Phụ huynh đòi bồi thường tổn hại sức khỏe cho trẻ bị ngược đãi

09:25 30/11/2017
"Không chỉ vì quyền lợi của riêng con tôi, mà còn vì những cháu khác nữa bị hành hạ tại nơi đây, tôi mong Công an, các cơ quan chức năng, ngành giáo dục phải làm tới nơi tới chốn vụ hành hạ trẻ dã man này. Bà Linh phải bồi thường tổn hại cho sức khoẻ của con tôi và tất cả các bé bị hành hạ tại đây", chị Thuỷ bức xúc.


Báo CAND ngày 29-11 có bài viết "Thông tin mới về vụ bạo hành tại cơ sở mẫu giáo Mầm Xanh" ghi nhận nội dung tố cáo mới từ phía các phụ huynh có con gửi tại cơ sở trên, cụ thể là trường hợp cháu Nguyễn Quang Khải, tên thường gọi là Bin, sinh ngày 16-11-2012, ngụ tại khu phố 3, phường Hiệp Thành, quận 12, TP Hồ Chí Minh, con trai của chị Trần Thị Thu Thủy. 

Theo chị Thủy, Bin đã bị các bảo mẫu hành hạ suốt hơn 3 năm qua. Sáng 29-11, các bác sĩ (BS) chuyên khoa Tâm lý, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh đã chẩn đoán và xác định cháu bị "rối loạn ám ảnh sợ" và cho biết cháu phải tham gia đợt trị liệu tâm lý dài ngày…

Phải bồi thường tổn hại sức khỏe…

Sáng 29-11, PV Báo CAND đã trực tiếp cùng chị Thuỷ và cháu Bin đến Khoa Tâm lý, BV Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh. Nghe chị Thuỷ kể lại những lần cháu Bin bị cô giáo hành hạ tại cơ sở Mầm Xanh, các BS tại BV Nhi Đồng 2 không khỏi xót xa. 

Chị Thuỷ nghẹn ngào kể, chị không thể tưởng tượng được con mình lại bị những bảo mẫu ở đây hành hạ nhẫn tâm tới mức rách khoé mắt, bầm tím vành tai. Mỗi ngày đi học về là đêm ngủ giật mình, khóc thét. 

Bé Bin được khám trị liệu tại Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 2 ngày 29-11.

Nhưng kinh hoàng nhất là vào một buổi chiều đón con về nhà trọ vào tháng 9-2017, bé Bin đi khập khiễng từ trong lớp ra xe máy của mẹ đang đợi bên ngoài cổng trong tâm trạng hốt hoảng, đau chân nhưng cố nhảy ào lên, bám vào xe máy để theo mẹ về nhà thật nhanh. 

Ngay khi về nhà, bé giơ bàn chân phải cho mẹ rồi chỉ vào 2 ngón chân giữa lúc này đã bị bong phần thịt phía trên, nói: "Con đau lắm! Cô Quỳnh cầm dao đâm con". 

Chị Thuỷ cho biết, do hoàn cảnh chồng chị phải làm ăn xa; chị làm công nhân tại Hiệp Thành, quận 12, chồng chị lại làm việc trên tàu biển ở Nha Trang (Khánh Hoà). Khi nghe tin cơ sở con mình bị cô bảo mẫu đánh đập bạo hành dã man, chồng chị rất nóng ruột xin vào TP Hồ Chí Minh.

Chị Thuỷ lo lắng, sở dĩ chị cho con đi kiểm tra tâm lý vì lo con mình bị... tâm thần. Các cô giáo của Trường Mầm Non Anh Thơ, phường Hiệp Thành, quận 12 - nơi chị chuyển cháu Bin từ Mầm Xanh qua vào tháng 10-2017 cho chị biết, ngay khi vào trường được 2 ngày, các cô thấy bé Bin vô cùng khác lạ, luôn sợ hãi mọi người xung quanh. 

Khi cô giáo tới làm quen với bé thì nhất định bé không đồng ý cho đụng vào người, thường hất tay cô giáo ra và luôn miệng hét: “Không! không!". Cô giáo phải ôm cậu bé vào lòng và nựng: "Cô thương con, cô không đánh con đâu!", nhưng cậu bé tiếp tục cuống quýt dùng hai tay tự đập liên tục vào mặt, rồi cào cấu vào mặt, vào người cô giáo. 

Chị Thuỷ nói: "Giờ em mới hiểu tại sao có nhiều ngày khi đưa con về nhà tắm rửa, nó cứ nói mẹ đừng đụng chỗ này, chỗ kia trên người. Kể cả chỗ vùng kín. Nó than đau lắm!... Trong đoạn clip đăng tải trên mạng thì con em là bé bị đánh nhiều nhất. Một bé gái nữa trong đoạn clip bị cô bảo mẫu dùng đồ vật đánh liên tục vào mặt, vào đầu cũng chính là con người bạn của em. Em ân hận đã giới thiệu với mẹ cháu gửi vào học chung với bé Bin, để rồi cả hai bị đánh tàn nhẫn".          

