Nỗi đau bom mìn vẫn ám ảnh thời bình
- Những cái chết thương tâm từ bom mìn sót lại sau chiến tranh
- Chung tay xoa dịu nỗi đau do bom mìn gây ra
- Tai nạn do bom mìn: Nỗi đau thời hậu chiến
Thương vong do bom mìn vẫn rất lớn
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Tổng giám đốc Trung tâm hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam, Việt Nam có 49/63 tỉnh thành có tai nạn bom mìn, vật nổ gây ra.
Từ năm 2014 đến nay, số nạn nhân bom mìn, vật nổ được báo cáo tại các tỉnh đến nay là 1.813 trường hợp, trong đó có 919 người chết, 894 người bị thương, tỷ lệ thương vong trong tổng số nạn nhân là 50,7%.
Số lượng người bị ảnh hưởng do bom mìn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam lên đến hàng chục nghìn người. |
“Mục tiêu chính của Chương trình hành động Quốc gia là đến 2025 phải cơ bản hoàn thành. Như thế mỗi một năm phải có từ 30 đến 50 nghìn ha đất được rà phá, làm sạch. Mục tiêu đặt ra như vậy, nhưng chúng ta đang có hai thách thức cực kỳ lớn đó là nguồn lực đang rất khó khăn, thứ hai là kinh nghiệm và những tiếp cận hành động mìn trên thế giới. Nếu đáp ứng được hai thách thức này, chúng ta mới dám hy vọng đến năm 2025, chúng ta mới hoàn thành được mục tiêu rà phá, làm sạch những vùng đất bị ô nhiễm”, ông Phúc nói.
Điều đáng bàn nhất nhiện nay, các nạn nhân phần lớn là trẻ em và người lao động chính trong gia đình. Nguyên nhân dẫn đến các tai nạn thương tâm chủ yếu là do vướng phải bom mìn, vật nổ, trong khi người dân tự khai hoang, phục hóa để khôi phục sản xuất. Số lượng các vụ tai nạn loại này chiếm 28% trong tổng số các vụ tai nạn do bom mìn, vật nổ gây ra.
Bên cạnh đó, nguyên nhân nữa là do người dân thu nhặt phế liệu bán lấy tiền sinh sống. Do không có kiến thức về cấu tạo, nguyên lý hoạt động của bom mìn đã tự động cưa cắt để lấy vỏ kim loại và tai nạn loại này chiếm đến 33%...
Hỗ trợ nạn nhân bom mìn: “Cái khó bó cái khôn”
Theo thông tin Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ- TB&XH) cho biết, hiện 100% nạn nhân bom mìn nặng được hỗ trợ trị liệu, cấp thẻ bảo hiểm y tế, học nghề tìm việc làm. Mỗi năm, Nhà nước dành khoảng 16 nghìn tỷ đồng hỗ trợ 2,7 triệu đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có khoảng 900 nghìn nạn nhân bom mìn.
Theo đại diện Cục Bảo trợ xã hội, hiện vẫn chưa có chính sách riêng cho nạn nhân bom mìn mà hầu hết các ngành, các địa phương vẫn phải lồng ghép vào các chính sách khác như các chính sách trợ giúp người khuyết tật, phát triển nghề công tác xã hội để hỗ trợ các đối tượng, trong đó có nạn nhân bom mìn.
“Tuy nhiên, việc hỗ trợ chủ yếu mới dừng lại ở việc khắc phục hậu quả, còn việc hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bom mìn còn gặp nhiều khó khăn do nguồn lực hạn chế”, ông Tô Đức, Cục phó Cục Bảo trợ xã hội cho biết.
Cũng theo ông Đức, hầu hết các nạn nhân bom mìn đều có nhu cầu cần được trợ giúp chữa trị về mặt y tế để phục hồi chức năng vận động, hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên bên cạnh việc hỗ trợ về mặt y tế, việc phục hồi chức năng nghề nghiệp, lao động cho đối tượng này ở các địa phương hiện vẫn gặp không ít khó khăn.
Ra đời được hơn 3 năm, Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đến nay đã tiến hành 19 đợt hỗ trợ sinh kế nạn nhân trên địa bàn 16 lượt tỉnh, thành phố từ nguồn quỹ của Hội và tài trợ của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong cả nước.
Chia sẻ về hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn, Trung tướng Phạm Ngọc Khóa, Phó chủ tịch Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả nạn nhân bom mìn Việt Nam cho biết, thời gian qua, hội đã kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ tới gia đình các nạn nhân bom mìn đột xuất như: 6 nạn nhân bom mìn, trong đó có một trường hợp tử vong ở Quảng Bình, thăm hỏi hỗ trợ 8 nạn nhân trong vụ nổ ở KĐT Văn Phú- Hà Đông- Hà Nội, và gần đây nhất là 10 gia đình nạn nhân trong vụ nổ ở Văn Môn- Yên Phong- Bắc Ninh.
“Tuy nhiên vấn đề khiến chúng tôi luôn đau đáu là hỗ trợ nạn nhân bom mìn không chỉ là ở chỗ thăm hỏi, động viên, tặng quà mà quan trọng nhất là phải hỗ trợ được các nạn nhân sau này về sinh kế. Tại Hà Giang, hội đã trao tặng hàng trăm con bò để tạo sinh kế cho nạn nhân. Qua theo dõi cho thấy, hoạt động này rất thiết thực, hiệu quả trong việc tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống của họ. Thế nhưng nguồn tài chính của hội rất eo hẹp, nên chưa thể triển khai rộng rãi. Chính vì thế, việc hỗ trợ nạn nhân bom mìn rất cần sự chung tay sẻ chia của cả cộng đồng, xã hội”, Trung tướng Phạm Ngọc Khóa chia sẻ.