàu thuyền cả năm trời”.

Đề cập tới nghề sửa chữa tàu thuyền vỏ gỗ, ông Nguyễn Văn Lễ (61, trú ở khu phố 4, phường Phú Đông, chủ tàu đánh cá PY-9099 TS),  người đã từng bám biển mưu sinh từ thời niên thiếu, chia sẻ: “Sau một mùa đánh bắt, đến khi mưa bão, biển động mạnh kéo dài không thể ra khơi, chủ tàu nào cũng phải tranh thủ kiểm tra phương tiện hành nghề, thiết bị máy móc để sửa chữa, đến khi trời yên biển lặng sẽ chủ động ra khơi an toàn, hiệu quả. Lâu nay, ở làng biển Đông Tác không ai giao khoán sửa chữa trọn gói mà chỉ thuê thợ, trả tiền công. Tàu đánh cá của tui có công suất trên 400 CV, ngoài việc bảo dưỡng máy móc, năm nay tui phải sửa chữa vỏ tàu và khoang hầm bảo quản sản phẩm cá ngừ đại dương với mức chi phí ước tính hơn 200 triệu đồng, trong đó tiền gỗ 150 triệu đồng, phần còn lại là tiền công”.

Một thợ xảm đang vá tàu.

Anh Trần Hữu Mãn (40 tuổi, trú ở phường Phú Thạnh), một trong những người thợ đang sửa chữa tàu PY-90360 TS, tâm sự: “Nghề nào cũng có nỗi vất vả riêng, nghề sửa chữa vỏ tàu gỗ có thợ mộc và thợ xảm. Sau khi dọn lớp sơn bên ngoài, thợ mộc lắp ghép vỏ gỗ ở những vị trí cần sửa chữa xong, thợ xảm dùng những nắm sợi xơ mịn bào gọt từ cây tre xăm kín khe hở giữa những tấm vỏ gỗ trên thân tàu rồi sử dụng dầu chai lấy từ cây dầu rái để trét kín trước khi chà láng bằng máy cầm tay.

Nếu không ăn cơm trưa của chủ tàu, mỗi ngày thợ mộc được trả tiền công 320.000 đồng, thợ xảm 270.000 đồng. Tụi tui phải tất bật suốt ngày mới đủ để nuôi con ăn học, hết mùa biển động phải bươn chải kiếm sống ở nơi khác hơn nửa năm, vì thời điểm đó hầu hết tàu thuyền đã ra khơi, không còn việc để làm”.

Ông Võ Thiện Chiến (54 tuổi, trú ở khu phố 5, phường Phú Đông), một người thợ có hơn 20 năm trong nghề, chia sẻ: “Dù không nguy hiểm như nghề chẻ đá trên triền núi hay lặn biển bắt tôm cá ngoài khơi, nhưng chấn thương do té ngã, bất cẩn khi thao tác kỹ thuật là chuyện không thể tránh khỏi đối với những người thợ cẩu kéo, sửa chữa tàu thuyền vỏ gỗ. Ngoài tiền công mỗi ngày, tụi tui không có bảo hộ lao động, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể để chủ động chăm sóc sức khỏe khi ốm đau, tai nạn lao động... Gặp lúc xui rủi đến mức chui vào bệnh viện, thì vợ con phải vay mượn tiền bạc để lo liệu”.

Chia tay những người thợ cẩu kéo, sửa chữa tàu thuyền vỏ gỗ, lặng nhìn bãi bồi đã thu hẹp dần sau những mùa mưa bão bởi triều cường luôn là nỗi ám ảnh người dân làng biển Đông Tác, tôi chạnh lòng nghĩ đến câu nói rất chân tình của lão ngư Lương Thửng: “Ước gì các cơ quan chức trách đầu tư mở rộng bờ kè chắn sóng để ngư dân có nơi sửa chữa tàu thuyền, khi nơi đây chưa có một doanh nghiệp nào đảm nhiệm dịch vụ này”.

Phan Thế Hữu Toàn

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文