Các tỉnh miền Trung nỗ lực khắc phục hậu quả bão số 5
- Hàng loạt cây xanh bật gốc vì bão số 5
- Lực lượng Công an tham gia khắc phục hậu quả bão số 5
- Bão số 5 suy yếu, các tỉnh miền Trung vẫn có mưa to
- Công an các tỉnh Nam Trung bộ tập trung ứng phó với bão
Một đoạn kè ven biển Quy Nhơn bị sóng biển đánh sập. Ảnh : CTV |
Thống kê chưa đầy đủ, đến trưa ngày 31-10 trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có 144 ngôi nhà bị sập, 333 căn nhà khác cùng 50 phòng học hỏng, tốc mái, 45 tàu cá hư hỏng do va đập, chìm đắm, 2.000 m kè biển bị sạt lở, trong đó có 600m bị sóng biển đánh sập hoàn toàn, 56 trụ tải điện gãy đổ, 10 km đường dây tải điện và 20 km cáp quang bị đứt, hơn 3.600 ha lúa và hoa màu cùng 20 ha ao, đìa tôm, cá ở huyện Phù Mỹ ngập nước, hư hỏng…Ước tính thiệt hại khoảng 400 tỷ đồng. Trong cơn bão, những đợt sóng gió xô đập dữ dội ven biển đã cuốn trôi neo 6 chiếc tàu vận tải biển Việt Nam, 1 tàu vận tải biển Panma đang neo đậu ở vịnh Quy Nhơn.
Nhờ tăng cường kiểm tra, vận động người dân rời khỏi lồng bè tôm cá trên vịnh Xuân Đài (Phú Yên) nên không xảy ra thương vong về người. Ảnh : Hữu Toàn |
Đến 8h sáng ngày 31-10, các tàu vận tải biển Trường Thành 26, Long Châu, Hòa Bình 45 và Ngọc Khánh 18 đã tự khắc phục được sự cố, nhưng tàu Ngọc Khánh 18 bị thủng buồng máy chính trong khi trên tàu có 10 tấn dầu D.O. 3 tàu vận tải biển còn là bị mắc cạn là tàu VSG Pride – quốc tịch Panama, tàu Phú Trung 16 bị sóng đánh trôi dạt, mắc cạn tại mũi Hải Minh, phường Hải Cảng và tàu Quang Vinh 09 mắc cạn ở gần cầu Đèn bên đầm Thị Nại, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn đang triển khai phương án cứu hộ. Rất may là thủy thủ đoàn gồm 67 người trên 7 tàu vận tải biển đều an toàn, trên đất liền cơn bão số 5 cũng không gây tử vong về người mà chỉ có 2 trường hợp bị thương.
CBCS Cục CSGT phối hợp khắc phục sự cố đường sắt qua Bình Định. Ảnh: Hoài An |
Thông tin PV Báo CAND ghi nhận được, do ảnh hưởng cơn bão số 5 nên sáng ngày 31-10, tuyến đường sắt xuyên Việt tại km 1039+350 thuộc địa phận xã Mỹ Phong, huyện Phù Mỹ và km 1022+217 thuộc địa phận xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn (Bình Định) đã phải phong tỏa do nước mưa ngập tràn, bồi lấp đất đá. Gần 500 hành khách trên các chuyến tàu khách SE22, SE10, SE4, SE2 phải tạm lưu lại tại các ga Phù Mỹ, Phù Cát.
Công ty CP quản lý đường sắt Nghĩa Bình đã huy động nhân lực, phương tiện đến hiện trường nỗ lực khắc phục hậu quả để sớm thông tuyến đường sắt trong buổi trưa cùng ngày. Một tổ công tác của Cục CSGT – Bộ Công an trực tiếp kiểm tra hiện trạng, phối hợp giải quyết sự cố nêu trên. Trên các huyết mạch giao thông trọng điểm quốc lộ 1A, 1D, 19, 19C, các tổ tuần tra của Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Định thường trực xuyên suốt ở những cung đoạn xung yếu, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.
