Sóc Trăng công bố tình huống khẩn cấp hạn hán, xâm nhập mặn
Trước diễn biến phức tạp của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng vừa công bố tình huống khẩn cấp do hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn.
- Cà Mau công bố tình huống khẩn cấp hạn hán vùng ngọt hóa
- Sóc Trăng công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông
Theo đó, quyết định công bố tình huống khẩn cấp do hạn, xâm nhập mặn (mức độ rủi ro cấp 2) trên địa bàn tỉnh. Để chủ động, ứng phó và bảo đảm đủ nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó với hạn, xâm nhập mặn (theo kịch bản ứng phó tình hình hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng), nhằm hạn chế thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, không để người dân bị thiếu nước uống, sinh hoạt.
Kênh, rạch ở Sóc Trăng khô hạn. |
Sở NN&PTNT có trách nhiệm thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình, diễn biến hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh để kịp thời tham mưu UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo ứng phó hạn, xâm nhập mặn.
Phối hợp Ban Quản lý dự án 2, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai ngay các giải pháp ứng phó hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 149/KH-UBND ngày 8/11/2019 của UBND tỉnh; đồng thời tổ chức thực hiện các công trình khẩn cấp theo quy định nhằm ngăn mặn, tăng cường tích trữ nước ngọt, đảm bảo cung cấp đủ nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.
Bên cạnh việc chỉ đạo các ngành chức năng triển khai các nội dung ứng phó thiên tai, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương huy động tối đa các nguồn lực để cung cấp nước ngọt phục vụ ăn uống, sinh hoạt cho người dân và các bệnh viện, doanh nghiệp, khu công nghiệp, trường học, khách sạn...
Không còn nước để tưới cho cây trái, hoa màu. |
Tiếp tục duy trì các điểm đo mặn tập trung để kịp thời khuyến cáo người dân lấy, trữ nước khi độ mặn ở mức cho phép. Khuyến cáo người dân tích trữ nước ngọt trong kênh, mương nội đồng và các phương tiện khác nhằm chủ động bảo đảm đủ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình thủy lợi, đặc biệt là các công trình chống hạn, xâm nhập mặn, trữ ngọt, tạo nguồn nước tưới, tiêu; vận hành máy bơm dã chiến, đắp đập tạm, đập thời vụ… Vận động người dân sử dụng tiết kiệm, tránh lãng phí nguồn nước.
Cánh đồng mía thiếu nước tưới. |
Tập trung huy động nhiều nguồn lực để nâng cấp, sửa chữa hệ thống công trình ngăn mặn, đê bao, cống dưới đê đặc biệt là vùng dự án Long Phú - Tiếp Nhật; phía nam dự án Ba Rinh - Tà Liêm (Kế Sách).
Nạo vét các hệ thống kênh trục chính để lấy và dự trữ nước ngọt phục vụ tưới, tiêu; lưu ý nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất cây ăn trái, sinh hoạt của người dân; đầu tư xây dựng trạm bơm cấp nước khu vực hoặc từng dự án hiện có.
Công an tỉnh Sóc Trăng chở nước sạch hỗ trợ người dân thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) trong những ngày khô hạn. |
Các địa phương phối hợp sở, ngành có liên quan để thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp giúp người dân khắc phục thiệt hại theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP Chính phủ và Quyết định 1503/QĐ-UBND của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc quy định mức hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn.
Sở KH&ĐT chủ trì phối hợp Sở Tài chính, Sở NN&PTNT, các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố phân bổ nguồn vốn để thực hiện khẩn cấp các dự án, công trình ứng phó hạn, xâm nhập mặn.