Rối rắm chuyện học của những đứa trẻ sau làn sóng chồng ngoại
- Vỡ mộng chồng ngoại, biến thành “mẹ mìn”
- Vỡ mộng chồng ngoại, về quê lừa bán đồng hương
- Muôn nẻo chồng ngoại…
Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Hậu Giang giải quyết hàng trăm trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài. Những đứa trẻ sinh ra, lỡ mang thân phận nước ngoài hiện đang gặp khó trong việc đến trường do vướng mắc tư pháp…
Ông Bùi Đức Quang – Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang) cho biết, trước năm 2014, tình trạng trẻ có yếu tố nước ngoài (con của phụ nữ Việt kết hôn với người nước ngoài) về nước sinh sống không đáng kể. Nhưng 2-3 năm trở lại đây, số trẻ này tăng đột biến, nảy sinh nhiều vấn đề tư pháp, nhân thân.
Toàn tỉnh có 160 học sinh (mầm non 23 em; tiểu học 86 em và còn lại là trung học cơ sở), có yếu tố nước ngoài, nhưng chỉ mới có 1/3 số học sinh này được đăng ký khai sinh tại Việt Nam.
Huyện Vị Thuỷ chiếm gần 50% học sinh có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Đây cũng địa phương chiếm tỷ lệ cao về phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc… Những năm qua, hàng trăm trường hợp ly hôn đã gởi con cho ông bà ngoại chăm sóc rồi đi bước nữa hoặc tìm kế mưu sinh.
Cô Nguyễn Thu Giang, Phó trưởng Phòng Giáo dục huyện Vị Thuỷ cho biết, huyện có 75 trường hợp đang theo học ở cả 3 cấp, tập trung nhiều ở thị trấn Nàng Mau, xã Vị Thắng, Vị Trung… Phần lớn các em đều mang tên nước ngoài (chủ yếu là Hàn Quốc), một số ít mới có tên Việt Nam; trong đó, chỉ có 4 học sinh cấp 2 đã làm được giấy khai sinh tại Việt Nam. Còn lại hầu hết là đi học bằng cam kết của gia đình, bản dịch giấy khai sinh từ tiếng nước ngoài, hộ chiếu, giấy xác nhận tạm trú hoặc bằng hình thức “học gởi”…
Cùng trang lứa, nhưng nhiều học sinh tại Hậu Giang mang quốc tịch nước ngoài đi học không có tên trong học bạ. |
Trường tiểu học Vị Thắng 1 (xã Vị Thắng) hiện có 3 học sinh nhập học tạm thời bằng bản dịch giấy khai sinh từ tiếng nước ngoài. Quá trình học tập được giáo viên chủ nhiệm ghi vào sổ riêng, theo dõi hàng năm. Các em học tốt thì vẫn được lên lớp, nhưng không có học bạ như những học sinh khác. Theo nhận xét, các em học khá và luôn được khen thưởng.
Cô Mai Thị Lan – Hiệu phó nhà trường cho biết, ngoài 3 học sinh trên, nhà trường đang chờ làm học bạ cho 2 học sinh lớp 8 (là chị em ruột, sống chung với bà ngoại) để đủ điều kiện hoàn thiện chương trình cấp 2. “Hai em này học rất giỏi, nhưng trước đây do “học gởi”, nhà trường nhận học sinh chứ không có học bạ”, cô Lan cho hay.
Theo lãnh đạo xã Vị Thắng, phần lớn các trường hợp lấy chồng nước ngoài do kinh tế khó khăn, muốn kiếm tiền lo cho gia đình. Khi hôn nhân đổ vỡ, những trường hợp này ôm con về gởi cho ngoại chăm sóc và gặp khó khăn về kinh tế. Cán bộ tư pháp đã hướng dẫn cho gia đình mang giấy khai sinh tiếng nước ngoài của trẻ đến Sở Tư pháp dịch ra, làm cơ sở tạm thời nộp cho nhà trường nhập học. Những trường hợp không có giấy khai sinh thì vẫn tạo điều kiện đến trường, chờ nộp bổ sung.
Năm 2005, cô gái trẻ Nguyễn Thị Thuý (ngụ TP Vị Thanh) kết hôn với người chồng Hàn Quốc. Bốn năm sau, Thuý về nước sinh con và được UBND xã cấp giấy khai sinh và mang quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, trên giấy khai sinh người đứng tên cha mẹ của đứa bé lại là ông bà ngoại.
Theo ông Quang, nhu cầu học tập của trẻ có yếu tố nước ngoài là vô cùng bức thiết. Năm 2014, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo Sở Tư pháp, Sở GD-ĐT, Công an tỉnh và Chủ tịch các huyện, thành phố tạo điều kiện tốt nhất cho các em đến trường.
Tại nhiều vùng quê miền Tây cũng xảy ra tình trạng này. Cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) có hơn 1.000 cô gái lấy chồng nước ngoài. Lấy chồng ngoại nhiều, số ly hôn cũng không ít. Những đứa trẻ theo mẹ về quê ngoại sinh sống và mang quốc tịch nước ngoài. Chính quyền địa phương linh động tạo điều kiện cho đến trường, đến nay có em đang học cấp 3.
Năm 2015, Cần Thơ và Hậu Giang cấp gần 200 khai sinh cho những trẻ này khi mẹ mang bầu về nước. Tuy nhiên, mới đây qua rà soát, ngành chức năng đã thu hồi 6 giấy khai sinh do chính quyền địa phương “uyển chuyển” choông bà ngoại, cô dượng... đứng tên là cha mẹ không đúng quy định.
“Trẻ có yếu tố nước ngoài thì lấy giấy khai sinh (nước ngoài hoặc hộ chiếu) đến Sở Tư pháp phiên dịch và làm thủ tục nhập trường. Trẻ chưa có khai sinh, hộ chiếu thì lấy giấy chứng sinh chứng minh có tên, năm sinh để nhà trường xếp lớp. Trẻ chưa đi học hoặc đã học ở nước ngoài thì ngành giáo dục khảo sát, thành lập các tổ kiểm tra chuyên môn kiến thức để sắp xếp lớp cho tương ứng.
Những em ở lâu năm nay theo mẹ về ngoại sinh sống, ngôn ngữ tiếng Việt khó khăn thì giáo viên hướng dẫn để tiếp cận tốt hơn. Trẻ thuộc dạng hộ nghèo, có xác nhận của địa phương thì nhà trường xem xét, hỗ trợ”, ông Bùi Đức Quang – Trưởng phòng giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang) cho hay.
“Hôn nhân không hạnh phúc, người mẹ mang con về gởi cho ông bà ngoại. Nhiều em muốn đi học nhưng không được, cứ đến cổng trường nấn ná nhìn bạn bè. Cho các em nhập học thì sai quy định, còn không cho thì tội. Thời tôi còn làm hiệu trưởng (cô Giang – nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Vị Thắng 1 – PV) đã linh động giải quyết cho nhiều trường hợp vào học tạm và để giáo viên chủ nhiệm theo dõi riêng, chứ không có học bạ, danh sách lớp cũng không có tên. Các em học giỏi lắm, năm nào cũng đạt khá, giỏi. Nhiều em giờ học cấp 2 và nhà trường đang làm các giấy tờ, thủ tục theo đúng quy định”, cô Giang bộc bạch. |