Hà Nội nới “giờ giới nghiêm” từ 1-9: Quản thế nào?

08:18 28/08/2016
Bắt đầu từ 1-9, Hà Nội sẽ thí điểm cho phép các cơ sở kinh doanh nhà hàng, quán bar thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm được hoạt động đến 2h sáng vào các ngày thứ 6, thứ 7 và chủ nhật hàng tuần. 

Chủ trương nới “giờ giới nghiêm” của Hà Nội đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của các cơ sở kinh doanh, công ty du lịch. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc Hà Nội sẽ quản như thế nào?

Đáp ứng nhu cầu chính đáng của du khách

Phố cổ Hà Nội là một trong những địa chỉ du lịch được nhiều du khách trong và ngoài nước lựa chọn khi đến Thủ đô. Thông thường, bắt đầu từ khoảng 19h trở đi, phố cổ Hà Nội sẽ trở nên sôi động với những hàng quán ẩm thực bia hơi vỉa hè, các nhà hàng, quán bar…

Tuy nhiên, trước khi Hà Nội thông qua chủ trương nới giờ giới nghiêm, việc du khách chỉ được tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí cho đến 24h đã tạo tâm lý không thoải mái, đặc biệt là các du khách nước ngoài.

Hà Nội sẽ nới “giờ giới nghiêm” từ 1-9. Ảnh: Hiếu Công

Chị Thanh Vân, chủ cửa hàng ẩm thực số 17, phố Tạ Hiện cho biết: “Du khách nước ngoài rất thích ngồi uống bia vỉa hè, tán gẫu ở phố Tạ Hiện. Nhưng, khoảng 23h30 mỗi ngày, khi chúng tôi thông báo sắp đóng cửa thì họ thường tỏ ra không hài lòng”.

Theo ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng ban Thị trường Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Phó Giám đốc Công ty CP Hanoi Redtours, việc Hà Nội quyết định nới “giờ giới nghiêm” cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu vui chơi giải trí của người dân được đáp ứng.

Chủ trương này cũng cho thấy sự thay đổi cởi mở trong cách quản lý của Hà Nội, khác với tư duy “không quản được thì cấm” trước đây.  Đứng về góc độ người làm du lịch, chủ trương này là đúng đắn bởi Hà Nội có rất nhiều hoạt động giải trí về đêm hấp dẫn du khách trong đó có du khách nước ngoài.

Còn ông Lê Công Năng, Trưởng phòng Truyền thông Công ty Vietrantour cũng cho rằng, việc Hà Nội nới “giờ giới nghiêm” cho hoạt động ban đêm là phù hợp với thực tế khách quan. Nhiều khách hàng của Vietrantour phàn nàn rằng ngoài việc ăn tối, xem rối nước rồi về đi ngủ thì ở Hà Nội chẳng có điểm nào để họ tham quan, vui chơi về đêm.

Do vậy, việc cho phép mở cửa các khu vui chơi giải trí sau 24h sẽ tạo điều kiện để du khách có thêm thời gian tìm hiểu văn hóa, tận hưởng giải trí về khuya ở Hà Nội tại các con phố nổi tiếng như Tạ Hiện, Đào Duy Từ, Lượng Ngọc Quyến, Hàng Bè…

“Quản” như thế nào?

Để chủ trương nới “giờ giới nghiêm” với các đơn vị kinh doanh phục vụ khách du lịch ở Hà Nội thực sự phát huy hiệu quả tích cực, ông Lê Công Năng cho rằng, các cơ quan chức năng cần triển khai biện pháp quản lý chặt chẽ để tránh một chủ trương mang ý nghĩa tích cực bị biến tướng thành “mở rộng cửa” cho các hoạt động kinh doanh không lành mạnh.

Nên chăng quy hoạch việc mở cửa hoạt động sau 24h cho một số khu vực phục vụ du khách, cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ phục vụ du khách đăng ký hoạt động sau 24h, bố trí lực lượng an ninh giám sát, tuần tra đảm bảo an ninh trật tự Thủ đô.

Ông Năng cũng cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch cần chủ động đăng tải, truyền thông danh sách các điểm vui chơi phục vụ khách, khách du lịch đạt tiêu chuẩn: ăn, uống, biểu diễn để gợi ý cho du khách khi đến Hà Nội và đưa vào chương trình tour của các công ty lữ hành phục vụ khách đến Hà Nội.

