Tái định cư đã 10 năm, cuộc sống người dân vẫn chưa ổn định

10:17 07/03/2017
Thôn tái định cư (TĐC) Nước Lang, xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, nằm lọt thỏm giữa bốn bề rừng núi. Từ đường Hồ Chí Minh, chúng tôi đi theo con đường bê tông dốc đứng, rộng chừng hơn 2m. Vừa qua khỏi dốc, con đường bê tông lại đổ xuống như mái nhà và phía cuối đường là thôn Nước Lang. Vào thôn, đường sá lởm chởm đá, đầy ổ gà…

Chị Y Nữ, Trưởng thôn, ngậm ngùi bảo: “Làng chúng em đang chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày tái lập...”.

Chị Y Nữ cho biết, 10 năm trước, Nước Lang là một trong 2 thôn TĐC được hình thành, sau khi bà con nhường mặt bằng làng cũ cho dự án thủy điện Đăk Mi 4. Lúc đầu thôn chỉ có 25 hộ dân, được Ban Quản lý dự án xây cho mỗi gia đình một căn nhà rộng khoảng 40m2, trong khu vườn 200m2 đất. “Bây giờ, thanh niên trong thôn lấy vợ, lấy chồng, nên dân số tăng lên, làng đã có 40 hộ gia đình và sắp tới còn tăng lên nữa... Nhưng, diện tích đất TĐC không thể mở rộng thêm nữa, vì xung quanh thôn núi bao bọc.

“Người thôn mình sống ở núi rừng mà cứ chen chúc như ở phố; không ai chăn nuôi, trồng trọt được bất cứ con gì,  cây gì để cải thiện thêm...”, chị Y Nữ lắc đầu nói. Tâm sự của người phụ nữ dân tộc Giẻ Triêng đã gần 40 tuổi được bà con Nước Lang bầu làm Trưởng thôn nghe rất thật, nhưng sao mà chua chát.

Theo chị Y Nữ, khó khăn nhất của thôn Nước Lang hiện nay là đất ở, nhà ở cho người dân. Những ngôi nhà dự án thủy điện xây cho 10 năm trước, hầu hết đã xuống cấp, tường nhà nứt nẻ, cửa sắt gỉ sét, long gãy bản lề, nhiều nhà mái đã mục nát hẳn. Từ năm 2015, người dân kiến nghị, Ban Quản lý thủy điện đã cho thay toàn bộ xà gồ các nhà bằng gỗ.

“Hệ thống nhà vệ sinh hầu hết đã hư hỏng, vì chất lượng xây dựng kém. Hơn nữa, nguồn nước sinh hoạt thiếu, vào mùa khô, các nguồn nước tự chảy bị bồi lấp, khô kiệt, người dân phải lần xuống các khe suối sâu để cõng nước về sử dụng ăn uống... Đất đai hẹp, các cặp vợ chồng mới xây dựng gia đình đều phải tự đi kiếm vật liệu về dựng chòi, cuộc sống vô cùng tạm bợ”, chị Y Nữ lại thở dài.

Về đất canh tác, cả thôn Nước Lang chỉ có gần 5ha ruộng lúa nước do Ban quản lý thủy điện san ủi đất giao cho. Đất ruộng được cày ủi từ các sườn núi xuống nên rất xấu, trung bình mỗi hộ được hơn 1.000m2, đã canh tác 10 năm rồi, do đất ngày càng cằn cỗi nên mỗi vụ trung bình chỉ thu được chưa đầy 100kg lúa. Nguồn thu nhập chính của người dân trong làng thời gian qua là vào rừng bứt mây, săn bắn thậm chí khai thác gỗ trái phép để bán...

Đặc biệt, thôn TĐC Nước Lang chưa có trường mẫu giáo, gia đình nào muốn gửi con em đi học mẫu giáo phải chở các cháu xuống tận thôn Lao Đu, cách đó gần 5km. Người dân đã kiến nghị, nhưng ngành Giáo dục huyện cho biết, phải có trên 15 em mới mở được một điểm trường mẫu giáo. Tại thôn cũng chỉ có một điểm trường tiểu học dành cho các em học lớp 1, còn  lại đều phải xuống trường trung tâm xã học, cách thôn hơn 3km đường rừng…

Chị Y Nữ cho biết thêm, thôn Nước Lang hiện hơn một nửa là hộ nghèo. Mấy năm rồi, Ban quản lý thủy điện đã cắt hết mọi khoản hỗ trợ, chỉ mỗi dịp Tết đến, bà con được hỗ trợ ít gạo, dầu ăn, muối mắm…

Những đứa trẻ ở thôn TĐC Nước Lang không có lớp mẫu giáo để học.

