Tết Mùi ăn... thịt dê

23:03 17/02/2015
Ngày Tết muốn ăn thịt dê trước hết là phải làm cho thịt dê không có mùi hôi. Theo kinh nghiệm dân gian, trước khi cắt tiết dê phải đuổi cho con dê chạy 15-20 phút, mùi dê bốc ra theo mồ hôi, hơi thở. 

Cắt tiết xong có thể đào hố vùi dê vào đất ẩm độ 20-30 phút. Với dê đực chưa thiến thì phải thiến trước khi làm thịt. Cũng có thể một hôm trước khi làm thịt, cho dê nhịn ăn, chỉ cho uống vài ba lít nước có hòa muối để sạch ruột và dê đái nhiều, mùi hôi của dê sẽ tiết ra theo phân và nước tiểu.

Những món khoái khẩu:

Món thịt dê tái chanh

Nguyên liệu: Thịt dê 1kg, bánh tráng (bánh đa), một ít gạo, 2 quả chanh; gừng, riềng, sả, đậu phộng (lạc), hạt tiêu, tỏi vừa đủ.

Cách làm: Thịt cắt thành khối vừa, luộc hơi chín lòng đào, xong thái thật mỏng, riềng, tỏi, sả tất cả giã nhỏ, đậu phộng rang làm sạch vỏ lụa, gạo rang giã thật nhỏ. Tất cả các thứ cùng muối hầm, hạt tiêu, nước chanh cho chung vào nồi trộn đều và bóp kỹ, để ngấm trong 15 phút thì có thể dùng được. Nước chấm có thể dùng nước mắm gừng, tỏi, chanh, ớt...

Món chả dê hấp

Nguyên liệu: Thịt dê 1kg, mỡ lợn 1 lạng, trứng vịt 1 quả, mộc nhĩ, miến vừa đủ, hành tỏi khô vài củ, đường 1 thìa, dầu ăn 1 thìa, mắm, muối, tiêu ớt vừa đủ.

Cách làm: Thịt dê thái mỏng xắt theo thớ thịt. Bỏ thịt vào cối giã, rắc muối, mắm, tiêu, hành tỏi và đường trộn đều cùng các thứ gia vị. Mộc nhĩ ngâm nước rửa sạch thái nhỏ. Miến ngâm sơ, vớt để ráo, cắt khúc bằng đốt ngón tay. Trộn thịt đã giã với mộc nhĩ và miến, xong viên từng viên bằng quả chanh và ép cho dẹp xuống, xoa mỡ vào rồi xếp các miếng chả viên vào nồi hấp, có thể xếp chả thành 2-3 lớp. Sau đó hấp khoảng 1 giờ. Dùng tăm nhọn xuyên vào giữa miếng chả, rút tăm ra thịt không dính vào là chả chín. Khi ăn chấm với tương ớt.

Món chả nướng thái mỏng

Nguyên liệu: Thịt dê 1kg, nửa cùi dìa húng lìu, sả, gừng, hạt tiêu, đường, tỏi, mỡ nước, mắm muối vừa đủ.

Cách làm: Thái mỏng thịt dê thành miếng to bản, trở sống dao dần qua. Củ sả thái thật nhỏ. Gừng giã nhuyễn. Xong đem thịt ướp cùng nước mắm đã dầm gừng, sả, đường trong độ nửa giờ. Lấy cặp tre hoặc vỉ lưới trải mỏng thịt, nướng trên than củi hồng. Dùng quạt quạt nhẹ, tiếp tục nướng cho thịt vừa chín tới là được. Nước chấm làm chua ngọt có thêm chút tỏi. Khi chả được gỡ ra, bỏ ngay vào nước chấm. Ăn nóng kèm theo rau thơm, rau sống, ăn với bún càng ngon.

Món dê xào chua ngọt

Nguyên liệu: 0,5kg thịt dê, dầu ăn, 100g bột mỳ, hành tươi, rau mùi, dấm ăn, đường, mắm muối, gia vị vừa đủ.

Cách làm: Thịt thái thành từng miếng mỏng to bằng bao diêm. Dùng sống dao dần cho thịt mềm. Rắc ít muối và ướp với tỏi giã nhỏ trong 15 phút. Bột hòa sẵn vào nước (1 thìa bột, 3 thìa nước). Dầu ăn đun nóng già, phi tỏi, hành cho thơm, sau đó cho thịt vào nồi đảo luôn tay, khi thịt chín tái thì cho đường, dấm và nước bột vào, đảo qua cho tất cả sôi lúp xúp. Đem hành tươi (đập dập cắt khúc dài 3-4cm) trộn vào, đảo cho hành tái thì múc ra đĩa, rắc rau mùi vào. Có dứa, cà chua xào chung càng ngon.

Thịt dê – thức ăn ngon, vị thuốc quý

Thịt dê là một món ăn ngon, điều này mọi người đã biết, nhưng ít người biết rằng thịt dê còn là một vị thuốc quý được đông y dùng từ lâu đời. Trong các sách thuốc cổ có ghi một vị thuốc tên là Dương nhục có tác dụng bồi bổ cơ thể và chữa một số bệnh. Vị Dương nhục chính là thịt dê. Theo y học dân tộc, Dương nhục có vị ngọt, tính nóng, không độc, tác dụng hỗ trợ ba kinh tỳ, vị và can, có tác dụng trợ dương, bổ tinh huyết, chữa lao lực gầy yếu, phụ nữ sau khi đẻ cơ thể suy nhược, yếu mệt, ít sữa...