Một đoạn đường tạm qua địa phận xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) bị nước lũ cuốn trôi. Ảnh: CTV |
Theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Phú Yên, trước khi cơn bão số 5 ập đến, chính quyền các địa phương đã chủ động sơ tán 2.334 hộ gia đình gồm 7.106 người dân rời khỏi tầm nguy hiểm của lũ lụt, sạt lở đất ven sông và triều cường ven biển, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn người dân phòng tránh bão, cưỡng chế đưa hơn 3.000 người rời khỏi lồng bè thả nuôi tôm cá trên vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông vào bờ trước khi bão ập đến…nên không xảy ra thương vong về người do sập nhà, lũ cuốn, cây đè.
Một số vị trí trên kè Bạch Đằng, TP Tuy Hòa (Phú Yên) bị sụt lún, sạt lở. Ảnh : CTV |
1 trường hợp duy nhất tử nạn giao thông được phát hiện sáng ngày 31-10 dưới mố cầu Suối Kỷ trên tuyến quốc lộ 19C thuộc địa phận thôn Lãnh Trường, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân. Nạn nhân là ông Nguyễn Văn Lý (SN1979) trú ở thôn 1, xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) điều khiển xe máy BKS 77L1-163.77 từ Đa Lộc về nơi tạm trú bên gia đình phía vợ ở xã Canh Hòa, huyện Vân Canh (Bình Định) nhưng nhiều khả năng ông Lý tử vong khi điều khiển xe trong điều kiện đêm tối, tiết trời có mưa gió và đã tự té ngã, rơi xuống mố cầu Suối Kỷ.
Trong cơn bão, tàu cá của ngư dân đã neo đậu nhưng vẫn bị sóng gió xô đập vào bờ đá. Ảnh : Đức Huy |
Thống kê tại Phú Yên đến 8h sáng ngày 31-5, cơn bão số 5 đã cuốn sập 8 căn nhà, gây xiêu vẹo, hư hỏng 26 căn nhà khác, 70 ha lúa và hoa màu bị ngập nước, 19 tàu cá bị sóng gió đánh chìm, 1.020m3 đất đá kênh mương thủy lợi sạt lở. Trong khi đó ông Đào Mỹ – Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu cho biết, nhiều vùng nuôi tôm hùm, cá chẽm ở đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài ở địa phương này bị thiệt hại do sóng gió đánh vỡ lồng bè nhưng chưa có con số thống kê chi tiết.
Sau bão, người dân trở lại lồng bè trên vịnh Xuân Đài (Phú Yên) để kiểm tra, chăm sóc tôm, cá. Ảnh: Hữu Toàn |
Theo Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân – ông Nguyễn Hữu Từ, một số cung đoạn đường tạm do đang thi công cầu cống qua xã Đa Lộc bị mưa lũ cuốn trôi, sạt lở gây ách tắc giao thông. Tại TP Tuy Hòa, nước lũ trên dòng sông Chùa gây sụt lún, sạt lở một số vị trên tuyến kè Bạch Đằng. Mực nước trên các hồ thủy lợi Phú Xuân, Đồng Tròn, Suối Vực, Lỗ Ân, Hóc Răm, Xuân Bình, Kỳ Châu và các hồ thủy điển Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Krông H’Năng còn ở mức rất thấp so với cao trình đón lũ nên chưa xả lũ.
Cơn bão đi qua, người dân chèo xuồng giăng lưới đánh bắt cá trên đầm Ô Loan, huyện Tuy An (Phú Yên). Ảnh: Hữu Toàn |
Cùng với việc chỉ đạo tập trung thu dọn vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả cơn bão số 5, UBND tỉnh Phú Yên, Bình Định yêu cầu các địa phương, cơ quan chức trách tiếp tục bám sát thông tin về thời tiết, chủ động phòng ngừa hiểm họa thiên tai khi mưa lớn trên diện rộng có thể xảy ra sau cơn bão, gây lũ lụt, sạt lở đất vùng ven sông, triều cường ven biển; kịp thời sơ tán người dân ra khỏi tầm nguy hiểm khi có cảnh báo về mưa lũ.