Nước mắt “người trong cuộc” gặp họa vì lái xe sau khi uống rượu bia
- Xử lí nghiêm hành vi điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia
- 40% nạn nhân tai nạn giao thông do lái xe uống rượu, bia gây ra
- Xử lí nghiêm các hành vi là nguyên nhân gây TNGT, nhất là uống rượu bia điều khiển phương tiện
Chỉ vì rượu bia, từ một người khỏe mạnh, họ đã trở thành tàn phế, mang lại gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đây là chương trình tuyên truyền ATGT được Tổ chức Handicap International triển khai từ năm 2013-2015 tại Bắc Giang và Bình Thuận.
Tôi biết Hà Anh Mến từ rất lâu, một chàng trai sinh ra ở miền núi Đồng Hưu, huyện Yên Thế, Bắc Giang. Mến đẹp trai, chịu khó, có công việc ổn định nhưng vào buổi tối giáp Tết 2010, sau khi uống rượu say khướt với bạn, Mến đi xe máy về nhà. Được nửa đường, Mến đã tự gây tai nạn, ngã vào một vũng nước. Không thiệt mạng nhưng Mến bị hỏng đốt sống cổ, liệt hai chân, hai tay. Cuộc sống và ước mơ đã khép lại với chàng trai 23 tuổi.
Thông điệp bổ ích từ các nạn nhân chia sẻ tại diễn đàn. |
“Chỉ vì ham chơi, chỉ vì chủ quan mà tôi đã hủy hoại cuộc đời của mình. Ở cái tuổi sung sức nhất tôi lại tàn phế, không thể báo hiếu được cho bố mẹ, giúp đỡ được vợ con. Các bạn hãy nhìn tôi để rút ra bài học cho bản thân mình, đã uống rượu bia thì đừng điều khiển phương tiện giao thông”- Mến tâm sự.
Cách đây nhiều năm, Mến đã tham gia vào dự án ATGT của tỉnh Bắc Giang. Mến đi nhiều nơi, mang bài học của mình để kể cho mọi người, tuyên truyền cho mọi người cảnh tỉnh “tránh xa rượu, bia khi tham giao thông”.
Từ khi tham gia vào dự án, tinh thần u uất của Mến đã giải tỏa rất nhiều. Chính trong thời gian này, Mến đã gặp và yêu cô gái lành lặn, xinh đẹp, dệt nên câu chuyện tình đẹp như mơ. Họ đã có một cậu con trai kháu khỉnh nhưng Mến không phút giây nào nguôi ngoai ân hận, nếu không uống rượu vào đêm định mệnh đó thì Mến đã không tàn phế như hôm nay. Câu chuyện của Mến đã để lại bài học sâu sắc, mang đến thông điệp thức tỉnh cho các bạn trẻ.
Cả hội trường lặng đi khi nghe câu chuyện của chàng trai Nguyễn Quang Tạo (32 tuổi, ở thôn Nam Ngạn, xã Quang Châu, huyện Việt Yên, Bắc Giang). Năm 2008, Tạo đi dự đám cưới ở thôn Nam Ngạn, trong lúc ngà ngà say, bèn nhảy lên xe tải của một người bạn lái thử trên đường làng. Đến khúc quanh, không làm chủ được tay lái, nên xe lật nhào và Tạo bị kẹt cứng bên trong.
Tai nạn đã cướp đi đôi chân của Tạo, dù gia đình đã tốn 500 triệu nhưng vẫn không cứu chữa được. Tạo bị liệt, cuộc đời gắn bó trên chiếc xe lăn. Qua câu chuyện của mình, Tạo chỉ muốn truyền đạt một thông điệp, các bạn trẻ đừng uống rượu bia rồi tham gia giao thông để gánh lấy hậu quả ân hận suốt cả cuộc đời như mình.
Có rất nhiều câu chuyện, rất nhiều bài học nhãn tiền từ uống rượu bia khi tham gia giao thông, nhưng hàng ngày, hàng giờ vẫn liên tiếp xảy ra những vụ việc tương tự. Cách tuyên truyền từ diễn đàn này theo nhiều bạn sinh viên thì vô cùng hiệu quả và phải nhân rộng ra nhiều tỉnh thành khác. Có những bạn sinh viên khi nghe về câu chuyện của họ đã len lén lau nước mắt.
“Đây là những bài học vô cùng thực tế, có sức lan tỏa mạnh mẽ, bản thân em thấy rằng đây là cách tuyên truyền hiệu quả nhất để chính bản thân mình phải rút kinh nghiệm sâu sắc” – Nguyễn Mạnh Đức, sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết.
“Câu chuyện của tôi – Bài học của bạn” là chương trình tuyên truyền ATGT được Tổ chức Handicap International triển khai từ năm 2013-2015 tại Bắc Giang và Bình Thuận với gần 40 buổi tuyên truyền tại các trường THPT, các trường dạy lái xe, các công ty và khu công nghiệp với khoảng 23.000 lượt người nghe.
Qua khảo sát, có tới 80% khán giả tuyên bố đã nhận thức được các hậu quả và ký cam kết lái xe không uống rượu, bia. Sau hơn 2 năm tạm ngừng do kinh phí có giới hạn, tháng 5-2018 chương trình lại tái xuất trở lại do Trung tâm Nghiên cứu ATGT (Học viện Cảnh sát nhân dân) tổ chức với sự tài trợ của Công ty TNHH Pernod Ricard Việt Nam và Công ty CP Đầu tư phát triển kỹ thuật công nghệ và thương mại Hồng Phát.
Với thông điệp nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho sinh viên về nguy cơ của việc lái xe sau khi uống rượu bia; xây dựng văn hóa giao thông và phòng chống tai nạn thương tích khi tham gia giao thông, chương trình đã mang lại hiệu quả thiết thực. Chương trình là những câu chuyện thực tế sống động, do chính những nạn nhân TNGT trực tiếp chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Liên, Phó Giám đốc Trung tâm phục hồi chức năng Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các bệnh nhân bị TNGT dẫn đến chấn thương cột sống, bại liệt đều có chi phí điều trị cao, bệnh tật dai dẳng đeo bám suốt đời. Ít bệnh nhân thừa nhận mình uống rượu bia gây TNGT, mà đều nhận mình là nạn nhân. Nhưng ở diễn đàn này, các nạn nhân dũng cảm kể câu chuyện của cuộc đời mình, thật sự là có sức lan tỏa vô cùng mạnh mẽ.
Còn theo anh Vũ Văn Thuận, Bí thư đoàn Trường Học viện CSND thì sở dĩ chọn lứa tuổi sinh viên để tuyên truyền là bởi tuổi trẻ dễ bồng bột, ham vui, nên việc tuyên truyền ATGT bằng chính các câu chuyện có thật là một phương pháp tuyên truyền phù hợp, hiệu quả. Giới trẻ có thêm bài học bổ ích về sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, từ đó tuyên truyền đến người thân, bạn bè.