Tây Nguyên lo thiếu nước và hạn hán nghiêm trọng

10:58 03/03/2019
Mặc dù chưa bước vào đỉnh điểm của mùa khô hạn nhưng nhiều hồ đập ở Tây Nguyên hiện đã bắt đầu tụt giảm nghiêm trọng so với cùng kỳ, thậm chí nhiều hồ đã cạn trơ đáy, người dân không còn nước để tưới tiêu. Dự báo mùa khô năm 2019, Tây Nguyên sẽ thiếu nước và  hạn hán nghiêm trọng có thể xảy ra.

Hồ đập bắt đầu trơ đáy

Nằm cách trung tâm huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai chưa đầy 50km, hồ đội 3 của xã Bàu Cạn rộng hơn 8ha, là nơi cung cấp nước tưới cho hàng trăm ha hoa màu của người dân quanh vùng. Tuy nhiên, đến thời điểm này hồ đã cạn trơ đáy. Để có nước tưới cho cây trồng, nhiều người dân sống quanh lòng hồ phải thuê máy múc đào vét những con mương ngay giữa lòng hồ để tìm nước “vớt vát” cứu cây trồng.

Anh Hoàng Văn Tuấn (một người dân sống gần lòng hồ) cho biết, hơn 3 năm qua, mặc dù có xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước tưới nhưng chưa năm nào lại khốc liệt như năm nay. 

“So với cùng kỳ năm ngoái, năm nay nước tụt giảm nhanh gấp bội. Những năm về trước, dù hạn nặng cỡ nào thì tầm cuối tháng 4 hồ mới khô, nhưng giờ mới đầu tháng 3 hồ đã trơ đáy. Không biết những ngày sắp tới lấy nước đâu mà tưới nữa”, anh Tuấn lo lắng nói.

Nằm cách hồ đội 3 chưa đầy 10km, hồ đội 14 (xã Bàu Cạn) rộng khoảng 5ha, là nơi cung cấp nước tưới cho khoảng 100ha cây trồng cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Có mặt tại đây, chúng tôi chứng kiến nhiều máy bơm của người dân nằm “bất động” trên bờ vì không có nước. 

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Minh Đức (trú gần lòng hồ) cho hay, gia đình ông có 2,5ha cà phê nhưng chỉ mới tưới đến đợt 3 là hết nước, trong khi đó với thời tiết nắng nóng này, vườn cà phê của gia đình phải cần nước tưới liên tục để cứu vãn. 

“Trong vùng có khoảng 30% diện tích cà phê tưới đợt 3, 70% còn lại chỉ mới tưới xong đợt 2 thì hồ hết nước. Không có nước tưới, nhiều hộ dân giờ đây chỉ còn cách ngồi chờ… mưa. Cà phê không có nước tưới thì hoa sẽ bị khô, hư, không đậu quả”, ông Đức buồn bã nói.

Không chỉ tại tỉnh Gia Lai, mà ngay trung tâm thủ phủ cà phê Tây nguyên là tỉnh Đắk Lắk, ở nhiều địa phương cũng đang lâm vào tình cảnh thiếu nước tưới cho cây trồng nghiêm trọng.

Nhiều hồ chứa nước ở Tây Nguyên đang lâm vào tình trạng cạn kiệt.

Xuôi theo đường liên xã từ thị trấn Quảng Phú về xã Ea MNang của huyện Cư Mgar, dọc hai bên bờ kênh thủy lợi nhỏ, chúng tôi thấy có hàng chục chiếc máy bơm đang đua nhau hút nước để tưới cho những vườn cà phê đang héo rụi. Loay hoay vét con mương để nước chảy vào ống bơm, anh Nguyễn Văn Cường (trú thôn Tân Tiến, xã Quảng Tiến) cho hay, 3 năm trở lại đây chưa năm nào khô hạn lại xảy ra khốc liệt như năm nay. 

