“Siết” hậu kiểm giá sữa trẻ em duới 6 tháng tuổi
Đại diện Công ty Vinamilk cho biết, về chính sách bình ổn giá trong thời gian qua thì Vinamilk đã thực hiện nghiêm túc. Với chủ trương của Chính Phủ và hướng dẫn của Bộ Công Thương thì kể từ ngày 1-4-2017, chính sách áp giá trần sẽ được dỡ bỏ.
Đây là quyết định phù hợp. Việc quản lý giá sữa hiện nay nên để thị trường quyết định. Sữa là mặt hàng có giá trị dinh dưỡng cao nên đòi hỏi cần có một quá trình nghiên cứu đầu tư mới tạo ra sản phẩm sữa có giá trị gia tăng cao đối với người tiêu dùng (NTD).
Trong thời gian qua, việc áp giá trần đối với mặt hàng sữa, đã hạn chế khả năng gia tăng các giá trị cho sản phẩm. Vì vậy, đại diện Vinamilk cho biết hoàn toàn đồng ý với cấu trúc về dự thảo thông tư lần này.
Các sản phẩm sữa của các DN bán trong siêu thị. |
Ông Arnaud Renard - Chủ tịch Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu – Eurocham Erocham, đánh giá cao quan điểm quản lý Nhà nước của Việt Nam trong việc quản lý giá sữa thể hiện qua 3 nội dung: Nhà nước cần đảm bảo thị trường cạnh tranh lành mạnh và chỉ can thiệp khi thị trường thất bại; khi xây dựng chính sách cần có sự hài hòa của quyền lợi NTD và DN; Nhà nước sử dụng phương pháp hậu kiểm và chỉ can thiệp khi thị trường có dấu hiệu bất ổn.
Hiện, trên thị trường có đến hơn 900 dòng sản phẩm sữa cho trẻ dưới 6 tuổi nên rất cạnh tranh. Điểm mới của dự thảo thông tư lần này là Nhà nước sẽ tiếp cận vào chuỗi cung ứng để giúp kiểm soát nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm trong suốt quá trình lưu thông của sản phẩm sữa.
Tuy nhiên, góp ý cho dự thảo, đại diện Eurocham Erocham cho rằng, dự thảo thông tư của Bộ Công Thương đã làm trái với Luật Giá cũng như chưa phù hợp với việc kê khai giá trong Nghị định 177/2013-CP và 149/2016-CP của Chính phủ. Luật Giá quy định việc kê khai giá là chỉ cần nộp thông báo cho cơ quan quản lý.
Trong khi đó, dự thảo của Bộ Công Thương thì giá sữa gần như phải đăng ký giá, phải xin phép. Nếu DN gửi giá đến mà không được cơ quan quản lý chấp nhận thì DN không được áp dụng giá đó. DN sẽ không được điều chỉnh giá nếu không hợp lý. "Đây là việc can thiệp quá sâu vào quyền tự quyết định về giá của DN đã được ghi nhận trong Luật Giá" - ông Arnaud Renard nhận xét.
Ông Nguyễn Lộc An, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - đơn vị chủ trì soạn thảo dự thảo thông tư, khẳng định, đã làm đúng Luật Giá và các văn bản hướng dẫn.
Nghị định 177 hướng dẫn thi hành Luật Giá và Nghị định 149 hướng dẫn bổ sung, có quy định rằng sữa cho trẻ dưới 6 tuổi thì Bộ Công Thương được toàn quyền quản lý. Về kê khai giá, ông An cho rằng, chỉ những DN nào có thay đổi vê giá thì mới phải kê khai lại chứ không phải DN nào cũng kê khai.
Ví dụ, hôm nay DN bán giá 150 ngàn/hộp sữa, ngày mai bán 160 ngàn thì DN buộc phải giải trình tại sao tăng 10 ngàn/hộp. Còn DN điều chỉnh giảm còn 140 ngàn/hộp thì chỉ cần gửi thông báo qua online, qua điện tử sẽ được đồng ý cho giảm ngay.
Trả lời thắc mắc của DN về việc nộp hồ sơ thông báo giá, kê khai giá hay thực hiện một số thủ tục thì nộp qua đâu, trong khi DN ở các tỉnh phía Nam còn Bộ Công Thương có trụ sở ở Hà Nội, Đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương đã có trực tuyến rồi nên DN gửi qua online, một mặt DN cũng gửi văn bản chính thức để lưu, làm cơ sở pháp lý theo dõi giá cả DN kê khai.