Sớm ổn định đời sống người dân vùng lũ quét, sạt lở đất

10:06 10/12/2020
Đang đứng xem các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ các nạn nhân mất tích, bất chợt trời đổ mưa phùn, chị Bông chạy vội vào lán trại để trú mưa. Gần một tháng rưỡi nay, kể từ ngày xảy ra trận lũ quét kinh hoàng khiến chồng chị cùng 12 người khác mất tích, 9 người chết, chị đều ra hiện trường để khắc khoải chờ đợi…



Chị Hồ Thị Bông (SN 1983, trú thôn 1, xã Trà Leng), là vợ anh Lê Hoàng Việt, Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, một trong số các nạn nhân vẫn còn mất tích do lũ quét xảy ra ngày 28-10 tại làng Ông Đề vẫn ngày ngày ra hiện trường để dõi theo công tác tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ các nạn nhân.

Với ánh mắt buồn, chị Bông chia sẻ rằng trừ những ngày mưa to gió lớn, còn lại chị đều ra hiện trường xảy ra trận lũ quét để ngóng chờ tin tức về chồng mình vẫn còn đang mất tích. “Trong chỗ ở tạm mình không làm gì cả, nóng ruột lắm nên ngày nào cũng ra đây đứng đợi tin tức về chồng mình. Mình mong sớm tìm được anh ấy lắm vì đã gần tháng rưỡi rồi mà”, chị Bông bộc bạch.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, động viên chị Hồ Thị Bông, vợ nạn nhân mất tích là Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng Lê Hoàng Việt tại hiện trường xảy ra lũ quét.
Chị Trần Thị Liễu dõi theo công tác tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ các nạn nhân còn mất tích do lũ quét xảy ra tại làng Ông Đề.

Đứng cạnh chị Bông, chị Trần Thị Liễu (SN 1983), là vợ nạn nhân mất tích Trần Cao Nam tâm sự, cũng như chị Bông, hằng ngày chị Liễu đều ra hiện trường để theo dõi lực lượng chức năng tìm kiếm các nạn nhân mất tích.

Nói về nơi ở hiện nay, chị Liễu cho biết từ ngày xảy ra trận lũ quét, do hàng chục ngôi nhà của người dân bị cuốn trôi hoàn toàn nên chính quyền địa phương đã bố trí điểm trường mẫu giáo cách làng Ông Đề chừng 500m để làm nơi ở tạm, chờ hỗ trợ xây dựng lại nhà mới. Một số hộ dân khác thì đi ở xen ghép nhờ nhà người thân trong xã.

Ông Phan Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Trà Leng, cho biết do ảnh hưởng của bão số 9, số 10, mưa lớn đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhân dân và công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn xã.

Toàn xã Trà Leng có 10 người chết, 13 người mất tích, 16 người bị thương. Trong đó, vào ngày 28-10, tại làng Ông Đề, thôn 1 xảy ra trận lũ quét làm 13 người mất tích, 9 người chết, 13 người bị thương; tại thôn 2 xảy ra vụ sạt lở đất tại làng Tăk Pát làm 1 người chết, 3 người bị thương.

Toàn xã Trà Leng có 51 nhà sụp đổ, vùi lấp, nước cuốn trôi; 28 nhà trong diện nguy cơ cao cần di dời khẩn cấp. “UBND xã đã và đang tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai để sớm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân trên địa bàn. Trước mắt, đã chỉ đạo và phối hợp với các đơn vị, lực lượng chức năng tập trung sửa chữa, dựng nhà tạm cho người dân ổn định cuộc sống, triển khai thông các tuyến đường giao thông, ổn định chỗ ở, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho nhân dân”, ông Cường thông tin thêm.

Phương tiện cơ giới tiếp tục tham gia tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ các nạn nhân mất tích tại Trà Leng.

Cách xã Trà Leng khoảng 50km, xã Trà Vân cũng chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản do mưa lũ, sạt lở đất. Ông Hồ Văn Huyện, Chủ tịch UBND xã Trà Vân, cho biết ngày 28-10, tại thôn 1 đã xảy ra vụ sạt lở đất làm 8 người chết, 12 người bị thương; hàng chục ngôi nhà bị sụp đổ hoàn toàn.

Sau khi xảy ra vụ sạt lở đất tại thôn 1, UBND xã Trà Vân đã nhanh chóng vận động các lực lượng sẵn có tại địa phương để cứu hộ cứu nạn những người bị nạn, đồng thời vận động di dời khẩn cấp các hộ bị sạt lở ra khỏi khu vực ảnh hưởng và tăng cường vận động các hộ nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở sơ tán đến nơi an toàn.

Hiện trường vụ sạt lở đất làm 8 người chết tại xã Trà Vân, huyện Nam Trà My.

Ngày 9-12, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, dẫn đầu đoàn công tác của UBND tỉnh đã về kiểm tra thực tế công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại xã Trà Leng, Trà Vân, Trà Mai (huyện Nam Trà My).

Tại buổi làm việc với các xã và lãnh đạo huyện Nam Trà My, ông Lê Trí Thanh đánh giá cao công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai với phương châm “4 tại chỗ” của địa phương. Đồng thời đề nghị tiếp tục tổ chức tìm kiếm các nạn nhân mất tích ở xã Trà Leng; động viên các gia đình bị thiệt hại, nhất là thân nhân các nạn nhân chết, mất tích do lũ quét, sạt lở đất.

Đối với các hộ dân được bố trí chỗ ở tạm, chính quyền địa phương cũng phải chú ý đảm bảo vệ sinh, lương thực thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân.

