Phù sa về ít miền Tây, xói lở gia tăng
- Tỉnh Cà Mau thuê máy bay trực thăng bay khảo sát sạt lở
- 20.000 người dân ở An Giang cần di dời khẩn cấp vì sạt lở
- Khẩn trương giải quyết bài toán sạt lở ở ĐBSCL
Số liệu được các đại biểu đưa ra tại hội nghị “Giải pháp kĩ thuật phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL” do Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) tổ chức chiều 26-7, tại TP Cần Thơ cho thấy, lượng bùn cát về ngày càng ít.
Từ 2010 trở về trước, sạt lở, bồi lắng các sông ĐBSCL theo quy luật tự nhiên chung và tạo cân bằng tương đối. Còn từ 2010 đến nay, sạt lở diễn ra nhanh, ngày càng phức tạp, tác động đến kinh tế xã hội. Nguyên nhân do suy giảm bùn cát từ việc thượng nguồn xây dựng hồ chứa.
Ông Tăng Quốc Chính, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai cho biết, theo quy hoạch của các nước, trên dòng chính sông MêKông có 19 đập thuỷ điện. Đến năm 2012, Trung Quốc đã xây dựng 6 đập, trong đó có 2 hồ lớn dung tích 22,2 tỷ m3, Lào đang xây dựng 2 đập. Trên dòng nhánh, Lào dự kiến xây dựng 91 công trình (49,3 tỷ m3), Campuchia 12 đập, Thái Lan 25 đập, Việt Nam 14 đập.
Phù sa ngày càng ít về Đồng bằng sông Cửu Long. |
“Tất cả những công trình trên dòng chính và dòng nhánh làm suy giảm bùn cát nghiêm trọng. Nếu như năm 2007, lượng phù sa về ĐBSCL là hơn 143 triệu tấn thì đến năm 2020 lượng phù sa về ĐBSCL còn 47,4 triệu tấn (giảm 67% so với năm 2007), đến năm 2040 các đập hoàn thành sẽ giữ lại 97% bùn cát, lượng phù sa chỉ còn về ĐBSCL là 4,5 triệu tấn”, ông Tăng Quốc Chính nói.
PGS.TS Đinh Công Sản, Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam cho rằng, ngoài nguyên nhân do các đập thuỷ điện ở thượng nguồn thì tác động của con người cũng làm gia tăng xói lở như: chặt phá rừng để nuôi trồng thuỷ sản làm rừng bị suy thoái nhanh. Ước tính mỗi năm mất rừng và đi theo là mất đất khoảng 500 ha/năm. Khai thác nước ngầm quá mức, phát triển đê bao, đê ngăn mặn, kênh tưới tiêu…
Diện tích sạt lở đất bờ sông ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng. |
Khảo sát của Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam, những năm qua, tiểu vùng ven cửa sông Cửu Long (từ TP Hồ Chí Minh đến Sóc Trăng), tỷ lệ bồi lắng giảm rất mạnh so với thời kỳ trước năm 2000, vì phù sa về ngày cành suy giảm. Một số điểm xói lở khá mạnh như: Gò Công, Hiệp Thạnh, Nhà Mát, Gành Hào.
Tiểu vùng từ Sóc Trăng đến mũi Cà Mau, xu thế xói lở vượt trội và xảy ra trên hầu hết đoạn bờ biển này. Tốc độ xói lở khoảng 10-30m/năm, tuỳ theo vị trí, theo thời gian và mức độ xói lở ngày càng nhanh. Rừng phòng hộ trước tuyến đê biển bị thu hẹp dần, có những vị trí rừng phòng hộ trước đê mất hoàn toàn. Ở khu vực bờ biển Tây, tốc độ xói lở từ 15-20m/năm, có đoạn lên 40-50 m/năm trong những năm sóng lớn.
Rừng phòng hộ ven biển, bị xói lở xâm thực. |
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng nhìn nhận, tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển đang diễn ra ngày càng khốc liệt vì nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân phát triển hồ đập trên dòng nhánh sông MêKông khiến cho phần lớn lượng phù sa bùn cát bị giữ lại, cộng với các nguyên nhân gia tăng dân số, hạ tầng, biến đối khí hậu...
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNN, thời gian qua nhiều công trình của Trung ương, địa phương đã được triển khai thực hiện để phòng chống sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển. Bên cạnh những công trình phát huy hiệu quả cũng có những công trình không thành công.
“Nhiệm vụ đặt ra là phải đưa ra giải pháp kỹ thuật phòng chống sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển như thế nào để phù hợp với thực tiễn, giải quyết được những vấn đề bức xúc...”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNN Hoàng Văn Thắng nói.