“Từ trước Tết Nguyên đán 1 tháng đến nay, trên địa bàn chưa hề có một giọt mưa nào. Nhà tôi có 1,3ha cà phê xen hồ tiêu đến nay đã tưới đến lần thứ 5 mà vẫn chưa có mưa. Với đà này, chắc phải tưới 7 đến 8 đợt. Cái lo hiện nay là nước ở kênh mương bắt đầu khô cạn, thiếu hụt nghiêm trọng. Nếu đến giữa tháng 3 mà không có mưa thì người dân cũng đành bỏ chết cây trồng vì không có nước”, anh Cường nói.

Còn tại tỉnh Đắk Nông, nắng nóng kéo dài nhiều ngày không có mưa khiến cho nhiều diện tích lúa, hoa màu vụ Đông Xuân có nguy cơ mất trắng. Theo ông Nguyễn Văn Trang, Phó Chủ tịch xã Nâm NĐir, huyện Krông Nô thì hơn 60ha lúa vụ Đông Xuân tại cánh đồng Đắk Rền của xã đang có nguy cơ chết khô do thiếu nước tưới. Nguyên nhân do mực nước sông Krông Nô xuống thấp khiến miệng hút của các trạm bơm không hút tới nên không cung cấp được nước cho cánh đồng.

Đâu là nguyên nhân?

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Thành Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, theo dự báo của Trung tâm Đài Thủy văn Tây Nguyên, năm nay sẽ diễn ra tình trạng El Nino rất khốc liệt. 

“Do mùa mưa năm nay kết thúc sớm nên các hồ thủy lợi tích nước không đủ dung lượng. Tỉnh Đắk Lắk hiện có 246 hồ, đập thủy lợi cung cấp nước cho các vùng cây nông, công nghiệp. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại đã có 53 hồ đập có dung tích nước dưới 50% và một số hồ đã bắt đầu cạn nước”, ông Long nói.

Cũng theo ông Long, trước tình trạng nhiều hồ đập cạn nước, phía chi cục cũng đã có văn bản báo cáo UNND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các địa phương tăng cường ứng phó hạn hán; nạo vét kênh mương, tích nước ở các đập tràn; điều tiết nguồn nước hợp lý để đảm bảo phục vụ tưới cho cây trồng. 

“Trong những năm gần đây, để ứng phó với tình trạng hạn hán, ngành chức năng của tỉnh cũng khuyến cáo người dân nên trồng các loại cây nông nghiệp phù hợp cho các vùng đất thường xuyên bị thiếu nước. Ngoài ra, người dân nên áp dụng các công nghệ tưới tiết kiệm để tiết kiệm nguồn nước tưới cho cây trồng nên đã phần nào hạn chế được thiệt hại do hạn hán”, ông Long cho hay.

Người dân Tây Nguyên đang “gồng mình” để cứu cây trồng.

Ông Lê Viết Thuận, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, tình trạng khô hạn, thiếu nước xảy ra trong mùa khô 2019 đã được cơ quan chức năng cảnh báo từ cuối năm 2018. 

“Trước tình trạng các công trình thủy lợi chưa đáp ứng nhu cầu tưới, ngoài việc tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm thì những thời kỳ cao điểm, các địa phương cần tăng cường bám địa bàn, phối hợp nhịp nhàng với đơn vị quản lý công trình thủy lợi để có sự điều tiết, quản lý, sử dụng nguồn nước hợp lý. 

Bên cạnh việc bảo đảm nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, các công trình phục vụ mục đích sinh hoạt cũng được quan tâm nhiều hơn để không ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân”, bà Thuận cho hay.

Bà Vũ Thị Thanh Bình, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cho biết do năm nay mùa mưa kết thúc sớm nên việc tích nước ở một số hồ đập thủy lợi không đảm bảo. So với cùng kỳ 2018, một số hồ đập thủy lợi đã cạn không đủ nước cung cấp nước cho cây trồng. 

“Chi cục cũng khuyến cáo người dân thay đổi cây trồng trên các vùng đất phù hợp. Ngoài ra, trước khi vào mùa khô, người dân cần khai thông kênh, rãnh dẫn nước để hạn chế thất thoát nước và tiết kiệm tối đa nguồn nước cho cây trồng”, bà Bình nói thêm.

Văn Thành

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文