Trao đổi với chúng tôi, ông A Ngo, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Xuân cũng rất đồng cảm với những khó khăn của bà con thôn TĐC Nước Lang. Theo ông A Ngo, làng tái định cư này quá nhiều bất cập, trước hết là đường giao thông lên thôn quá hẹp, quá dốc, vô cùng nguy hiểm khi người dân tham gia giao thông, nhất là vào mùa mưa, đường dốc trơn trượt. Diện tích đất ở thì hẹp, nhà cửa bà con bị xuống cấp, đây là nỗi lo không chỉ người dân, mà cả chính quyền xã cũng rất lo lắng. Thêm nữa là vấn đề làm sao có thêm đất để người dân sản xuất, chăn nuôi, chứ như tình trạng bà con sống đắp đổi qua ngày hiện nay thì quá bất ổn.

Trong năm 2017, UBND xã đã có kiến nghị với UBND huyện Phước Sơn và ngành chức năng, Ban Quản lý dự án thủy điện Đăk Mi 4 cần phải xem xét nghiên cứu, để làm sao mở rộng mặt bằng diện tích đất ở cho người dân, mở rộng, cải tạo lại đường giao thông, mở rộng thêm đất sản xuất, mở lớp mẫu giáo, điểm trường tiểu học,  cải tạo lại hệ thống cung cấp nước sạch...

Hồng Thanh

Tại căn nhà 81/9 Hoàng Diệu, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang sáng nay (30/5), hàng trăm CBCS cùng người thân đã dự lễ truy điệu và tiễn đưa Trung tá Phan Trần Anh Phương, cán bộ Trạm CSGT Ninh Hòa thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Khánh Hòa, hy sinh trong khi thi hành công vụ.

Do nhu cầu của người dân, phần lớn là công nhân, người lao động có thu nhập thấp cần người trông giữ con để đi làm nên một số cô giáo hoặc những người lớn tuổi, những người không có công việc ổn định đã nhận chăm sóc trẻ nhỏ tại nhà hoặc các cơ sở thuê.

Công an thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt – Chi nhánh huyện Phú Bình (gọi tắt là Ngân hàng Liên Việt Phú Bình) vừa ngăn chặn thành công một vụ lừa đảo chiếm đoạt hơn 200 triệu đồng qua không gian mạng.

Ngày 30/5, Công an quận Hà Đông, TP Hà Nội cho biết, có 9 người thoát nạn trong vụ cháy nhà trọ vào sáng sớm. Trong đó, người dân cứu được 2 người, CBCS Cảnh sát PCCC&CNCH địa bàn cứu được 3 người, 4 người tự thoát nạn qua lối thoát nạn sang nhà bên cạnh.

Những cảnh báo mới nhất đã được Nga đưa ra nhắm thẳng đến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) liên quan tới những tuyên bố của lãnh đạo khối này về xung đột tại Ukraine. Những diễn biến quân sự của NATO nếu như không được thực hiện một cách thận trọng, có thể đẩy mối quan hệ với Nga và thậm chí là mối quan hệ giữa chính các nước thành viên trở nên xấu đi nghiêm trọng.

Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2021 và các thông tư sửa đổi Thông tư 16/2021 quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Cuối tuần này, HLV Vũ Mạnh Cường cùng các học trò ở Câu lạc bộ bóng bàn Công an Nhân dân - T&T sẽ bước vào giải vô địch bóng bàn quốc gia năm 2024 Báo Nhân Dân. Đó cũng được xem như bước chuyển mới của tượng đài bóng bàn Việt Nam này và đương nhiên kèm theo là không ít áp lực.

Theo số liệu báo cáo, đến thời điểm hiện nay Hà Tĩnh đã hoàn tất việc bàn giao 100% mặt bằng cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn, với chiều dài hơn 102km. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc, một số "điểm nghẽn" mất nhiều thời gian nhưng vẫn khó xử lý dứt điểm như trang trại chăn nuôi lợn, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình điện...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文