Niềm vui góp phần trả lại tên cho một nhà báo liệt sĩ

14:33 22/06/2018
Hai năm sau khi đi tập kết ra Bắc, ông đến với nghề báo. 16 năm sau đó, trong lúc đang trực bản tin thời sự, ông đã hy sinh khi máy bay Mỹ ném bom oanh tạc.

Sau ngày đất nước thống nhất, người thân ra Bắc viếng mộ, nhận lại nhiều di vật và khởi đầu hành trình đi tìm danh hiệu liệt sĩ cho ông. Hơn 34 năm sau ngày hy sinh, cố nhà báo năm xưa đã được Thủ tướng Chính phủ truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công.

Ông là Nguyễn Phụng Kỳ sinh trưởng ở thôn Xuân Phu, xã An Ninh – nay là An Ninh Tây, huyện Tuy An (Phú Yên) - vùng đất giàu truyền thống cách mạng, kiên cường trong kháng chiến.

Xung phong lên đường theo tiếng gọi non sông

Giữa năm 1947, Ủy ban Hành chính kháng chiến xã An Ninh ra đời, đảng viên Nguyễn Phụng Kỳ được phân công làm Trưởng ban Bình dân học vụ, Chi ủy viên phụ trách tuyên huấn xã. Hơn 7 năm sau, tháng 8-1954, ông Kỳ tạm biệt người vợ là Nguyễn Thị Chơi cùng 5 đứa con nhỏ để đi tập kết ra Bắc. Hai năm đầu, ông đảm nhiệm công tác cải cách ruộng đất ở Hà Tĩnh, Thái Bình, Quảng Ninh, nhưng với năng lực của một giáo viên, ông viết nhiều tin, bài cộng tác các cơ quan báo chí, nên cuối mùa thu năm 1956, ông được điều động công tác tại Đài truyền thanh Quảng Ninh. Với vai trò phóng viên, rồi biên tập viên, ông Kỳ năng động bám sát cơ sở để tác nghiệp hiệu quả, được nhiều đồng nghiệp cảm phục, nên ngoài công việc nhà báo, ông còn là Trưởng phòng Tổ chức – hành chính Đài truyền thanh Quảng Ninh.

Thời điểm đó, thân nhân duy nhất của ông Kỳ ở miền Bắc là cậu em trai Nguyễn Văn Thử - sĩ quan một đơn vị quân đội ở Hà Nội, nên năm nào ông Kỳ cũng dành vài ngày phép đi thăm em. Năm 1964, anh Thử trở lại chiến trường miền Nam.

Cuối đông năm 1972, trong lúc ông Thử đang chuẩn bị tài liệu học tập chính trị cho lớp học mới, thì bộ phận giao bưu Trường quân chính tổng hợp Quân khu 5 trao cho ông một bức thư gửi từ Quảng Ninh. Khác hẳn những bức thư trước đó, tên người gửi lần này là ông Lê Phong – Giám đốc Xí nghiệp Mỏ than Hòn Gai – Cẩm Phả.  Khi cầm bức thư đó, linh cảm khiến cho ông Thử nghĩ tới chuyện chẳng lành. Mở thư ra đọc, ông Thử bật khóc khi biết tin ông Kỳ đã hy sinh trước đó hơn năm tháng.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Thử về Quảng Ninh tìm gặp những đồng nghiệp của người anh trai mới biết tường tận trường hợp ông Kỳ hy sinh. Hôm đó là ngày 9-6-1972, trong lúc ông đang làm nhiệm vụ trực ban tiếp sóng phát thanh bản tin thời sự buổi trưa của Đài tiếng nói Việt Nam, bất ngờ một tốp máy bay Mỹ từ hướng Nam ập đến oanh tạc. Một quả bom giội xuống ngay trước cửa hầm khiến ông Kỳ bị thương nặng. Mặc dù đồng nghiệp trong cơ quan khẩn trương đưa ông vào bệnh xá cấp cứu, nhưng do vết thương nặng nên ông trút hơi thở cuối cùng.

Ông Nguyễn Phụng Lãnh vui mừng khi đón nhận bằng Tổ quốc ghi công người cha.

