Phú Yên nỗ lực giải tỏa“cơn khát” nước sinh hoạt

08:16 02/06/2020
Nắng nóng kéo dài khiến cho nhiều nơi ở Phú Yên khô hạn nghiêm trọng, nhiều dòng sông, suối đã cạn đến mực nước chết, thậm chí một số sông, suối cạn khô trơ đáy. Người dân một số làng quê đang đối mặt với nguy cơ “khát” nước sinh hoạt.


Nhiều nơi khô khát

Trong nắng trưa tháng Sáu, nhiều nhóm người tất bật đi về phía suối Hà Lan ở núi Hòn Táo, xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa để vét từng vốc nước từ những hầm hố đào dưới lòng suối, trên lưng họ là chiếc gùi tre chứa hàng chục chai nhựa.

Ông Rơ Chăm Y Phúc, Trưởng thôn Độc Lập B, xã Ea Chà Rang cho biết: “Suối Hà Lan cung cấp nguồn nước cho 335 người dân ở 83 hộ gia đình trong thôn này, nhưng nắng hạn kéo dài, suối khô nước, người dân phải đào hố dưới lòng suối để vét mạch nước ngầm”. 

Người dân thôn Độc Lập B, xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa vét từng chai nước từ dòng suối Hà Lan.

Phó Chủ tịch UBND xã Ea Chà Rang – ông Kpá Y Phúc bày tỏ: “Mùa khô năm nào, hàng trăm gia đình ở đây cũng vấp phải khó khăn về nguồn nước sinh hoạt vì tất cả giếng đào đều cạn kiệt. Đầu năm nay địa phương đã khoan 3 giếng nước sâu hơn 70m nhưng đều nhiễm phèn nên người dân phải ra suối, nhưng suối cũng khô cạn”. 

Bà Mí Mai – một người dân ở thôn Độc Lập B tâm sự: “Ngày nào cả nhà cũng thay nhau ra suối vét nước từng chai nhựa gùi về nhà cho người và súc vật rồi mới tắm cho lũ nhỏ”.

Không riêng Ea Chà Rang mà nhiều thôn xóm ở các xã Sơn Hội, Sơn Long, Sơn Định, Phước Tân, Cà Lúi đều… “khát” nước. Trong số đó, xã Sơn Định khô hạn khốc liệt như chảo lửa, giếng nước khô cạn. 

Ông Nguyễn Minh Hoài, Chủ tịch UBND xã Sơn Định cho biết: “150 hộ gia đình ở đây đang thiếu nước sinh hoạt, nắng hạn kéo dài thêm nhiều ngày nữa thì tình trạng thiếu nước sẽ lan rộng đến nhiều thôn xóm”. 

Ông Dương Văn Hòa, Trưởng thôn Hòa Bình, xã Sơn Định chia sẻ: “Hàng chục năm nay, mùa khô nào cũng hạn hán, trong số 222 hộ gia đình ở đây có 60% căn nhà lắp đặt máng thu gom nước mưa vào bể chứa để sử dụng trong mùa khô, nhưng do dung tích bể chứa không lớn nên không tránh khỏi tình trạng thiếu nước vì 58 giếng đào và hơn chục giếng khoan trong thôn đều cạn khô”. 

Bà Lê Thị Kim, một người dân ở thôn Hòa Bình bày tỏ: “Nhà tôi xây bể chứa 5m3 nhưng mới đầu mùa khô lượng nước tích trữ trong bể đã hết sạch, nên phải mua nước nơi khác vận chuyển đển bán 60.000 đồng/m3. Quá tốn kém nên cả nhà mang quần áo, chăn, mùng đến thôn Hòa Ngãi tìm nguồn nước suối còn lại để tắm, giặt, nhưng gần đây suối cũng cạn kiệt”.

Rời huyện Sơn Hòa, chúng tôi đến xã Ea Bar – nơi được coi là tâm điểm hạn hán ở huyện Sông Hinh. Phó Chủ tịch UBND xã Ksor Trinh cho biết, phần lớn người dân ở đây là đồng bào Êđê, Tày, Dao, Nùng, trước kia họ sử dụng nguồn nước sông, suối, từ năm 2014 mới có giếng nước, nhưng do địa hình đồi dốc, nắng hạn gay gắt kéo dài khiến cho giếng đào ở đây đều cạn kiệt nên người dân phải ra sông, suối tìm nước sinh hoạt”. 

Ông Y Tin, trú ở buôn Thứ bày tỏ: “Giếng đào của gia đình tôi sâu 12m nhưng đã khô cạn hơn ba tháng nay. Nước dành cho ăn uống phải đi xin ở buôn làng khác hoặc mua từng bình theo túi tiền có được, còn tắm, giặt thì phải tìm nước suối”. Tương tự, người dân ở buôn Mùi, xã Ea Trol, phải đi vài cây số để “cõng” nước suối Ea Bắc về nhà sinh hoạt vì toàn bộ giếng đào đều khô đáy.

