Sắc xuân trên đảo Cồn Cỏ

09:49 24/01/2020
Ðảo tiền tiêu Cồn Cỏ chỉ cách đất liền tỉnh Quảng Trị chừng 30 cây số. Trong chiến tranh, Cồn Cỏ được cả thế giới biết đến bởi tinh thần chiến đấu quả cảm, bất khuất của quân và dân ta. Ngày nay, nhờ sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước và tỉnh Quảng Trị, cùng với sự nỗ lực của chính quyền, cùng quân và dân Cồn Cỏ, hòn đảo này ngày càng thay đổi diện mạo mới… 


Những ngày giáp Tết, chúng tôi có chuyến thăm ra huyện đảo Cồn Cỏ. Tàu du lịch vừa cập cảng, hơn 150 hành khách đã nhanh chân rời tàu lên đảo trong niềm phấn khích và háo hức. Ða số là khách du lịch đến Cồn Cỏ lần đầu nên muốn ngắm nhìn, tham quan... 

Cuối năm, nắng ở đảo vàng như mật ong làm cho không khí ngày Tết ở đây như đến nhanh hơn so với đất liền. Cô Tạ Tâm Tình, hướng dẫn viên du lịch đảo Cồn Cỏ, giọng trầm ấm cho biết, Cồn Cỏ có diện tích khoảng 2,2km2. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hòn đảo là nơi trung chuyển người, lương thực, vũ khí vào chiến trường miền Nam. Ðặc biệt, trong 4 năm từ 1964 đến 1968, quân và dân Vĩnh Linh đã có hơn 4.000 chuyến thuyền tiếp tế với hơn 2.500 tấn hàng hóa, vũ khí cho đảo.

Ðảo Cồn Cỏ nhìn từ trên cao, đẹp như một bức tranh.

Ðể ngăn chặn và cắt đứt tuyến đường chi viện của ta, giặc đã nhiều lần cho quân đổ bộ, vây ráp, ném bom đánh phá rất ác liệt. Tuy nhiên, bằng niềm tin và ý chí bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo, quân và dân Vĩnh Linh đã anh dũng chiến đấu, đập tan mọi âm mưu của kẻ thù. Và cũng trong quá trình tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ, hàng chục cán bộ, chiến sĩ cùng hàng trăm quân, dân Vĩnh Linh vĩnh viễn nằm lại với biển khơi. 

Vượt lên gian khổ, hy sinh, cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ ngày ấy vẫn vững vàng trên tuyến đầu, viết nên những câu chuyện huyền thoại. Trải qua 1.500 ngày đêm đối mặt với kẻ thù, chiến đấu gần 1.000 trận lớn nhỏ, Cồn Cỏ anh hùng đã bắn rơi 48 máy bay Mỹ, bắn chìm 17 tàu chiến và hải thuyền của địch. Ðảo Cồn Cỏ 2 lần vinh dự được Ðảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Lần đầu vào ngày 1-1-1967 và lần thứ hai vào ngày 25-8-1970. Ðảo Cồn Cỏ Anh hùng cũng đã vinh dự được Bác Hồ 3 lần gửi thư khen ngợi và tặng ảnh chân dung của Người...

Chúng tôi đi tham quan một vòng quanh đảo, nhà cửa của người dân, công trình phúc lợi như trường học, trung tâm y tế, công viên vui chơi… đã được xây dựng khá khang trang. Chị Nguyễn Thị Hương Lài ở xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh cùng chồng là anh Ðào Minh Quân ở thôn 9, xã Gio Hải, huyện Gio Linh ra đảo sinh sống, lập nghiệp đã 3 năm nay. 

Chỉ cho chúng tôi xem hàng hoa giấy đang khoe sắc trước Trường Mầm non Phong Ba, chị Lài nói: “Bây giờ trên đảo cái gì cũng có, không còn cảnh thiếu thốn như những năm trước đây. Thậm chí những cây hoa giấy này cũng được các chú Công an, Bộ đội mang từ đất liền ra đây để trồng, làm tăng thêm vẻ đẹp cho đảo và tạo nên tình cảm ấm áp, gần gũi giữa đất liền với đảo xa”. 

Sau khi ra đảo, chị Lài mở quán kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm khô mang ra từ đất liền và hải sản thu mua của bà con ngư dân tại âu thuyền Cồn Cỏ. Còn anh Quân chồng chị đi đánh bắt hải sản, thu nhập bình quân mỗi tháng của 2 vợ chồng trên dưới 30 triệu đồng, đảm bảo cho 2 đứa con nhỏ ăn học, phụ cấp nuôi cha mẹ già của anh Quân ở đất liền hằng tháng…

Du khách tham quan Nhà truyền thống Cồn Cỏ.