Đồng thời, cần tăng cường kêu gọi đầu tư xây dựng các điểm vui chơi, giải trí, các chương trình biểu diễn nghệ thuật quy mô, hấp dẫn với lịch diễn định kỳ để phục vụ du khách giống như các nước bạn đã làm rất tốt với các chương trình biểu diễn của hoa hậu chuyển giới ở Thái Lan (Alcazar show), chương trình nghệ thuật Angkor Smile ở Campuchia, chương trình kịch, vũ đạo đầu bếp Nanta show ở Hàn Quốc…Việc mở rộng “giờ giới nghiêm” sẽ tạo thuận lợi cho du khách tìm kiếm và tận hưởng cuộc sống về đêm ở Hà Nội.

Hà Nội nới “giờ giới nghiêm” cũng đồng nghĩa với việc phát sinh những vấn đề như ô nhiễm tiếng ồn, ánh sáng, vệ sinh đô thị…

Theo ông Nguyễn Công Hoan, trước hết, Hà Nội cần quy hoạch những khu vui chơi giải trí về đêm riêng phù hợp với nhu cầu của du khách bởi lượng du khách tập trung đông chỉ ở một số nơi, từ đó bổ sung lực lượng làm nhiệm vụ quản lý ở khu vực đó. Cùng với đó là việc đưa ra bộ tiêu chuẩn cụ thể về diện tích, cách âm tiếng ồn, xử lý vệ sinh môi trường, an toàn cháy nổ… cho các cơ sở kinh doanh và công khai bộ tiêu chuẩn đó.

Có như vậy, công tác cấp phép và hậu kiểm mới minh bạch, dễ dàng. Một vấn đề nữa là việc Hà Nội cần quan tâm đến hạ tầng công cộng như khu vực đỗ xe, vệ sinh, môi trường…

Hiện nay, các ban, ngành Hà Nội, trong đó có lực lượng Công an đang khẩn trương triển khai các hoạt động nhằm có sự chuẩn bị tốt nhất khi áp dụng quy định mới kể từ ngày 1-9. Hy vọng rằng, với sự đồng thuận của người dân, sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, chủ trương nới “giờ giới nghiêm” của Hà Nội sẽ đạt được những hiệu ứng, hiệu quả tốt trong phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch.

N.Hương –T.Huyền

Kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, Nhà giáo ưu tú, PGS.TS Cao Minh Thì (nguyên Giám đốc Sở giáo dục - Đào tạo TP Hồ Chí Minh) lại bồi hồi nhớ lại những ngày tháng 4 của năm 1975, ông trở lại miền Nam tiếp quản Sài Gòn và bắt tay vào công cuộc “trồng người” những năm đầu giải phóng.

Hình ảnh CSGT dẫn những cựu chiến binh qua đường để đến với những khẩu đại bác hay hình ảnh người lính trong đoàn diễu hành đang hợp luyện gặp mẹ mình đứng chờ nhiều giờ đồng hồ; rồi hình ảnh những người đi xem hợp luyện ngất xỉu được những chiến sĩ áo vàng dùng xe chuyên dụng chở ra khỏi đám đông hàng chục ngàn người đưa vào bệnh viện... tất cả đều được người dân chụp vội vàng nhưng nội dung của nó đã gây xúc động mạnh đến người xem...

Ngày 23/4, TAND TP Hồ Chí Minh đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Nguyễn Thị Tuyết Nga (SN 1990, nhân viên thu phí Bệnh viện Thủ Đức) 20 năm tù về tội “Tham ô tài sản”; Đỗ Thị Quý (SN 1983, nhân viên thu phí) lãnh 7 năm tù, Nguyễn Thị Phương Hoa (SN 1979, cựu trưởng đơn vị thu phí) 6 năm tù và Đặng Thị Hiên (SN 1985, cựu Kế toán trưởng) 5 năm tù.

Ngày 23/4, tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án xảy ra tại Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan, gây thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng cho EVN, đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị tuyên phạt bị cáo Hoàng Quốc Vượng (cựu Thứ trưởng Bộ Công thương) từ 6 đến 7 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Sáng 23/4, để chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XV,  Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ nhất, thẩm tra Dự án Luật Tình trạng khẩn cấp (TTKC).

Số tiền cướp được, Vũ Văn Lịch mua 1 điện thoại Oppo A95, chi tiêu cá nhân và nạp vào tài khoản ngân hàng (đối tượng đã sử dụng 20 triệu đồng để chơi "tài xỉu" trên mạng). Cơ quan Công an đã thu giữ tang vật là 1 điện thoại Oppo A95, khoảng 75 triệu đồng tiền mặt, 176 triệu đồng trong tài khoản của lịch; 1 xe máy nhãn hiệu SYM Enzo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.