Sóc Trăng xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi
- Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng ra các tỉnh, thành Tây Nam bộ
- Vĩnh Long phát hiện hai ổ dịch tả lợn Châu Phi
- Kiên Giang công bố dịch tả lợn châu Phi
- Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát tại nhiều địa phương ở Thừa Thiên - Huế
Theo đó, sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính DTLCP trên đàn lợn (55 con), của hộ bà Lâm Thị Thu Sang (ngụ ấp 3, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), Chi cục Chăn nuôi và Thú y và hộ dân tiến hành tiêu hủy đàn lợn theo quy định. Đây là ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên được phát hiện ở Sóc Trăng.
Cán bộ Thú y tỉnh Sóc Trăng, tiêu độc, khử trùng và niêm phong xe chở heo trước khi di chuyển tiếp. |
Một cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, đàn heo của chủ hộ nuôi nhỏ lẻ, chưa tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm, con giống được mua từ ngoài tỉnh ở nhiều nguồn, chủ hộ sử dụng thức ăn viên và thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt cho đàn heo của gia đình ăn.
Tối 26-5, ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã chủ trì cuộc họp với các Sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh bàn cách ứng phó với tình hình DTLCP trên địa bàn, đồng thời tăng cường thực hiện việc tiêu độc sát trùng ở khu vực chăn nuôi.
“Nơi nào phát sinh ổ dịch, phải báo cáo kịp thời để ngành chuyên môn lấy mẫu và thực hiện các thủ tục cần thiết để nhanh chóng tiêu hủy. Đồng thời, có biện pháp hỗ trợ cho người dân theo quy định”, ông Hiểu cho biết.
Nhằm tăng cường giám sát nguồn gốc lợn nhập vào tỉnh, Sóc Trăng lập thêm 4 chốt kiểm soát trên các tuyến đường ra, vào tỉnh tại huyện Thạnh Trị, Long Phú, thị xã Vĩnh Châu và thị xã Ngã Năm.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Lương Minh Quyết, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, ngành nông nghiệp phối hợp các ban ngành, đoàn thể và chỉ đạo các đơn vị liên quan trực thuộc sở phối hợp cùng triển khai kiểm soát các phương tiện vận chuyển, nhập heo, sản phẩm từ heo đi qua tỉnh, trên các tuyến đường 24/24 giờ; thường xuyên kiểm tra các lò giết mổ về nguồn gốc heo nhập; thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch động vật và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên để tổ chức phòng chống dịch bệnh, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát, thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh tại tuyến cơ sở.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn các cấp chủ động tổ chức, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm nếu nghi ngờ heo mắc bệnh. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền cho người chăn nuôi hiểu rõ mức độ nguy hiểm của DTHCP, các chính sách hỗ trợ tiêu hủy bắt buộc theo quy định và xây dựng kịch bản cho các địa phương ứng phó phòng chống DTHCP cũng như lựa chọn địa điểm phù hợp tiêu hủy heo nếu có dịch xảy ra nhằm đảm bảo môi trường xung quanh.