Các gia đình ở đảo sắm sửa các lễ vật, thức ăn, uống cho ngày Tết khá sớm. Chủ yếu đặc sản biển, như cá mú, cá bớp, tôm hùm; cùng với lợn, gà nuôi trên đảo. Khi chúng tôi đang chuyện trò thì Thượng úy Nguyễn Xuân Thế, cán bộ Ðội Hậu cần, Công an Cồn Cỏ, đến thăm hỏi bà con, vui vẻ bảo: “Bữa nay ra đảo nhanh hơn rồi. Bây giờ có tàu Cồn Cỏ Tourist rất thuận lợi, nay mai sẽ có thêm vài chiếc nữa do các đơn vị Quân đội và Công an đóng mới, việc ra, vào của bà con trong đất liền và bà con ngoài này sẽ còn thuận tiện hơn nữa. Ðất liền và biển đảo sẽ không còn là khoảng cách xa về địa lý, sự cách biệt do đường sá đi lại khó khăn”. 

Chị Lài bộc bạch rằng, nếu như Tết Nguyên đán ở đất liền, 3 ngày Tết chủ yếu đi thăm bà con, họ hàng, thì ở Cồn Cỏ, cùng với việc thăm hỏi bà con láng giềng là việc tiếp đón và đón nhận sự thăm hỏi, động viên rất tình cảm của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị vũ trang trên đảo. Các lực lượng Công an, Bộ đội và người dân trên đảo sống vui vẻ, chan hòa, luôn giúp đỡ lẫn nhau như người trong một gia đình. Vì vậy, Tết ở đây còn có một không khí khác với đất liền, vui hơn đất liền và thiêng liêng hơn đất liền là vậy!...

Ông Võ Viết Cường, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ, chia sẻ rằng, năm 2002, đã có 43 thanh niên đầu tiên xung phong tình nguyện ra đảo Cồn Cỏ lập nghiệp với mục tiêu đưa đảo thành “Ðảo Thanh niên”. Ngày 1-10-2004, Chính phủ ban hành Nghị định thành lập huyện đảo, hoàn tất tiến trình dân sự hóa đảo. Ðến nay, sau 15 năm, cùng với sự đầu tư của Trung ương, với tổng số vốn ban đầu khoảng 1.500 tỉ đồng, là sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương; các cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế-xã hội đã được xây dựng quy mô, chất lượng và hoành tráng trên đảo. 

Ngày 19-2-2019, UBND huyện đảo Cồn Cỏ tổ chức tiếp nhận thêm nhiều hộ dân với hàng chục nhân khẩu xung phong ra sinh sống trên hòn đảo tiền tiêu của đất nước, nâng số hộ dân toàn đảo hiện nay lên hơn 25 hộ. Các hộ dân vừa ra Cồn Cỏ trước đây sinh sống ở xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh và thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, Quảng Trị. Họ được hưởng chế độ như những hộ từng ra đảo trước đó. Cụ thể, mỗi hộ  được cấp 1 ngôi nhà rộng 42m2 trên nền đất 200m2, được hỗ trợ lương thực bằng tiền mặt trong 18 tháng đầu tiên. Ngoài ra, các hộ dân còn được hỗ trợ sinh hoạt phí, giống vật nuôi và cấp vốn vay 50 triệu đồng không cần thế chấp...

Mùa xuân thứ 44 lại về với đảo Cồn Cỏ anh hùng, kể từ sau khi đất nước được thống nhất. Cứ mỗi mùa xuân mới là có thêm những phát triển, đổi thay từ hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Từ chỗ cơ sở vật chất hạ tầng còn thiếu thốn, bây giờ huyện đảo Cồn Cỏ đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tương đối đầy đủ, đáp ứng được các yêu cầu đảm bảo an ninh quốc phòng trên đảo cũng như phục vụ mọi sinh hoạt, sản xuất của người dân ở đây. Và, những đổi thay đó như hứa hẹn về một cái Tết đầm ấm, yên vui đã cận kề…

Phan Thanh Bình

Hà Nội dự kiến triển khai thực hiện sắp xếp, tinh gọn đầu mối tổ chức bên trong của các sở và tương đương giảm tối thiểu 15%-20% đầu mối, không bao gồm các tổ chức thuộc diện hợp nhất, sáp nhập do trùng lắp chức năng, nhiệm vụ khi thực hiện phương án sáp nhập các sở.

Báo cáo số 3003/KQLĐBIII-QL,TCGTĐB ngày 16/12 của Khu Quản lý đường bộ III gửi Cục Đường bộ Việt Nam về khắc phục thiên tai gây hư hỏng trên các tuyến quốc lộ ở địa bàn miền Trung – Tây Nguyên, có đề cập thông tin chi tiết về sự cố sạt lở ở đèo Khánh Lê gây ách tắc giao thông trên tuyến quốc lộ 27C như Báo CAND đã thông tin.

Ngày 16/12, Phòng Cảnh sát hình sự, Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh Gia Lai) phối hợp với Viện KSND tỉnh và Công an huyện Kông Chro, Ia Pa tiến hành thực nghiệm hiện trường để điều tra Đinh Văn Ten (SN 1996), Đinh Toc (SN 2003, cùng trú ở làng Tkắt, xã Đăk Kơ Ning, huyện Kông Chro) về hành vi giết người.

Chiều 16/12, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) cho biết, vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Đoàn Đức Vinh (SN 1996, cư trú: xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) để điều tra về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文