Tăng cường kiểm soát dịch tả lợn châu Phi, đảm bảo nguồn hàng sạch cho người tiêu dùng
Trong đó, “thủ phủ” chăn nuôi lợn lớn nhất nước là Đồng Nai, đã phát hiện có DTLCP đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh, bởi Đồng Nai nằm sát TP Hồ Chí Minh và cung cấp 40-50% lượng lợn giết mổ tại TP Hồ Chí Minh...
Chủ động ứng phó dịch bệnh
Theo Sở NN-PTNT, đến thời điểm này tại TP Hồ Chí Minh chưa phát hiện đàn lợn mắc bệnh. TP Hồ Chí Minh hiện có 3.917 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn 274.154 con. Trong đó, 274 hộ nuôi lợn bằng nguồn thức ăn thừa tại các nhà hàng, quán ăn, có nguy cơ cao đối với bệnh DTLCP. TP Hồ Chí Minh có 11 cơ sở giết mổ lợn với số lượng giết mổ bình quân là 6.500 - 7.000 con/ngày.
Từ ngày 25-2 đến nay, nguồn lợn nhập vào TP Hồ Chí Minh để giết mổ chủ yếu từ Đồng Nai (46,41%), Bình Dương (19,03%), Bình Thuận (10,88%), Bà Rịa-Vũng Tàu (8,01%)… Ngoài ra, TP Hồ Chi Minh còn tiếp nhận khoảng 2.300 - 2.500 con lợn giết mổ từ các tỉnh như: Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, trong đó nguồn lợn sống từ Đồng Nai cung cấp chiếm khoảng 30%-40%.
Trước tình hình DTLCP diễn biến phức tạp, để chủ động ngăn chặn DTLCP, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định 122/QĐ - UBND về kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh DTLCP và Quyết định bổ sung nội dung QĐ 122/QĐ – UBND, triển khai đồng bộ tại các xã. Bên cạnh đó, Chi cục chăn nuôi thú y TP Hồ Chí Minh cũng làm việc với Chi cục chăn nuôi thú y tỉnh Đồng Nai để thống nhất một số biện pháp phối hợp chống dịch.
Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh và Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 tăng tần suất kiểm tra liên ngành 24/24 tại khu vực tuyến Cao tốc Long Thành - Dầu Giây - TP Hồ Chí Minh và cảnh sát giao thông Cát Lái khảo sát địa điểm bố trí chốt kiểm dịch tạm thời tại khu vực này. Tại huyện Củ Chi, 2 chốt kiểm dịch tạm thời được thành lập ở khu vực cầu Phú Cường và cầu Bến Súc giáp ranh tỉnh Bình Dương.
Tại khu vực giáp ranh tỉnh Long An, các tuyến đường giáp ranh với tỉnh Tây Ninh và tuyến quốc lộ 22 cũng luôn có Đoàn kiểm tra túc trực. Song song với việc chốt chặn các “cửa ngõ” vào TP Hồ Chí Minh, các quận huyện cũng tăng cường kiểm tra các điểm kinh doanh tự phát, chợ tạm, chợ truyền thống, để xử lý triệt để tình trạng kinh doanh thịt lợn không rõ nguồn gốc, không có kiểm dịch của cơ quan thú y.
Vận động các doanh nghiệp (DN), hệ thống phân phối, thương nhân chợ đầu mối tăng cường liên kết, xây dựng chuỗi cung ứng khép kín, đảm bảo đầu ra khuyến khích tăng đàn đối với các trang trại tuân thủ quy trình sản xuất thực phẩm an toàn, chăn nuôi theo quy trình Vietgap, GlobalGap, Lifsap, không nhiễm bệnh và có truy xuất nguồn gốc.
Thịt lợn có truy xuất nguồn gốc nhưng vẫn bán chậm tại chợ truyền thống. |
Đảm bảo thịt lợn sạch cung cấp ra thị trường
Để phòng ngừa trường hợp thị trường bị biến động mạnh nếu dịch bệnh xảy ra, bà Nguyễn Huỳnh Trang – Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở cũng đã làm việc với các DN bình ổn thị trường, đảm bảo cung ứng 106,5 tấn thịt lợn/ngày.