Danh y Hải Thượng Lãn Ông của Việt Nam đã viết trong sách "Lĩnh Nam bản thảo" về vị thuốc từ thịt dê như sau:

Dương nhục tục gọi là thịt dê.

Nóng nhiệt, ngọt đắng, ích tâm tỳ.

Bổ hư lao lạnh, trừ kinh giản.

Phong, đầu choáng, lưng đau, dương suy (liệt dương).

Từ thời xưa, đông y vẫn có bài thuốc "Đương quy, sinh khương, dương nhục thang" gồm đương quy, gừng tươi và thịt dê để bổ dưỡng khí huyết, chữa thận kém, đau lưng, mỏi gối, dương khí kém. Nhưng thịt dê đâu phải chỉ dành cho nam giới. Phụ nữ sau khi sinh đẻ bị gầy yếu, kém ăn, ít sữa cũng có thể dùng bài "Đương quy, sinh khương, dương nhục thang" sẽ có kết quả tốt.

Dê đúng là món ăn ngon, vị thuốc quý. 

Tản mạn về con... mùi

Nguồn gốc loài dê

Loài người biết thuần hóa và nuôi dê từ lâu đời. Tổ tiên của loài dê cùng họ với loài bò, sừng rỗng, không phân nhánh, không rụng. Có tài liệu nói rằng dê được nuôi từ thời đồ đá, cách đây hơn 2 vạn năm. Từ Trung Đông, Ấn Độ lan sang Ai Cập rồi phát triển mạnh khắp châu Á, châu Phi và châu Âu.

Hiện nay ở nước ta có 2 giống dê khá phổ biến. Dê nội địa có hình vóc nhỏ, cao khoảng 50cm, nặng tối đa 20kg, lông nhiều màu, tai đứng và rất linh hoạt. Giống dê lai mình dài hơn, cao khoảng 70cm, nặng tối đa 40kg, mắt to, tai cụp xuống, lông màu trắng hoặc khoang trắng vàng, trắng nâu, trắng đen và rất hiền lành...

Sữa dê và... văn hóa

Thịt dê là thức ăn giàu đạm. Cứ 100g thịt dê có từ 11-20g đạm, không thua kém thịt bò, lợn... Ngoài ra, sữa dê cũng rất ngon và bổ. Một con dê cái tốt được ăn uống đầy đủ, có thể cho ta 900 lít sữa mỗi năm. Giống dê Ấn Độ nhiều sữa, bình quân thu được khoảng 6 lít/ngày. Còn dê nước ta tuy sữa ít (từ 0,5 – 1 lít/ngày) nhưng có mùi vị thơm ngon hơn dê lai.

Theo các nhà khoa học, giá trị năng lượng của sữa dê là 840 calo/lít. Ở Hy Lạp, người ta thờ "Thần Dê" vì "Thần Dớt" – vua các thần ở Ô-lem-pơ được nuôi lớn và có sức mạnh là nhờ sữa dê. Đến khi "Thần Dớt" gặp nạn cũng nhờ dê A-man-tê cứu sống bằng nguồn sữa của nó.

Ngày nay ở Hy Lạp có rất nhiều giống dê cho sữa tốt. Còn người dân ở đây cũng rất thích mặc trang phục bằng da dê... Đến thăm xứ sở của “Thần Dớt”, bạn sẽ thấy trên các đường phố Ai Cập có những phụ nữ duyên dáng, dắt đàn dê đi rong phố để bán và vắt sữa dê tại chỗ cho khách uống. Tiếng rao của họ vang lên vui vẻ. Chỉ cần ít tiền lẻ, du khách sẽ nhận được một cốc sữa tươi nguyên chất, thơm ngon bổ dưỡng từ tay các người đẹp của xứ sở Kim Tự Tháp...

Tấn Tuấn

Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan chức năng Australia đang tiến hành các thủ tục để chuẩn bị tổ chức Đối thoại An ninh cấp Bộ trưởng Việt Nam - Australia lần thứ nhất vào cuối năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng góp phần nâng tầm hợp tác hai bên trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật.

Với việc hóa thân thành ông lão 72 tuổi để nói về việc trẻ em thiếu tình thương, em Nguyễn Đỗ Quang Minh, học sinh lớp 9, Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đã vượt qua 1,5 triệu bài viết, giành giải Nhất quốc gia cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 53.

Liên quan đến thông tin một số khán giả cho rằng, trang phục biểu diễn của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng có cài huy hiệu lạ, nhạy cảm trong đêm nhạc “Ngày em thắp sao trời”, chiều 7/5, ông Nguyễn Danh Hoàng Việt, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nắm được vụ việc và chỉ đạo kiểm tra.

Những ngày qua có 4 tàu cá cùng 11 ngư dân của Quảng Bình bị nạn trên biển do lốc xoáy, sau 5 ngày nỗ lực liên lạc, tìm kiếm, 4 ngư dân đã được đưa vào bờ an toàn trong niềm vui vỡ oà của người thân.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文