“Nóng” chuyện phá rừng lấy gỗ, làm nương
- Chủ đầu tư dự án thủy điện tự ý chặt phá rừng trồng của dân
- Xét xử Đồn phó Biên phòng "bắt tay" với lâm tặc phá rừng pơ mu
- Nhiều khó khăn trong tuần tra, ngăn chặn nạn phá rừng
- Phát hiện một vụ phá rừng quy mô lớn tại tiều khu 659A
Những cơn mưa vào trung tuần tháng 6 khiến con đường mòn dẫn vào tiểu khu 544B, 556B, xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) trở nên gian nan hơn. Chiếc xe gắn máy không thể nhích thêm được nữa, buộc chúng tôi phải dừng lại và giấu vào bụi rậm ven đường.
Cuộc hành trình tới “điểm nóng” phá rừng lại tiếp tục bằng cách đi bộ dưới hình thức của nhóm người đi kiếm… mật ong. Con đường đất đỏ khổ ải, in rõ những bánh xe buộc xích, đó là chứng tích “tội ác” phá rừng, vận chuyển gỗ ra ngoài bằng xe gắn máy của “lâm tặc”.
“Máu rừng” vẫn đổ
Hai giờ đồng hồ đi bộ, cuối cùng điểm nóng phá rừng thuộc các tiểu khu 544B, 556B, xã Đạ Pal cũng hiện hữu cùng những chiếc xe dường như chỉ còn lại bộ khung và máy, được bỏ rải rác bên con đường mòn.
Ông T., người dân địa phương dũng cảm đưa chúng tôi vào hiện trường cho biết: “Không hiểu sao hôm nay không thấy bọn họ (lâm tặc – PV) vận chuyển gỗ ra ngoài, cũng không nghe tiếng cưa máy hoạt động rầm rộ như mấy ngày trước nữa”.
Tại hiện trường, những cây gỗ lớn đến hai người ôm không xuể đều bị cưa hạ, nhiều cây đã được xẻ thành từng lóng vuông, lâm tặc còn chưa kịp vận chuyển ra ngoài tiêu thụ. Ông T. quả quyết: “Chắc là bị động rồi!..”.
Trước mắt chúng tôi, cánh rừng rậm nguyên sinh bây giờ những gì còn lại chỉ là những gốc gỗ lớn, nhiều gốc vẫn còn đang ứa nhựa. Cành cây, lóng gỗ hay phần thân bị sâu để lại ở hiện trường cho thấy những cây gỗ này đã có thời oai phong ngự trị giữa rừng già.
Rừng ở xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) bị tàn phá. |
Thông thường, “lâm tặc” sẽ là người tiên phong, vào rừng cưa hạ những cây gỗ lớn nhất, được thị trường ưa chuộng để lấy gỗ bán cho các đầu nậu. Người dân địa phương sẽ “theo sau”, phát quang cây bụi, châm lửa đốt tạo mặt bằng và một khu vực canh tác nông nghiệp lại mọc lên “gặm nhấm”, xâm lấn rừng già. Cứ thế, năm này qua năm khác, cánh rừng phòng hộ nguyên sinh mất dần, nhường chỗ cho hoạt động sản xuất của con người.
“Một người làm được, mười người làm theo. Cứ thế, họ đua nhau vào rừng cưa gỗ, phá rừng lấy đất trồng hồ tiêu, cà phê, điều hoặc bán qua tay ngay cho người có nhu cầu!..”, ông T. lại nói.
Theo ông T., rất khó nắm rõ nguồn gốc, chủ nhân những mảnh vườn lấn chiếm rừng và họ được ai “chống lưng” để ngang nhiên sản xuất nông nghiệp trái phép trên đất rừng như thế. Điều đáng nói, việc phá rừng lấy gỗ và lấn chiếm làm rẫy tại khu vực này diễn ra công khai, nằm hai bên đường đi vào các làng nhưng đơn vị chủ rừng, cán bộ địa bàn luôn đi tuần tra lại không có biện pháp ngăn chặn triệt để. Vậy là “máu rừng” vẫn cứ chảy!..
Một cán bộ Ban Lâm nghiệp xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh thừa nhận tình trạng phá rừng đang xảy ra tại địa phương. Người này lý giải việc không ngăn chặn dứt điểm nạn phá rừng là do lực lượng chức năng mỏng, lâm tặc sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện. “Giờ đã hết mùa ong và khai thác trái ươi nên người ta quay lại khai thác gỗ trái phép. Chúng tôi đã báo cáo đến các ban, ngành để tăng cường tuần tra, xử lý tình trạng này”, vị này nói.
Ai cũng biết, chỉ chính quyền không biết
Trên rừng “lâm tặc” cưa gỗ, người dân phá rừng làm nương rẫy, dưới trục đường nối Tôn KLong với trung tâm huyện Đạ Tẻh đi qua các xã Đạ Pal, Triệu Hải, Quảng Trị… hằng ngày vẫn có cả chục lượt xe máy vận chuyển gỗ chạy bạt mạng. Đa số các xe máy này đều cũ kỹ, không biển số để “lâm tặc” tiện bề vứt bỏ chạy thoát thân khi bị truy đuổi. Đặc biệt, theo người dân địa phương, gỗ lậu hằng ngày vẫn được “lâm tặc” vận chuyển qua UBND xã Đạ Pal nhưng điều lạ là không thấy lực lượng chức năng can thiệp, xử lý kịp thời để tạo sức răn đe, giáo dục chung.
Chị Trinh, một người sống bên trục đường này cho biết: “Mỗi khi xe lâm tặc chạy qua, tiếng nổ vang cách cả cây số vẫn còn nghe. Chúng sẵn sàng lao như điên khi bị lực lượng kiểm lâm truy đuổi, nguy hiểm vô cùng”. Cũng theo chị Trinh, nhiều người dân và học sinh đi trên đường này đã từng bị các đối tượng vận chuyển gỗ ép rơi xuống vườn của nhà dân dẫn đến bị thương.
Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, hầu hết “lâm tặc” vận chuyển gỗ qua UBND xã Đạ Pal vào các khung giờ như 12 giờ trưa và 18 đến 21 giờ hằng ngày. Phần lớn gỗ “lâm tặc” vận chuyển từ rừng ra đều bán ngay cho một số xưởng gỗ tại địa phương, thường hoạt động trá hình dưới hình thức xưởng chế tác gỗ mỹ nghệ. Những nhóm “lâm tặc” này hoạt động hết sức tinh vi, phối hợp chặt chẽ với các xưởng gỗ lập thành hệ thống chân rết khắp nơi, khi có lực lượng chức năng liền liên lạc cho nhau để dừng mọi hoạt động.
Theo ông Chu Quang Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đạ Pal, hầu hết các xưởng gỗ trên địa bàn đều không được cấp phép hoạt động. “Thời gian qua, một số người dân phản ánh về tình trạng chở gỗ lậu và chúng tôi cũng rà soát một số đối tượng nhưng chưa bắt quả tang được nên rất khó xử lý!”, ông Tuấn nói.
Trong khi đó, ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh, cho hay, cách đây khoảng 2 tuần, lực lượng chức năng của huyện đã làm việc về công tác quản lý bảo vệ rừng nhưng “chưa phát hiện trường hợp phá rừng nào nghiêm trọng, cũng chưa được các xã báo cáo lên”. Tuy nhiên, khi PV cung cấp thông tin, hình ảnh thì ông Hùng tỏ ra khá bất ngờ và cho biết sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát, xử lý ngay.