Tập trung các biện pháp giải cứu hạn hán

Ngày 11/5, UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt phương án phòng, chống hạn và nhiễm mặn gây ra thiếu nước sinh hoạt năm 2020, cùng với việc chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước, sử dụng nước tiết kiệm; tập trung nạo vét, đào sâu thêm giếng đã có, tổ chức vận chuyển, chia sẻ nguồn nước cho những vùng khó khăn… 

Phú Yên đầu tư 61 giếng khoan, 68 giếng đào, 52 túi chứa, bồn chứa nước dự trữ, kết hợp sửa chữa một số công trình chống hạn, vận chuyển nước cung cấp cho những khu vực không thể đào, khoan giếng mới.

Ngoài phương án của tỉnh, thời gian gần đây các địa phương đã chủ động sử dụng ngân sách kết hợp vận động xã hội hóa để giải tỏa cơn “khát” ở một số nơi. Tại xã Ea Trol, huyện Sông Hinh vừa hoàn thành 3 giếng khoan có lắp đặt bồn chứa cung cấp nước cho người dân với tổng kinh phí 180 triệu đồng, trong khi đó ở “chảo lửa” Sơn Định, huyện Sơn Hòa đang triển khai đầu tư 13 giếng khoan. Tại hai xã Xuân Lãnh và Đa Lộc, huyện Đồng Xuân đã vận hành 3 giếng khoan cung cấp nước sạch cho người dân.

Giữa tháng 5/2020, Hội Liên hiệp Thanh niên Phú Yên, UBND xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân cùng Công ty CP Việt Thành góp sức đầu tư 340 triệu đồng xây dựng hoàn thành công trình nước sạch tập trung ở làng Bà Đẩu, giải tỏa “cơn khát” cho 107 hộ gia đình người Chăm Hroi. Trước đó, bà Lê Minh Thu, một phụ nữ ở Hà Nội đã vận động người thân, bạn bè hỗ trợ 320 triệu đồng đào mới 11 giếng nước cho người dân ở huyện Sơn Hòa. 

Ông Hồ Hữu Như, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Phú Yên cho biết, ngoài công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân có công suất 1.000m3 mỗi ngày đang được Công ty TNHH kỹ thuật kiểm định hiệu chỉnh Toàn Cầu thi công khẩn trương, 3 doanh nghiệp khác đã nộp hồ sơ đăng ký đầu tư dự án cấp nước sinh hoạt tại xã An Cư, huyện Tuy An; xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa và xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa.

Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết: “Dự báo nắng hạn vẫn còn tái diễn phức tạp, chính quyền cùng các cơ quan chức năng ở địa phương tiếp tục huy động nhiều nguồn lực, biện pháp để giải tỏa “cơn khát” với quyết tâm không để người dân thiếu nước sinh hoạt, thiếu đói, phát sinh dịch bệnh”.

HỮU TOÀN

Ngày 6/1, tại Hà Nội, Đảng ủy Công an Trung ương đã có buổi khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII và công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp trong CAND nhiệm kỳ 2025-2030 tại Đảng bộ Cục An ninh chính trị nội bộ (ANCTNB).

Từ năm 2023 đến khi bị bắt, những kẻ phạm tội đã câu kết với nhau thành lập các hội nhóm trên mạng xã hội để tạo lập, thu thập và mua bán thông tin tài khoản ngân hàng trái phép của hàng nghìn người trên địa bàn huyện Thạch Thành, Thanh Hóa và các tỉnh thành trên cả nước, sau đó bán lại cho người khác, thu lời bất chính hàng trăm triệu đồng.

Ngày 5/1, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Điện Biên chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ thành công 1 đối tượng về hành vi Mua bán trái phép chất ma túy, tang vật thu giữ 6 bánh heroin và 12 nghìn viên ma túy tổng hợp.

Chiều 6/1, đoàn xe đón đội tuyển bóng đá Việt Nam đã về đến sân bay Nội Bài, sau đó di chuyển qua nhiều tuyến phố, rất đông người hâm mộ đón chào thầy trò HLV Kim Sang Sik. Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chức năng bảo đảm an ninh trật tự và TTATGT cho lộ trình đón đoàn từ sân bay Nội Bài về Văn phòng Chính phủ.

Năm 2025, các ngân hàng và các chuyên gia kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động sẽ ổn định đi ngang do quá trình hạ lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương đang bắt đầu và sẽ tiếp diễn; mặt bằng lãi suất cho vay duy trì ở ngưỡng thấp, tuy nhiên, vẫn có sự phân hóa.

Ngày 6/1, Cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Hòa (Phú Yên) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh tạm giam 10 đối tượng trong một đường dây tội phạm. Các đối tượng không chỉ cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, mà còn tổ chức đánh bạc, đánh bạc dưới hình thức cá cược bóng đá, ghi số lô đề với tổng số tiền hơn 100 tỷ đồng.

Đêm 5/1, sau khi trận bóng đá chung kết lượt về ASEAN Cup 2024 với chiến thắng thuyết phục của đội tuyển Việt Nam trước Thái Lan và lên ngôi vô địch, hàng chục vạn người Hải Phòng đã xuống đường ăn mừng. Tuy nhiên có một bộ phận quá khích gây ảnh hưởng đến ANTT, TTATGT đã bị lượng Công an kịp thời ngăn chặn, kiên quyết xử lý.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文