Trở về khi tên anh đã thành tên đất nước

Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, nhiều gia đình ở miền Nam mừng vui trào nước mắt khi người thân của họ từ miền Bắc trở về quê nhà sau hàng chục năm xa cách. Bên trong căn nhà nhỏ ở làng Xuân Phu, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An (Phú Yên), bà Nguyễn Thị Chơi cùng 5 người con đau đáu nỗi chờ mong người chồng, người cha, vì họ chưa hề biết tin ông Kỳ hy sinh. Cho đến cuối tháng 5-1975, khi ông Thử mang bức thư của ông Lê Phong về trao cho người chị dâu cùng các cháu, thì họ mới biết ông Kỳ đã mãi mãi đi xa. Gần 6 tháng sau, người con trai đầu của ông Kỳ là Nguyễn Phụng Lãnh, lúc đó là Hiệu trưởng Trường phổ thông cấp III Hoàng Văn Thụ, TP Nha Trang (Khánh Hòa) mới xin nghỉ phép, lên tàu hỏa ra miền Bắc tìm kiếm phần mộ cùng những di vật của người cha để lại.

Tiếp chuyện phóng viên Báo CAND tại nhà riêng ở 176A Thống Nhất, phường Phương Sài, TP Nha Trang (Khánh Hòa), ông Nguyễn Phụng Lãnh nhớ lại: “Lần đầu tiên ra miền Bắc khi đất nước vừa mới thống nhất hơn nửa năm, tôi hoàn toàn lạ lẫm với mọi thứ. Xúc động nhất là khi tìm đến Đài truyền thanh Quảng Ninh, các cô chú ở đó tiếp đón tôi rất chân tình, chu đáo. Sau một hồi trò chuyện, tìm hiểu về gia đình, thân tộc, ông Trần Thế Bạt – Phó trưởng Phòng Tổ chức – hành chính mở chiếc tủ gỗ lấy ra tập hồ sơ trao cho tôi xem những tài liệu liên quan đến ba tôi. Thời gian khiến cho màu giấy ngả sắc vàng hoe, nhưng các cô, chú ở Đài truyền thanh Quảng Ninh lưu giữ rất cẩn trọng.

Dừng lại vài giây, ông Lãnh kể tiếp: “Mở từng trang giấy trong tập hồ sơ, tôi đã rơi nước mắt khi nhìn thấy ảnh người cha kính yêu trong giấy chứng minh thư số 264678 do Sở Công an Hồng Quảng cấp ngày 8-9-1958, Huy chương Kháng chiến hạng Nhất của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng thưởng cho ba tôi cùng nhiều tài liệu khác... 

Rời Quảng Ninh, ông Lãnh về lại Nha Trang trong niềm vui pha lẫn nỗi buồn. Buồn vì khát vọng gặp lại người cha sau ngày đất nước thống nhất bất thành. Vui vì được các cô chú ở Đài truyền thanh Quảng Ninh tiếp đón thân tình, cung cấp đầy đủ tài liệu, di vật liên quan người cha. Trong suốt 30 năm sau đó, ông Lãnh gửi nhiều đơn thư đến các cơ quan chức trách ở Quảng Ninh và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đề nghị công nhận danh hiệu liệt sĩ đối với ông Kỳ. Điều đáng nói là gần 14 năm sau ngày mất, ông Kỳ được Hội đồng Nhà nước truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì vào ngày 7-3-1986 vì đã có công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Cuối năm 2004, khi tiếp nhận đơn đề nghị của ông Lãnh, Ban Biên tập Báo CAND đã cử phóng viên thu thập tài liệu viết bài: “29 năm đi tìm danh hiệu liệt sĩ cho cha”. Và cũng ngay sau đó các cơ quan chức trách lật lại hồ sơ vụ việc nên một cái kết có hậu cũng là niềm vinh hạnh, tự hào đến với gia đình ông Lãnh khi ngày 20-10-2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1379/QĐ-TTg công nhận danh hiệu liệt sĩ, đồng thời cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với nhà báo Nguyễn Phụng Kỳ.


Phan Thế Hữu Toàn

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

Chiều 30/4, tại khu vực trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng), nhất là những nơi công cộng, người dân địa phương và du khách vẫn đổ ra vui chơi, giải trí, các hoạt động diễn ra bình thường.

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Với tinh thần chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, trong hai ngày liên tiếp, tổ tuần tra Công an xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã kịp thời phát hiện, kiểm tra và thu giữ hai khẩu súng do hai đối tượng ở tỉnh Bình Định tàng trữ trái phép.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文