Bên cạnh đó, huyện Nam Trà My tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng đánh giá khu vực có nguy cơ sạt lở, xảy ra lũ quét để sơ tán dân; gấp rút hoàn thiện mặt bằng để bố trí tái định cư cho các hộ dân có nhà sụp, cuốn trôi, nằm trong vùng có nguy cơ cao tại các xã Trà Leng, Trà Vân, Trà Mai.

Trong chuyến công tác tại huyện Nam Trà My, ông Lê Trí Thanh đã tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Ông Lê Trí Thanh kiểm tra khu vực dự kiến bố trí tái định cư cho người dân xã Trà Mai, huyện Nam Trà My.
Ông Lê Trí Thanh nghe báo cáo phương án làm khu tái định cư cho người dân tại xã Trà Leng.

Về kinh phí dựng lại nhà cho người dân, ông Lê Trí Thanh cho biết theo quy định, ngân sách sẽ hỗ trợ 40 triệu đồng, tỉnh Quảng Nam phân bổ thêm các nguồn khác để bổ sung thêm tối đa 110 triệu đồng nữa nhằm sớm dựng lại nhà cho người dân.

“Từ nay đến Tết âm lịch chỉ còn hơn 2 tháng nữa, tôi đề nghị huyện Nam Trà My và các xã gấp rút phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai hoàn thiện mặt bằng bố trí tái định cư cho người dân, trong đó phải có đánh giá kỹ của cơ quan chức năng về địa chất, thủy văn ở các khu tái định cư. Sau đó tổ chức làm lại nhà cho người dân đúng quy định. Trước mắt, tập trung ưu tiên dựng lại nhà cho các hộ có nhà sập, bị cuốn trôi hoàn toàn do lũ quét, sạt lở đất. Công việc này phải được hoàn thành trước Tết âm lịch để người dân được đón Tết ở nhà mới”, ông Lê Trí Thanh yêu cầu.
Ngọc Thi

Sau thời gian dài tập luyện riêng lẻ tại nhiều địa phương, quân khu, ngày 18/4, buổi sơ duyệt diễu binh, diễu hành được diễn ra tại khu vực lễ đài đường Lê Duẩn, phía trước Hội trường Thống Nhất. Trước khi buổi sơ duyệt toàn bộ 38 khối quân đội, Công an diễu binh, diễu hành vào 21h đêm nay, sáng cùng ngày, 10 trực thăng và 13 tiêm kích, máy bay chiến đấu đã bay tập luyện trên bầu trời TP mang tên Bác. Các trực thăng hợp luyện kéo cờ Tổ quốc, cờ Đảng theo các đội hình khác nhau khiến người dân thành phố mãn nhãn, tự hào…

Lực lượng chức năng thu giữ gần 7,2 nghìn thành phẩm sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật; khoảng 20 nghìn tem nhãn các loại; gần 1 nghìn chai nhựa; 300 kg nguyên liệu gồm nắp nhựa, màng siu, thùng nhựa chứa dung dịch chất lỏng cùng nhiều máy móc, dụng cụ sản xuất thuốc bảo vệ thực vật giả.

Các đối tượng trong vụ án còn liều lĩnh phát hành hợp quy “khống” cho các thang máy, thiết bị sàn nâng người của các công trình xây dựng chung cư cao tầng phục vụ dân sinh. Việc làm trên của các đối tượng là hành vi cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ của người lao động, người sử dụng thiết bị máy móc và người dân.

Dù có trụ sở sản xuất tại Hà Nội, nhưng sữa bột giả đã tung ra khắp các tỉnh, thành khi "hệ sinh thái" của Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group (Công ty Hacofood Group) và Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma (Công ty Rance Pharma) mở các chi nhánh ở nhiều địa phương. Tại Hòa Bình, các công ty này đã đăng ký công bố hàng trăm sản phẩm. Sữa giả không chỉ thuê người nổi tiếng quảng cáo, mà còn được đưa vào cơ sở y tế bán cho người bệnh.

PV Báo CAND băng theo lối mòn đã hằn dấu vết chân người, len giữa những thân cây còn vương nhựa mủ bị cứa bởi rìu, nghe mùi đất mới trộn lẫn với mùi xăng dầu hắt lên từ hốc đá. Rừng Vĩnh Ô, nằm ở Tây Vĩnh Linh (Quảng Trị), nơi từng là vành đai phòng hộ của cả một vùng đầu nguồn, giờ thở dốc dưới những mái lán phủ bạt xanh, những hầm hố khoan sâu vào lòng đất như vết thương không bao giờ lành miệng.

Theo đề xuất, giai đoạn 2016 - 2030 xét đến năm 2035, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh sẽ có 46 dự án năng lượng được đưa vào quy hoạch để xây dựng, bổ sung khoảng 14.500MW vào nguồn điện quốc gia. Tuy nhiên, sau hơn 7 năm kể từ khi dự án điện mặt trời đầu tiên được chấp thuận đầu tư, đến nay trên địa bàn mới chỉ có 2 dự án hoàn thành, đưa vào vận hành thương mại, số còn lại vẫn đang nằm trên giấy.

Vườn Cau Đỏ (nay thuộc Quận 12, TP Hồ Chí Minh) trước đây là vùng chiến khu. 50 năm sau ngày giải phóng, từ vùng ven thuộc Hóc Môn, giờ nơi này đã trở thành đô thị khang trang, hiện đại, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày hôm qua (17/4), ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ đã có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất ngày có nơi trên 35 độ như: Yên Châu (Sơn La) 38,4 độ, Tương Dương (Nghệ An) 37,4 độ, Đông Hà (Quảng Trị) 37,5 độ, Sơn Hòa (Phú Yên) 37,4 độ… Độ ẩm tương đối thấp nhất, phổ biến 55-60%.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.