Chị Thuỷ cũng cho biết, trong hơn 3 năm gửi con tại đây, bà Linh thay đổi nhân sự liên tục. Cô Quỳnh và Đào mới làm bảo mẫu tại Mầm Xanh khoảng gần 1 năm nay. Trước đó, nhiều người xin vào làm bảo mẫu nhưng có người chỉ làm được 3 ngày là bỏ đi... 

"Không chỉ vì quyền lợi của riêng con tôi, mà còn vì những cháu khác nữa bị hành hạ tại nơi đây, tôi mong Công an, các cơ quan chức năng, ngành giáo dục phải làm tới nơi tới chốn vụ hành hạ trẻ dã man này. Bà Linh phải bồi thường tổn hại cho sức khoẻ của con tôi và tất cả các bé bị hành hạ tại đây", chị Thuỷ bức xúc.

Để không còn những vụ việc tương tự

Ghi nhận từ quá trình khám cho bé Bin tại BV Nhi Đồng 2, bác sĩ xác nhận, cháu Bin khá hiếu động và hơi hấp tấp, tuy nhiên hợp tác tốt với bác sĩ, thích đồ chơi và thích được động viên khuyến khích. Tuy nhiên, lý do khám do đi học có phản ứng sợ hãi khi tiếp xúc với cô giáo, với bạn trong trường cũng là dấu hiệu cho thấy bị bạo hành khi học ở trường cũ.

Theo phương pháp trị liệu mà các bác sĩ đưa ra, trước mắt dành cho bé Bin với 3 bước: can thiệp trị liệu tại trường, trị liệu tại nhà và trị liệu tại khoa tâm lý. Bác sĩ yêu cầu, để đưa tâm lý bé trở lại bình thường, thời gian đi học tại trường nhất thiết trong tương tác với giáo viên phải là giữa một cô - một trò. Dạy riêng trong 1 phòng, nhằm tạo sự gắn kết với cô giáo. Sau đó mới tập cho bé chơi cùng với 1-2 bạn cùng trang lứa cũng riêng trong phòng, sau một thời gian mới tiếp tục cho bé tiếp xúc với số lượng trẻ nhiều hơn...

Theo các bác sĩ, việc trị liệu trên nhằm đưa bé ổn định lại tâm lý. Vì sau một thời gian dài bị hành hạ, đánh đập tại trường, đã tạo nên một sự ám ảnh trong đầu bé về môi trường học cũ. Nên biểu hiện ra bên ngoài là bé rất sợ mọi người khi sang trường mới là vì vậy. Khi đưa về nhà, hay ngay tại thời điểm tiếp xúc với BS tại khoa tâm lý, cảm giác an toàn trở lại, bé không có biểu hiện như ở lớp học. Ngoài các bước như trên, hằng tuần, chị Thuỷ phải đưa con tới trị liệu tâm lý tại Khoa 3 lần/tuần.

Chiều 29-11, chúng tôi cũng có dịp trao đổi với bà Phan Thanh Minh, nguyên Trưởng phòng Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em TP Hồ Chí Minh. 

Bà Minh cho biết, Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em đã quy định, trẻ sinh ra đã có những quyền cơ bản như: được chăm sóc nuôi dưỡng, học tập; được sống an toàn, tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến và tham gia hoạt động xã hội; quyền vui chơi giải trí… Vì thế, khi để xảy ra vụ việc bạo hành ở mẫu giáo Mầm Xanh, cả xã hội phải thấy vô cùng đau lòng. 

Bà Minh cho rằng, hành vi bạo hành với trẻ sẽ có ảnh hưởng xấu đến đứa trẻ không chỉ tại thời điểm đó, mà còn để lại di chứng suốt cuộc đời. Lo nhất là giờ thì có thể bé khiếp sợ, nhưng nếu hành vi bạo lực được lặp đi lặp lại sẽ in sâu vào tiềm thức và điều khiển hành vi của đứa trẻ. Đến khi trưởng thành, chúng lại có xu hướng lặp lại cách cư xử đó với người khác mới là nguy hiểm.

Sau vụ việc Mầm Xanh xảy ra, bà Minh cho rằng: "TP Hồ Chí Minh hiện có hàng ngàn điểm tư nhân giữ trẻ nhỏ như Mầm Xanh nhưng ngành giáo dục không thể kiểm soát. Sở GD&ĐT không thể vô can trong chuyện này, cần có kế hoạch khắc phục ngay. Bạo hành trẻ liên quan tới vấn đề an ninh, an toàn của con người. Đừng để khi xảy ra sự việc mới xử lý thì không kịp đâu, các cháu bé đã bị tổn hại nghiêm trọng. Tôi đề nghị, vụ việc nghiêm trọng này phải được xử lưu động để răn đe. Khi xử mời toàn bộ các chủ nhóm lớp gia đình, chủ lớp giữ trẻ tư thục tới tham dự để có tính răn đe, ngăn chặn những mầm mống, manh nha ai có tư tưởng bạo hành trẻ thấy mà  phải chùn tay...".

Huyền Nga

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文