Cụ thể, khi có dịch bệnh xảy ra, Công ty Vissan sẽ thu mua để dự trữ 3.600 tấn trong 45 ngày, nhập khẩu thịt từ các nước nếu có biến động lớn; Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sargifood), sẽ đưa ra thị trường lượng lợn dưới tuổi xuất chuồng (khoảng 80-90 kg/con).
Tập trung phát triển nguồn lợn giống để cung cấp cho thị trường, hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn lại; Công ty CP Ba Huân cam kết thu mua nguồn hàng dự trữ khoảng 100-200 tấn thịt gà, cung ứng ra thị trường khoảng 20 tấn thịt gà/ngày, đảm bảo đủ thịt gà thay thế cho thịt lợn; Công ty TNHH San Hà cung ứng cho thị trường 200 tấn thịt gà/ngày và 25 tấn thịt lợn/ngày; Công ty TNHH Anh Hoàng Thy, cung ứng 2 tấn thịt lợn /ngày...
Ngoài sản lượng thịt lợn tham gia bình ổn thị trường, các DN cũng đã chuẩn bị tăng cường 33,5 tấn thịt lợn/ngày và 37 tấn thịt gà/ngày cho thị trường.
Ngày 14-5, ghi nhận tại một số chợ truyền thống ở TP Hồ Chí Minh như Bến Thành, Tân Định (quận 1), Phước Long, Tân Mỹ (Quận 7), Phú Xuân (Nhà Bè)… chúng tôi thấy nhiều quầy thịt lợn vẫn vắng bóng người mua. Chị Bé, tiểu thương chợ Tân Mỹ than thở: “Trước giờ chị vẫn bán bình thường, nhưng khoảng một tuần nay, kể từ khi có tin dịch bệnh ở Đồng Nai rồi mới đây nữa là Bình Phước, nên khách hàng mua thịt lợn ít hơn".
Chị Hạnh, ngụ quận 7 cho rằng: “Nếu như trước đây tôi hay mua thịt lợn ở chợ vào sáng sớm do thịt mới giết mổ, thịt nóng nên rất ngon. Nhưng nay, tôi mua thịt lợn ở siêu thị, các cửa hàng tiện lợi mua vì những nơi này thịt lợn có tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng, cũng yên tâm”.
Theo các tiểu thương, sức mua giảm diễn ra từ vài tháng nay, lúc đó dịch vẫn còn ở phía Bắc. Nhưng gần đây, dịch đã tiến vào Nam, đến các địa phương áp sát TP Hồ Chí Minh khiến sức mua giảm mạnh đột ngột. Thịt lợn tiêu thụ giảm, người tiêu dùng (NTD) thay thế bằng các loại thực phẩm khác như hải sản, gà, vịt, trứng… khiến giá các loại thực phẩm này đã rục rịch tăng, trong khi giá thịt lợn giảm 10-15.000 đồng/kg mà cũng rất ít người mua.
Theo ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Công ty Quản lý chợ đầu mối Hóc Môn, bình quân chợ tiêu thụ 5.200 con/ngày, nhưng khi có thông tin về dịch tả lợn châu Phi, sản lượng thịt về chợ giảm còn 4.800-5.000 con/ngày. Mấy ngày gần đây, giá lợn mảnh giảm từ 50.000 đồng/kg xuống còn 48.000 đồng/kg.
Nói về các giải pháp phòng chống bệnh DTLCP, đại diện Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho rằng: Khi giá thịt lợn xuống thấp, thì giải pháp sẽ là đẩy mạnh kích cầu NTD, vận động các hệ thống phân phối tăng cường khuyến mãi, giảm giá, để tăng sản lượng tiêu thụ. Đồng thời vận động DN tăng cường thu mua thịt lợn để trữ đông. Đến giai đoạn nguồn cung thịt lợn giảm, giá tăng mạnh trở lại thì sẽ đẩy mạnh nguồn thịt lợn trữ đông trước đó.
“Hiện nay, trữ đông tốn chi phí rất lớn nên cần chính sách hỗ trợ. Bởi NTD có thói quen sử dụng thịt nóng, do đó khi cấp đông số lượng lớn thì Nhà nước cần phải tuyên truyền để người dân sử dụng thịt đông, thịt mát”, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TP nhìn nhận.